Rất vui mừng khi hay tin thành phố Phan Thiết sẽ có một nhà trưng bày điêu khắc cổ Champa tại số 21A, Hoàng Văn Thụ. Và từ vui mừng chuyển sang ngạc nhiên khi biết rằng người đứng đơn xin tỉnh và ngành Văn hóa thành lập Phòng trưng bày là một người Phan Thiết chính hiệu. Anh tên Nguyễn Văn May (ngụ khu phố 2, Phú Thuỷ, Phan Thiết), 53 tuổi nhưng lại có hơn 30 năm bỏ công sức và sự nghiệp đi khắp nơi nghiên cứu, sưu tập hiện vật liên quan đến nền điêu khắc cổ Champa...
Rất vui mừng khi hay tin thành phố Phan Thiết sẽ có một nhà trưng bày điêu khắc cổ Champa tại số 21A, Hoàng Văn Thụ. Và từ vui mừng chuyển sang ngạc nhiên khi biết rằng người đứng đơn xin tỉnh và ngành Văn hóa thành lập Phòng trưng bày là một người Phan Thiết chính hiệu. Anh tên Nguyễn Văn May (ngụ khu phố 2, Phú Thuỷ, Phan Thiết), 53 tuổi nhưng lại có hơn 30 năm bỏ công sức và sự nghiệp đi khắp nơi nghiên cứu, sưu tập hiện vật liên quan đến nền điêu khắc cổ Champa...
|
Thần Siva |
Niềm đam mê hơn 30 năm
Chúng tôi gặp anh May vào một buổi chiều mưa tại phòng trưng bày sau 3 lần hẹn gặp. Anh như già hơn cái tuổi 53 nhưng lại có thân hình chắc đậm, khoẻ mạnh. Thay cho câu chuyện về niềm đam mê và bộ sưu tập cổ vật chúng tôi hỏi, anh kể về kỷ niệm sâu sắc nhất trong hơn 30 năm miệt mài, vất vả tìm kiếm, sưu tập. Một lần cùng chiếc xe máy đi Phan Rang dạy học, khi ngang ngôi chùa nhỏ tên Phát Âm (cách chợ huyện Bắc Bình vài chục mét) tự dưng có cảm giác như có ai gọi từ hướng ngôi chùa, nhưng anh chỉ ngoảnh nhìn rồi thôi. Thế nhưng suốt mấy ngày dạy học ở Phan Rang trong tâm thức anh lúc nào cũng mang một cảm giác không yên cho đến ngày về. Và cảm giác đó lớn dần cho đến khi anh gặp lại ngôi chùa nhỏ hôm nào. Anh dừng xe và đến bên ngôi chùa, gần như vô tình phát hiện một bức tượng màu đen với một bàn tay mất hai ngón...Về sau qua giám định thì biết đó là một tượng Phật cổ Champa khoảng thế kỷ 12-13.? Và bức tượng đã trở thành báu vật của anh và gia đình.
Tôi có thắc mắc về cơ duyên kỳ lạ đó, anh cho rằng có lẽ đó là kết qủa của một niềm say mê mãnh liệt về điêu khắc cổ từ khi anh mới 16 tuổi. Theo lời anh, nguyên nhân của niềm say mê đến với anh khi vô tình đọc tập thơ "Ðiêu Tàn" của Chế Lan Viên. Anh bắt đầu để ý đến nguồn gốc của quê hương, vùng đất mà ông cha cho rằng chỉ có khoảng hơn 300 năm, nhưng sao lại có Tháp Poshanư huyền bí!?. Ðể giải đáp cho được thắc mắc, anh vừa tự mình tìm tài liệu đọc vừa sưu tầm, tìm hiểu về những hiện vật liên quan đến nền văn hóa Champa. Anh đã bỏ công đi hầu khắp các vùng đất từ thánh địa Mỹ Sơn, Bình Ðịnh, Phú Yên, Tây Ninh cho đến những địa danh thuộc tỉnh Bình Thuận khi nghe tin có người lưu giữ hay phát hiện ra một hiện vật nào đó liên quan đến điêu khắc cổ Champa.
