Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/06/2015 14:01 1726
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cách nay tròn nửa thế kỷ, ngày 31.5.1965, lần đầu tiên, quân chủ lực của Quân khu 5 đã thực hiện trận đánh lớn xuống vùng đồng bằng và giành thắng lợi nhanh chóng. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích đánh bại một chiến đoàn - đơn vị ứng chiến lớn nhất của quân chủ lực Ngụy lúc bấy giờ, góp phần phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ- ngụy.

Sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, phong trào Đồng Khởi (1959 - 1960), cách mạng ở miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Để đối phó lại phong trào cách mạng đang lên cao, Mỹ phải thay đổi chiến lược ở miền Nam. Chúng thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", biến miền Nam thành nơi thử nghiệm chiến lược mới, hòng đàn áp phong trào giải phóng dân tộc đang dấy lên mạnh mẽ. Trước chiến lược mới của Mỹ, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh tiến công vào quân chủ lực ngụy, làm suy yếu chỗ dựa "bình định" của Mỹ. Đẩy mạnh phá "ấp chiến lược" giành dân, mở rộng địa bàn, đánh bại ngay từ đầu chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch. Một lần nữa, Quảng Ngãi lại là nơi đầu tiên thực hiện trận đánh lớn và giành thắng lợi nhanh chóng, đặt dấu chấm hết cho chiến lược mới của Mỹ.

Tượng đài chiến thắng Ba Gia tại chân núi Tròn, xã Tịnh Sơn, Sơn Tịnh.

