Để phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội), Bộ Văn hóa - Thông tin vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng dành toàn bộ Khu A và B (khu vực phía đường Hoàng Diệu) cho việc bảo tồn làm bảo tàng tại chỗ.
Để phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội), Bộ Văn hóa - Thông tin vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng dành toàn bộ Khu A và B (khu vực phía đường Hoàng Diệu) cho việc bảo tồn làm bảo tàng tại chỗ.
Lý do là khu vực này hiện còn bảo tồn được tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La (thế kỷ VII - IX) đến tầng văn hóa thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX); một hệ thống cột gỗ thời Đại La dựng trên các chân tảng đá và dấu tích các kiến trúc có niên đại liên tục từ thời Lý đến thời Lê. Có 9 dấu tích kiến trúc lớn thời Lý- Trần, trong đó có những tổ hợp kiến trúc có quy mô rất lớn như kiến trúc A20 + 5 được quy hoạch khá hoàn chỉnh gồm kiến trúc nhà cửa, sân vườn, hành lang, đường đi, hệ thống cống thoát nước, giếng nước. Ngoài ra còn có dấu tích của các kiến trúc lớn thời Lê và các di vật thể hiện có khả năng ở khu vực này có cung Trường Lạc của bà Thái Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Hằng (vợ vua Lê Thánh Tông). Đặc biệt là dấu vết hoàn chỉnh của hệ thống kiến trúc lầu lục giác ở ven sông thuộc thời Lý được các chuyên gia nghiên cứu kinh thành Nhật Bản đánh giá là loại hình di tích độc đáo trong các kinh thành cổ châu á. Toàn bộ các di tích ở Khu A và Khu B tạo thành một hệ thống di tích liên hoàn được phân bố thành nhiều tầng, nhiều lớp chạy dài hai bên bờ một con sông cổ, xen kẽ có các hồ nước cổ.
Theo Yến Nhi