Nếu không nhanh chóng triển khai các công tác bảo tồn, thì chỉ 5 năm nữa, chúng ta sẽ không còn có cơ hội để chiêm ngưỡng các hoa văn khắc trên đá… Sau 11 năm công nhận Khu bãi đá cổ Sa Pa là di tích quốc gia, Bộ Văn hoá Thông tin đang phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai xây dựng hồ sơ khoa học của di tích này gắn với cảnh quan môi trường thung lũng Mường Hoa và khu rừng quốc gia Hoàng Liên để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Nếu không nhanh chóng triển khai các công tác bảo tồn, thì chỉ 5 năm nữa, chúng ta sẽ không còn có cơ hội để chiêm ngưỡng các hoa văn khắc trên đá…
Sau 11 năm công nhận Khu bãi đá cổ Sa Pa là di tích quốc gia, Bộ Văn hoá Thông tin đang phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai xây dựng hồ sơ khoa học của di tích này gắn với cảnh quan môi trường thung lũng Mường Hoa và khu rừng quốc gia Hoàng Liên để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Hiện nay, các ngành chức năng và tỉnh Lào Cai đang khẩn trương tiến hành nhiều việc làm cần thiết để bảo vệ khu di tích quí giá này trước nguy cơ tàn phá của thiên nhiên và con người.
Bãi đá cổ Sa Pa- sức hấp dẫn của sự bí ẩn
Bãi đá cổ Sa Pa nằm dọc theo suối Mường Hoa (hay còn gọi là Thung lũng Mường Hoa), trên địa bàn 4 xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và Sử Pán thuộc huyện Sa Pa (Lào Cai), nơi cư trú của các dân tộc H'Mông, Dao, Tày, Giáy... Thung lũng Mường Hoa nằm lọt giữa những khối đá dựng đứng, nằm ở độ cao 1.200 mét, trải rộng trên diện tích hơn 8 km vuông, cách thị trấn Sa Pa 7km về hướng Đông Nam.
Bãi đá cổ Sa Pa có gần 300 phiến đá với những hình chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện sức lao động bền bỉ của con người. Có phiến đá lớn tới 55 mét vuông, có phiến chỉ nhỏ bằng cái bàn. Có phiến đá khắc các hình giống như bản đồ, hoặc phong cảnh thung lũng Mường Hoa; có phiến đá chạm những vòng xoáy âm dương, thể hiện tín ngưỡng của người xưa; có phiến đá khắc hình người, có phiến đá có chữ viết...
Bãi đá cổ Mường Hoa (Sa Pa) có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Năm 1925, nhà khoa học Victor Goloubev công bố công trình đầu tiên khảo sát nghiên cứu về khu chạm khắc đá cổ Sa Pa. Đã 81 năm trôi qua, nhiều đợt khảo sát khu chạm khắc đá cổ của các nhà Khoa học Việt Nam, Pháp, Thuỵ Điển, Australia đã được tiến hành. Nhưng đến nay, sự thật lịch sử về niên đại, chủ nhân các hình chạm khắc vẫn bị đám mây mù bao phủ. Theo các nhà nghiên cứu, niên đại của khu chạm khắc đá cổ có dấu ấn của nhiều thời kỳ khác nhau: Một số tác giả cho rằng có dấu ấn của văn minh Việt cổ trước thời kỳ Bắc thuộc, có tác giả (như ông Phan Ngọc Liễn- một giáo viên đã nghỉ hưu) cho rằng niên đại khu chạm khắc đá cổ này có từ thời Thái cổ. Hầu hết các nhà khoa học Việt Nam như: Đặng Nghiêm Vạn, Diệp Đình Hoa, Phạm Minh Huyền, Bùi Thiết, Nguyễn Việt... nhận định khu chạm khắc có nhiều niên đại khác nhau từ thời Đông Sơn, đến thế kỷ 16, 18. Chủ nhân của các hình khắc cũng được các tác giả cho là thuộc nhiều lớp văn hoá khác nhau.