Và càng sưu tập, nghiên cứu những bí ẩn của từng bức phù điêu, tượng thần anh càng phát hiện ra sự hiểu biết thật hạn hẹp của mình. Ước mơ khám phá mọi bí ẩn đã giúp anh tự mày mò tài liệu liên quan, tự học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp) để có thể đọc thêm tài liệu của thế giới về điêu khắc cổ Champa. Hơn 30 năm phiêu bạt tìm kiếm, hay miệt mài chăm sóc, xử lý từng hiện vật anh như nếm trãi đủ mọi thứ buồn vui. Nhiều khi nửa đêm đang ngủ có tin là đi ngay, bất kể xa gần. Có khi anh chấp nhận sự trách mắng của người thân, bạn bè, hay chấp nhận chịu thiệt thòi trong công việc mưu sinh để tìm đến tận nơi, gặp tận người đang lưu giữ những cổ vật quý. Cũng có khi anh chỉ biết ôm nổi đau vào lòng khi sưu tầm phải một hiện vật giả. Anh nói nhiều về sự khổ nhọc khi thuyết phục người ta "nhượng" cho anh hiện vật quý. Sự nhẫn nại và tỉ mỉ của công việc bảo quản từ khâu xử lý, phân loại cho đến nghiên cứu chỉnh lý hiện vật. Nhưng đổi lại cũng có rất nhiều niềm vui, đó là thuyết phục người thân từ chỗ rất "ghét" trở thành cùng niềm đam mê thông qua giải thích về bí ẩn các điệu múa trên từng bức phù điêu, từng tượng nữ thần. Anh quan niệm: "Cái đẹp của nghệ thuật sẽ đẹp hơn biết dường nào khi chia sẻ cho nhiều người cùng chiêm ngưỡng". Và ý tưởng về nhà trưng bày có trong anh từ niềm say mê đó...
Ước mơ nhà trưng bày tư nhân
Ðể có tính khoa học và giúp người xem dễ dàng tìm hiểu giá trị nghệ thuật của hiện vật, anh chia bộ sưu tập ra nhiều nhóm với phong cách niên đại khác nhau. Cùng với người học trò, anh vừa hướng dẫn cho chúng tôi xem vừa say sưa nói về xuất xứ và ý nghĩa từng hiện vật. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi thưởng thức và chứng kiến phòng trưng bày. Chỉ tính riêng bộ sưu tập phù điêu đã có gần 150 bức. Nhưng sự ngỡ ngàng thật sự của chúng tôi khi xem không phải là số lượng mà là sự phong phú và đa dạng của các bức phù điêu. Mặc dù chỉ có khoảng 15 bức được tìm thấy ở Bình Thuận, còn lại từ các nơi khác nhau nhưng dường như có một sự tương đồng kỳ bí nào đó giữa các nội dung và hình ảnh chạm khắc trên phù điêu. Chiếm số nhiều là các động tác múa của vũ nữ, còn lại là những bức phù điêu mang hình các nam thần, các công việc đồng áng, các chiến binh bảo vệ. Anh giải thích: "Phù điêu làm ra để trang trí và mang ý niệm bảo vệ các ngôi tháp nên luôn mang trong mình một vẻ kỳ bí và độc đáo của tín ngưỡng".
Toàn bộ lầu hai dùng để trưng bày các tượng thần bằng đất và đá. Bộ sưu tập với gần 50 tượng này làm cho chúng tôi có cảm giác như mình lạc vào một thế giới tâm linh, kì bí. Ngoài số tượng thần như tượng Phật, tượng Apsara, tượng Garasa, tượng thần Siva, tượng nam thần, tượng thần Dravapala, còn có nhiều tượng thú vật như tượng khỉ, tượng chim thần Giaruda, tượng sư tử, tượng chim thần Giaruda nuốt rắn Naga. Ðặc biệt, có một tượng thú rất kỳ lạ (không giống với bất cứ con thú nào) tên gọi Gajasimha với thân sư tử đầu voi...Ðối diện là một bộ sưu tập các loại hũ Champa với rất nhiều kích cỡ và niên đại khác nhau, trong đó có 2 hũ có miệng rộng giống văn minh Óc Eo?!