Sau các đợt tiến công và nổi dậy năm 1964 và đợt hoạt động Xuân 1965, quân và dân Quảng Ngãi đã giải phóng và làm chủ nhiều vùng rộng lớn, phong trào quần chúng phát triển mạnh. Thực hiện chủ trương của Đảng, tháng 1.1965, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi diễn ra tại xã Ba Điền (Ba Tơ) hạ quyết tâm: Giải phóng toàn bộ nông thôn, bao vây thị xã và thị trấn, tiến đến giải phóng toàn tỉnh.
Mùa hè 1965, chấp hành Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết của Khu ủy Khu 5, quân ta tập trung tiếp tục tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Ngụy, phá "ấp chiến lược", giành lại phần lớn nông thôn đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng Nam - Bắc, Tây Nguyên; đồng thời sẵn sàng đánh một số trận phủ đầu quân Mỹ-ngụy. Trên chiến trường bắc Quảng Ngãi, trọng điểm hoạt động ở đồng bằng ta mở chiến dịch Ba Gia, còn gọi là chiến dịch Tây Sơn Tịnh. Trong đó, Ba Gia là điểm then chốt.
Cứ điểm Ba Gia (Gò Cao) nằm án ngữ phía tây Sơn Tịnh. Đóng giữ cứ điểm này là tiểu đoàn 1, trung đoàn 51 của ngụy. Ngoài ra, địch còn bố trí tiểu đoàn 2 và 3 (Trung đoàn 51) đứng chân tại thị xã Quảng Ngãi và Châu Ổ (Bình Sơn); 2 tiểu đoàn biệt động 37 và 39 thuộc lực lượng cơ động sẵn sàng ứng cứu.
Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch, gồm Trung đoàn 1 bộ binh (chủ lực Quân khu 5) với 3 Tiểu đoàn 40, 60, 90 được tăng cường 1 tiểu đoàn trợ chiến, tiểu đoàn 45 độc lập, tiểu đoàn 83, bộ đội địa phương cùng hai đại đội địa phương huyện và dân quân du kích đảm nhiệm hướng phối hợp. Đêm 28, rạng sáng 29.5.1965, lực lượng vũ trang địa phương huyện Sơn Tịnh tiến công vào 2 trung đội dân vệ Ngụy ở “ấp chiến lược” Diên Niên và một trung đội cộng hòa đóng ở Núi Chợ, Lộc Thọ (xã Tịnh Sơn), đã nhanh chóng tiêu diệt địch và giành chiến thắng.
Bị mất vị trí tiền tiêu cũng là chốt canh giữ trục đường từ huyện lỵ Sơn Tịnh đi Gò Cao (Sơn Hà), sáng 29.5.1965, địch cho một đại đội của tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 51) ở Gò Cao ra thăm dò thì bị ta phục kích diệt một trung đội, 2 trung đội còn lại phải xin cứu viện. Đến 10 giờ 40, tiểu đoàn 1 và 2 cố vấn Mỹ từ Gò Cao kéo xuống tiếp viện. Trong lúc đó, các mũi tấn công của ta bí mật bất ngờ xuất kích đánh thẳng sau lưng đội hình địch. Sau 5 giờ chiến đấu ác liệt, ta tiêu diệt và làm bị thương 270 tên địch (có 2 cố vấn Mỹ), thu và phá hủy nhiều vũ khí. Nhân dân các xã Tịnh Sơn, Tịnh Minh, Tịnh Bắc, Tịnh Đông... nổi dậy dùng gậy gộc, dao rựa cùng bộ đội bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm. Nhân dân địa phương bắt được khoảng 100 tên địch trong tổng số 217 tù binh.
Được tin tiểu đoàn 1 bị tiêu diệt, đồn Gò Cao bị uy hiếp, chỉ huy quân đoàn 1 ngụy điều ngay tiểu đoàn biệt động quân của vùng 1 chiến thuật từ Đà Nẵng vào thị xã Quảng Ngãi, tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến, lực lượng tổng dự bị đang càn quét ở Đức Phổ và tiểu đoàn 2, thành lập một chiến đoàn với trang bị cả máy bay, xe bọc thép từ thị xã Quảng Ngãi tiến lên Ba Gia vào sáng 30.5.1965, nhằm chiếm lại đồn Gò Cao đang bỏ trống.
Chiến đoàn của địch chia làm 2 cánh quân, hình thành thế bao vây phía sau đội hình của ta, phá vỡ thế bố trí chiến đấu của quân ta. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ càng, bí mật, chiều 30.5.1965, toàn bộ chiến đoàn của địch lọt vào đội hình chiến đấu của ta. Bộ đội ta bao vây chia cắt, cô lập 2 cánh quân, không cho địch tập hợp sức mạnh chiến đoàn.
Khi tiểu đoàn biệt động của địch vừa lên chiếm điểm cao Chóp Nón bị quân ta tấn công tiêu diệt. Một cánh quân khác của tiểu đoàn 2 và 3 thủy quân lục chiến bị quân ta tấn công phải dừng lại ở Phước Lộc (Tịnh Sơn). 15 giờ 28 phút, quân ta tập trung hỏa lực bắn vào Phước Lộc, chúng đưa máy bay đến yểm trợ và cứu nguy cho bộ binh, nhưng không hiệu quả. Đến 17 giờ, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của địch bị ta tiêu diệt gần hết. Tiểu đoàn 2 của chúng cũng bị thiệt hại nặng.
Không cho địch củng cố lực lượng, trong đêm 30.5.1965 đến rạng sáng 31.5.1965, bộ đội ta đồng loạt tập kích tiêu diệt số quân còn lại của địch ở điểm cao 47 và núi Chóp Nón. Trong thời gian ngắn, số quân còn lại của tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến bị quân ta đánh tan rã và bắt làm tù binh. Sau 42 giờ chiến đấu liên tục, toàn bộ chiến đoàn hỗn hợp của quân ngụy có cố vấn Mỹ bị quân ta đánh bại hoàn toàn. Trận chiến Ba Gia kết thúc thắng lợi.
Chiến thắng Ba Gia được xem như là một mốc lịch sử khẳng định sự thất bại của "chiến lược chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy, đồng thời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta.

Bài, ảnh: X.THIÊN

baoquangngai.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3285

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Lịch sử 170 năm của ngôi điện đẹp nhất triều Nguyễn

Lịch sử 170 năm của ngôi điện đẹp nhất triều Nguyễn

  • 01/06/2015 11:33
  • 1986

Những hình ảnh cho người xem thấy được một chiều dài xuyên suốt của ngôi điện đẹp vào hàng bậc nhất dưới thời vua Nguyễn.