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn- Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin Lào Cai nhấn mạnh giá trị tiêu biểu của bãi đá cổ Sa Pa là: Giá trị nổi bật nhất là giá trị đa dạng văn hoá của các cư dân cổ đã từng sinh sống ở đây. Qua nhiều năm nghiên cứu, dù chưa giải mã được về niên đại, chủ nhân của bãi đá, nhưng các nhà khoa học đều công nhận về giá trị mỹ thuật và văn hoá của nó. Có người cho rằng văn hoá ở đây có từ thời kỳ tiền Đông Sơn, có người cho rằng thời kỳ Đông Sơn. Tuy nhiên, tất cả các cư dân đã từng đến đây đều để lại dấu vết trên bãi đá, như là những chứng tích rõ ràng nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Việt- Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á (thuộc Hội Nghiên cứu
Đông Nam Á Việt Nam) đã có 3 năm (từ 2001 đến 2003) đào thám sát khu ruộng bậc thang ở Bản Pho, nghiên cứu về sâu tầng văn hoá ở khu bãi đá cổ Sa Pa. Ông cho biết: nhóm nghiên cứu của ông đã đào dưới chân các hòn đá và các dấu tích xung quanh bãi đá. Cuối năm 2001-2003, nhóm đã phát hiện dưới chân hòn Bố, khu vực ruộng bậc thang ở Rừng Cấm hệ thống hai tầng văn hoá. Dưới khu vực ruộng bậc thang ngày nay có khu vực ruộng bậc thang khác, được ngăn cách bởi một lớp đất đồi. Nhóm đã đào được tại tầng ruộng bậc thang ở dưới còn nguyên một quan tài gỗ. Nhờ phương pháp các-bon phóng xạ, nhóm đã phát hiện được tuổi của loại gỗ này cách ngày nay khoảng 890 năm. Từ đó suy luận rằng cư dân chủ nhân của lớp ruộng bậc thang cổ này có tuổi nhiều hơn thế. Mường Hoa không phải là thung lũng thuận lợi cho dân cư sinh sống. Vì thế, rất có thể lớp dân cư cổ sau khi khai thác thung lũng này đã có đợt di cư đến các địa điểm khác. Những người khai thác lại khu vực này là dân cư các dân tộc Mông, Dao, Giáy... cách ngày nay khoảng 300 đến 400 năm.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, sử dụng phương pháp nghiên cứu âm bản, các nhà nghiên cứu đã xác định được rằng chủ nhân đầu tiên của bãi đá cổ này đã sử dụng công cụ bằng sắt và phải dùng hai tay, chứ không phải là rạch. Lưỡi đục tương đối phẳng, có bản rộng từ 0,8 đến 1,5 cm. Dạng đục này tạo nên các rãnh khắc có mặt cắt hình chữ U, vuông cạnh. Sau đó khi đục bị mòn cạnh, tạo ra rãnh khắc hình lòng máng tương đối rộng. Trong giai đoạn đầu, người ta khắc các hình nhằm xác định quyền ruộng đất, quyền làm chủ của họ trên ruộng đất mới này (giống như một dạng sơ đồ). Giai đoạn tiếp sau là do những người Mông, Dao khắc hình cho hệ thống tâm linh, tâm tư, tình cảm (biểu tượng nam nữ yêu nhau, biểu tương riêng của nữ). Theo phương pháp nghiên cứu âm bản, các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được rằng các chủ nhân đã dùng các dụng cụ đục bằng 2 tay, mũi đục nhọn, tạo nên sự lồi lõm ở đáy rãnh khắc.
Trăm năm... bãi đá đang mòn
Những phiến đá cổ có khắc hình chạm khắc nằm rải rác trên diện tích 4 km vuông, hàng trăm năm qua dãi dầu cùng mưa nắng. Có phiến đá nằm ngay gần đường đi, có phiến đá nằm sâu trong rừng. Du khách đến thăm bãi đá này thoải mái trèo lên ngồi, nằm, rồi dùng dao hoặc đinh khắc lên đó nhiều hình khắc, phá hoại một cách nghiêm trọng di tích. Người dân địa phương trèo lên các phiến đá này để phơi phóng, bổ củi. Do ảnh hưởng của thời gian và tác động của con người đã làm cho những vết chạm khắc trên các phiến đá mờ dần, rất khó xác định niên đại.
