Vừa qua , Ủy ban Chuyên gia Việt - Nhật về điều tra, bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long (UB) đã ra mắt trong phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật (phía Việt Nam) và ông Kamei Nobuo - Chuyên gia thẩm định tài sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Nhật Bản, Chủ tịch ủy ban hỗn hợp Nhật - Việt (phía Nhật Bản).
Vừa qua , Ủy ban Chuyên gia Việt - Nhật về điều tra, bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long (UB) đã ra mắt trong phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật (phía Việt Nam) và ông Kamei Nobuo - Chuyên gia thẩm định tài sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Nhật Bản, Chủ tịch ủy ban hỗn hợp Nhật - Việt (phía Nhật Bản).
|
Dấu tích kiến trúc thời Lý-Trần ở hố D4-D6 |
Tại phiên họp đầu tiên, theo đề nghị của các chuyên gia Nhật Bản, TS Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ HN đã trình bày tổng quát về tình hình bảo tồn di tích HT. Ông Sơn đã dẫn thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương bảo tồn lâu dài toàn bộ HT trong mối quan hệ hữu cơ với Thành cổ Hà Nội, tạo thành quần thể di tích lịch sử - văn hóa. Hiện nay, UBND TP và giới nghiên cứu đang phối hợp hoàn chỉnh hồ sơ khu di tích Thành cổ và HT để trình Chính phủ công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.
Theo báo cáo của PGS.TS Tống Trung Tín, tại HT hiện có hai loại di vật cần được bảo quản khẩn cấp là hiện vật kim loại và đồ gỗ. Trong 2 năm qua các chuyên gia khảo cổ và Bảo tàng Lịch sử VN đã tiến hành tẩy gỉ, làm sạch khoảng 8.000 hiện vật kim loại, gồm vũ khí, tiền đồng, công cụ. Với di vật gỗ, những gì đã lấy ra khỏi lòng đất được đem ngâm trong bể nước; số để lại hiện trường được lấp cát, ghi dấu. Chân cột gỗ được để ở dạng bán thiên nhằm phục vụ tham quan.
Trong thực tế, do điều kiện khách quan, kết quả nghiên cứu, chỉnh lý tư liệu về HT có những điều phải thẩm định lại, để tái khẳng định kết quả hoặc sửa chữa sai sót. Theo báo cáo của chuyên gia Nhật Bản, những người đã cùng phía Việt Nam thực hiện điều tra lại một số vị trí ở HT và tổ chức tập huấn sử dụng máy, xác định ô tọa độ vào đầu năm nay, đã có những vị trí cần phải vẽ lại sơ đồ. Làm thử tại các hố B3, B16, sau khi đối chiếu, chuyên gia Nhật Bản nói rằng bản vẽ mới có nhiều dấu vết trong khi bản vẽ trước đó để trắng. Kết luận ấy dẫn đến suy nghĩ tái điều tra tổng thể cả khu A, B, C, D để làm rõ xem còn sai sót gì không.
Chuyên gia Việt Nam cho rằng họ đã gặp một số khó khăn trong trường hợp HT bởi vừa phải nghiên cứu vừa tiến hành bảo quản. TS Tống Trung Tín nói: “Kinh nghiệm nghiên cứu di tích kiến trúc của KCH đô thị ở Việt Nam chưa nhiều. Hơn nữa, chưa bao giờ các nhà KCH Việt Nam tiến hành nghiên cứu trên phạm vi rộng đến thế. Di tích nhiều thời kỳ chồng lên nhau, cắt phá lẫn nhau. Điều đặc biệt là do nguyên nhân khách quan, chúng tôi đã phải đào gần 20.000m2 chỉ trong vòng 3 tháng. Lúc đó, quyết tâm là đưa di vật, di tích đi chứ không phải giữ tại chỗ. Với tư cách là chỉ huy công trường, tôi thấy sai sót là không tránh khỏi. Cần tranh thủ ý kiến tư vấn của các chuyên gia Nhật Bản vốn có kinh nghiệm nghiên cứu di tích kiến trúc kinh thành”.
Trả lời câu hỏi của phía Nhật Bản về vị trí xây dựng Nhà Quốc hội, phạm vi bảo tồn và hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích Kinh thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, GS Phan Huy Lê nói: Hiện chưa có quyết định cuối cùng về vị trí xây dựng Nhà Quốc hội. Tuy nhiên, căn cứ vào quan điểm, thông tin về tờ trình của Chính phủ thì có thể tin tưởng 19.000m2 tại 18 Hoàng Diệu có điều kiện để bảo tồn toàn vẹn. Về phạm vi bảo tồn quần thể di tích Kinh thành Thăng Long, trước mắt giới khoa học đề nghị gồm toàn bộ HT, Thành cổ - nằm trong Cấm thành TL xưa, các di tích quan trọng như nền điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cửa Bắc, Cột Cờ. Việc có đưa thêm di tích nào vào nữa hay không (như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ô Quan Chưởng, Thăng Long tứ trấn…) là điều đang được nghiên cứu. Phía Việt Nam đề nghị các chuyên gia Nhật Bản tham gia tư vấn về bảo tồn HT, cùng xây dựng quy hoạch, lập hồ sơ trình UNESCO.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Nhật Bản giúp nghiên cứu phương án bảo tồn lâu dài, nguyên vẹn khu di tích 18 Hoàng Diệu; xây dựng quy hoạch bảo tồn trên phạm vi ít nhất là gồm HT và Thành cổ HN và xây dựng hồ sơ chính thức gửi UNESCO. Đề nghị các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp nghiên cứu, cùng chuyên gia Việt Nam đề xuất Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản trợ giúp kinh phí nghiên cứu bảo tồn, hỗ trợ đào tạo. Đề nghị các ban chuyên môn xác định đầu việc, tiến độ cụ thể trong năm tài chính 2007... Chủ tịch UB hỗn hợp phía Nhật Bản, ông Kamei Nobuo cho biết: “Chúng tôi vinh dự vì được lựa chọn tham gia chương trình bảo tồn HT Thăng Long đang được thế giới chú ý. Đây là di tích quan trọng có bề dày nghìn năm. Để hiểu chính xác về di tích là điều không dễ, việc thành lập UB hỗn hợp là giai đoạn khởi đầu tìm hiểu giá trị di tích này. Nhật Bản đưa đến đây những đại diện tương tự 5 ban của Việt Nam. Từ giờ, các ban sẽ cùng trao đổi thông tin, chỉnh lý hiện vật, tài liệu. Cơ sở thành công là sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau...”.
Chiều qua, các ban chuyên môn hai phía Việt Nam và Nhật Bản đã bước đầu trao đổi thông tin, thỏa thuận hợp tác. Trên cơ sở làm việc cụ thể, UB hỗn hợp sẽ ra văn bản chung về bảo tồn HT để trình Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ra quyết định thành lập Ủy ban Chuyên gia Việt - Nhật về điều tra, bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long vào ngày 23-2-2007 với nhiệm vụ: Thương thảo, trao đổi hợp tác Việt - Nhật về nghiên cứu, bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, cung cấp thông tin, tư vấn cho Chính phủ xây dựng cơ chế hợp tác với Chính phủ Nhật Bản về những vấn đề liên quan đến HT; triển khai công tác nghiên cứu, quy hoạch, lập phương án bảo tồn... - UB có 5 ban chuyên môn (Ban Điều tra di tích, Ban Điều tra kiến trúc, Ban Điều tra lịch sử, Ban Kế hoạch quản lý bảo tồn, Ban Trùng tu bảo tồn), các trưởng ban về phía Việt Nam lần lượt là PGS.TS Tống Trung Tín, TS. Hà Văn Phùng (Viện Khảo cổ học), PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), ông Trần Quang Dũng (Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội), TS. Nguyễn Quốc Hùng (Cục Di sản văn hóa VN). Về phía UB hỗ hợp Nhật - Việt, trưởng các ban lần lượt là ông Inaba Nobuko (Viện Nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Tokyo), GS. Ueno Kunikazu (Đại học nữ Nara), GS. Momoki Shiro (Đại học Osaka), ông Kamei Nobuo (Bộ Văn hóa Nhật Bản), ông Aoki Shigeo (Viện Nghiên cứu tài sản văn hóa Tokyo). |
Theo HNM