Khu mộ cổ Đống Thếch hiện thuộc xóm Chiềng Động, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hoà Bình) là khu di tích có giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử quan trọng, cung cấp những chứng cứ khoa học về đời sống văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Mường. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn, phát huy những giá trị đó vẫn chưa được quan tâm xứng đáng.
Khu mộ cổ Đống Thếch hiện thuộc xóm Chiềng Động, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hoà Bình) là khu di tích có giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử quan trọng, cung cấp những chứng cứ khoa học về đời sống văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Mường. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn, phát huy những giá trị đó vẫn chưa được quan tâm xứng đáng.
Đống Thếch là tên gọi của khu mộ Mường Động cổ thời Lê, là nơi chôn cất những người thuộc dòng họ Đinh - dòng họ quan Lang cai quản vùng Mường Động có thế lực mạnh nhất giai đoạn thế kỷ XVI đến XVIII. Đặc biệt trong khu mộ có chôn cất thi thể của tướng quân Chiêu đống hầu Đinh Công Kỷ, người có công giúp vua Lê Trung hưng chống giặc và xây dựng triều chính, một trong những tướng tài của Trịnh Kiểm. Do có công với nước nên khi chết, Đinh Công Kỷ được mai táng theo tước hầu, quan tài bằng gỗ trám đen sơn son thiếp vàng, chôn theo nhiều đồ đạc quý. Nhà Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ. Nhiều ngôi mộ xung quanh chôn nhiều hòn mồ cao lớn có khắc chữ Hán như dấu hiệu biểu hiện quyền lực của dòng lang Mường Động.
Một thời gian dài, Đống Thếch trở thành "thánh địa" riêng của quan Lang, bị cây rừng bao phủ rậm rạp càng trở nên bí hiểm, ít người lui tới. Cuối năm 1984, trước thực trạng khu mộ cổ bị xâm phạm nghiêm trọng bởi tình trạng đào bới tìm kiếm cổ vật, Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hoà Bình tiến hành khai quật "chữa cháy" toàn bộ số mộ còn lại. Trong quá trình khai quật, cơ quan chức năng đã xem xét được kết cấu các hòn mồ và thu được trên 400 hiện vật bạc, đồng, gốm, sứ với nhiều loại hình khác nhau.
Đến thăm khu mộ cổ, từ đường 12B đi vào, mặc dù đã có cột mốc báo hiệu khu di tích nhưng phải để ý rất kỹ mới thấy những cột đá to xen lẫn trong màu xanh của ngô, sắn. Năm 2000, khu mộ cổ Đống Thếch được đầu tư trên 200 triệu đồng để tu bổ, tôn tạo lại di tích gồm: đường vào, đường nội bộ, nhà thường trực, tường bao. Chính quyền địa phương cũng nhận thức được giá trị của khu di tích nhưng công tác bảo vệ di tích cũng gặp nhiều khó khăn. Để phục vụ sản xuất, xã đã giao trên 2 ha đất thuộc khu mộ cổ cho nhân dân canh tác cây màu. Anh Bùi Văn Bình, người nhận việc trông coi bảo vệ di tích cũng không được trợ cấp, được xã giao cho trên 3.000 m2 đất vừa canh tác, vừa trông nom khu mộ cổ. Thực tế, hiện nay các cột đá ở khu mộ đã mất mát khá nhiều do quá trình mở rộng diện tích đất canh tác của người dân địa phương.
Với địa thế thuận lợi, cách trung tâm huyện lỵ Kim Bôi khoảng 6 km, khu mộ cổ Đống Thếch có thể kết hợp với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh ở huyện Kim Bôi xây dựng thành quần thể các di tích, các tour du lịch hấp dẫn phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học. Đây sẽ là hướng mở cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích trong tương lai./.
BTK