Tiến sĩ Phillipe Le Failler (Viện Viễn đông Bác cổ) cho rằng nếu không nhanh chóng triển khai các công tác bảo tồn, thì chỉ 5 năm nữa, chúng ta sẽ không có cơ hội để chiêm ngưỡng các hoa văn khắc trên đá. Tiến sĩ Phillipe Le Failler đang tiến hành chương trình bảo tồn khu bãi đá cổ Sa Pa bằng cách thống kê, định vị, chụp lại hình ảnh và đưa tất cả những thông số này vào máy vi tính để nghiên cứu. Ông cho biết: để sao chụp được những hình khắc trên đá lên giấy bản một cách chính xác, ông và các cộng sự đã sử dụng phương pháp rập bia của người Việt cổ là dùng chuối làm chất kết dính để in vào giấy dó. Hiện nhóm của Tiến sĩ Phillipe Le Failler đã lập bản đồ và rập được 156 phiến đá ở xã Hầu Thào, lập thành gần 1.600 bản dập (gần 800 mét vuông) và gần 2.400 bức ảnh. Nhóm làm việc đã phải treo lơ lửng trên khoảng giữa độ cao 975 mét và 125 mét, có khi cao hơn 1.250 mét. Với mỗi phiến đá, phải gạt bỏ hết phần đất cát phủ lấp trên phiến đá mới làm được. Dự kiến hết năm nay nhóm nghiên cứu sẽ làm thác bản toàn bộ 240 phiến đá.
Mới đây, Viện Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam kết hợp với Sở Văn hoá Thông tin Lào Cai và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tổ chức chương trình giới thiệu về Bãi đá cổ Sa Pa có chủ đề "Bãi đá cổ Sa Pa dưới con mắt tạo hình". Tại Trường Mỹ thuật Việt Nam trưng bày các bản rập khác nhau và hình ảnh các góc độ khác nhau về hình khắc và bãi đá mà các đơn vị đã in rập được từ năm 2003 nhân kỷ niệm 100 năm Sa Pa. Hơn 150 bản rập khác nhau, nhỏ nhất 0,25 mét vuông, lớn nhất lên tới 20 mét vuông, với các hình khắc hiện lên trên bề mặt, như những tác phẩm nghệ thuật với đầy đủ ý niệm tư duy tạo hình.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Quốc Bình- Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, để chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận khi bãi đá cổ là di sản thế giới, ngay từ bây giờ phải có sự quan tâm, hợp tác giữa các cơ quan Trung ương và tỉnh Lào Cai có các biện pháp bảo vệ di sản này. Tỉnh Lào Cai phải xác định được khu vực bảo vệ của di sản (khu vực nào cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu nào là vùng đệm) để có qui chế trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác. Không nên để xảy ra tình trạng ngành văn hoá thì cứ bảo vệ, còn ngành du lịch thì cứ đưa khách đến, ngồi, nằm vô tư lên bãi đá, thậm chí vạch lên bãi đá nhiều hình thù khác, làm tổn hại đến di tích. Bên cạnh đó cũng cần phát huy tính chủ động của người dân địa phương trong việc bảo vệ di tích này.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn- Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin cho biết thêm ngành Văn hoá - Thông tin Lào Cai đang triển khai dự án giao các phiến đá có hình hoa văn này cho từng thôn, bản quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, bà con thì ở rải rác, việc quản lý khách du lịch đi lẻ, nhất là thanh niên khá khó khăn. Và chính vì thế, vấn đề bảo tồn khu di tích bãi đá cổ Sa Pa này vẫn đang là một thách thức.../.
(Theo VOV)
(Nguồn: cinet.gov.vn)