Không dừng lại ở những hiện vật của văn minh Champa, anh còn rất tự hào và sung sướng khi hướng dẫn và giới thiệu chúng tôi tầng trên cùng. Ðây là nơi trưng bày, mà theo lời anh là lịch sử về vùng đất mang tên Bình Thuận ngày nay. Bởi tất cả hiện vật ở đây đều tìm thấy ở Bình Thuận. Ðồng ý cho chúng tôi chụp hình từng hiện vật anh vừa giới thiệu ngắn gọn tên gọi, ý nghĩa và nơi tìm thấy. Ðó là bộ sưu tập gồm 10 rìu đá lớn nhỏ (có lẽ thời kỳ đồ đá), một bộ đá gồm một hình thoi gắn vào đĩa tròn bằng đất nung (giống cái thoi dùng se chỉ) niên đại khoảng 2000 năm!? Hình chiếc lá có con tắc kè đeo theo (khoảng thế kỷ 15-16) bằng đồng. Ðặc biệt nhất là khối hình bằng đồng có dáng một người mẹ địu con (theo mẫu hệ) được xem là rất tương đồng với nền văn hóa Ðông Sơn ở miền Bắc!?...Và để "đối chứng" nền văn minh đồ đá, đồ đồng của người Việt, anh giới thiệu cho tôi một bộ sưu tập đá - đồng theo trường phái Sukhothai niên đại thế kỷ 13 của Thái Lan. Giữa phòng đặt một bức tượng thần Siva lớn bằng đá, rất đẹp được tìm thấy ở khu vực gần sông Quao (Bắc Bình - Bình Thuận). Từ bức tượng với chóp chiếc mũ bằng (thay vì nhọn), anh cho rằng, có lẽ đã có sự giao lưu văn hóa (?) từ xa xưa và sự liên hệ của người cổ Bình Thuận với người Việt cổ!?
Ngoài hiện vật thuộc điêu khắc cổ Champa, nhà trưng bày dành riêng một tầng để trưng bày nghệ thuật gốm sứ. Cái độc đáo, hấp dẫn của hơn 4.000 hiện vật không phải ở sự phong phú về chủng loại mà tất cả đều được phát hiện và tìm thấy tại Bình Thuận. Chúng tôi chú ý nhất là bộ sưu tập lọ vôi gồm 22 hiện vật. Dù niên đại, màu sắc và kích thước khá khác nhau nhưng chúng rất giống nhau về hình dáng, đều có quai phía trên và các lỗ nhỏ xung quanh miệng. Vách bên trái cửa vào dành cho nhóm gốm sứ cổ. Có đầy đủ từ gốm sứ Việt Nam thời Lý-Trần, Chu Ðậu, Gò Sành (nổi tiếng ở Bình Ðịnh vào thế kỷ 15) cho đến các loại gốm thời kỳ cuối Hán đầu Ðường, thời Lục Triều của Trung Quốc, gốm Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Lào cổ...
Hiện tại, thông qua ngành văn hóa tỉnh, anh đang chuẩn bị đón đoàn chuyên môn từ Hà Nội vào giám định niên đại và đánh giá giá trị khoa học của tất cả hiện vật trưng bày trước khi được phép hoạt động. Anh tâm sự: "Cũng có nhiều người muốn mua, sẽ có nhiều tiền thật đấy nhưng rồi cũng hết. Cái chính là làm sao chia sẻ cho công chúng chiêm ngưỡng, nên tôi rất khát khao một nơi trưng bày hiện vật!". Luật Di sản đã ra đời, nên hy vọng từ đam mê và khát khao của anh May, thành phố du lịch Phan Thiết sẽ có thêm một điểm tham quan mang đậm nét văn hóa, thu hút đông du khách lẫn những người quan tâm nền điêu khắc cổ Champa đến chiêm ngưỡng và nghiên cứu!