Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Hồ Tấn Phan vừa hiến tặng bản sao bộ Đại Nam thực lục thời Nguyễn do trường đại học Keio (Nhật Bản) sưu tầm, ấn hành cho Ủy ban biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao.
Ông Hồ Tấn Phan - người hiến tặng bộ tư liệu quý khẳng định chủ quyền biền đảo. Ảnh: Đ.K
Theo ông Hồ Tấn Phan, từ năm 1961 đến năm 1981, trường ĐH Keio đã bỏ công sức chụp nguyên dạng, thu nhỏ bộ Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên, gồm 20 tập, 8.181 trang và in ấn, xuất bản tại Nhật Bản. Ông Phan cho biết, trong quá trình nghiên cứu về triều đại nhà Nguyễn đã sưu tầm được bộ chính sử quý giá này.
Đại Nam thực lục phần tiền biên được viết dưới thời các chúa Nguyễn, từ năm 1558 cho đến năm 1777. Phần chính biên được viết dưới thời 13 vua Nguyễn (đệ nhất kỉ đến đệ thất kỉ - một đời vua gọi là 1 kỉ, nhưng 13 vua Nguyễn chỉ có 7 kỉ), biên chép các sự kiện liên quan đến triều đại này, giai đoạn từ năm 1778 đến năm 1925.
Trong đó, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ - thời vua Gia Long cho đến hết thời vua Đồng Khánh (1778 – 1888) - được Quốc sử quán nhà Nguyễn khắc bản gỗ để in trên giấy bản, với khoảng 560 quyển. Phần còn lại dưới triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định được chép tay thành 6 bản để lưu truyền. Trải qua nhiều biến cố, bộ chính sử nguyên bản đã bị thất lạc, mối mọt làm mục nát khiến nguồn tài liệu này rất hiếm.
Bộ Đại Nam thực lục do trường ĐH Keio (Nhật Bản) in ấn, xuất bản gồm 20 tập, 8.181 trang, trong đó có 17 đoạn khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Đ.K
“Công sức của trường ĐH Keio đã làm tăng giá trị của bộ Đại Nam thực lục, làm cho giới nghiên cứu ở Nhật Bản cũng như quốc tế hiểu rõ hơn về lịch sử VN giai đoạn từ thế kỉ 16 đến đầu thế kỉ 20”, ông Phan nói.
Theo ông Phan thì trong bản in của trường ĐH Kieo có 17 đoạn xác định chủ quyền của VN đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. “Người VN đã biết đến Hoàng Sa, Trường Sa ít nhất là từ thế kỉ 17, 18 và đã được ghi vào chính sử Đại Nam thực lục tiền biên thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát về sau. Trong đó, có nhiều đoạn đề cập nhiều vấn đề từ khai thác vật chất, đo đạc, cắm mốc và xây dựng qua nhiều năm trên 2 quần đảo này”, ông Phan nhấn mạnh.
Sau khi nghiên cứu cẩn trọng, ông Hồ Tấn Phan mới đây đã trao tặng bản sao toàn bộ bộ sử triều Nguyễn được in, xuất bản tại Nhật Bản này cho Ủy ban biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao.