Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/05/2015 10:12 2084
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong số 79 Bảo vật Quốc gia, Bộ tượng Di đà Tam Tôn tại chùa Thầy được cho là Bộ tượng Phật Di đà Tam Tôn gỗ cổ nhất ở Việt Nam. Chùa Thầy được Thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng từ thời nhà Lý đến nay đã có niên đại hơn 1000 năm. Mặc dù những dấu tính kiến trúc xưa đã có thay đổi, rõ nét nhất sau những đợt trùng tu vào thế kỷ XVII, XVIII song những pho tượng cổ và những cổ vật vẫn còn khá nguyên vẹn.

Bảo vật quốc gia Bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy.

Chùa Thầy cũng được biết đến là ngôi chùa xếp thứ 3 về số lượng tượng cổ còn lưu giữ được sau chùa Mía với 252 pho tượng và chùa Cói với 37 pho tượng. Ngoài 36 tượng gỗ cổ, chùa Thầy còn rất nhiều những di vật quý khác như: nhang án, khám, tế khí, hạc, phượng, chân đèn, lư hương, sập thờ, sắc phong… Trong đợt công nhận lần thứ 3 của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 53/QĐ-TTG ngày 14/01/2015, cùng với 11 bảo vật khác, bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy đã chính thức trở thành Bảo vật Quốc gia Bảo vật Di Đà Tam Tôn có niên đại đầu thế kỷ XVII gồm ba pho tượng phật A Di Đà; Quan Thế Âm Bồ Tát và phật Đại Thế Chí. Bộ tượng được đặt trên vị trí cao nhất của Tam Bảo. Đây là bộ tượng được giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định có niên đại 1607 và là bộ tượng Di Đà Tam tôn sớm nhất Việt Nam.

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy có niên đại khoảng đầu thế kỷ XVII là bộ tượng gỗ Di Đà Tam Tôn có niên đại cổ nhất ở Việt Nam.

Tượng A Di Đà ngự chính giữa, vị trí cao nhất phía trong cùng của gian giữa tòa điện Thánh. Tượng theo tư thế kiết già. Đầu tượng có tóc kết xoắn ốc cao thiên về phía đỉnh. Tai đeo hoa, cổ đeo vòng trang trí hình tròn lớn ở giữa với hình hoa mai và anh lạc. Theo các chuyên gia về mỹ thuật thì cách tạo hình tượng đeo dây anh lạc chỉ có ở tượng niên đại thế kỷ XVI, XVII. Tay phải của tượng để trước lòng đùi kê lên bàn chân, tay trái lồng lên tay phải. Ngón cái của hai tay đan xen nhau, đều đeo nhẫn có mặt hoa cúc mãn khai. Tượng khoác áo cà sa chùng lỏng, gấp nhiều nếp phủ quanh cổ và lượn tròn trước bụng. Lớp áo ngoài trùm qua bờ vai, phủ lên hai gối xuống mở bệ sen. Bên trong có lớp xiêm rộng thắt lưng nhiều nếp và bó mối xoắn. Tượng Quan âm Bồ tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng trên mặt đài sen. Tượng có chiều cao 1,48m; ngang vai 0,58m; ngang đùi 1,14m. Đầu tượng đội mũ thiên quan, đính nhiều bông hoa tròn, đóa ở giữa có quầng sáng hình lá đề cân xứng. Mặt nhìn thẳng phía trước, đôi tay chắp trước ngực, bàn tay lồng úp vào nhau. Ngoài cùng khoác cà sa chùng rộng, cổ áo lượn tròn, phủ cân xứng hai bên tay, xuống đùi rồi trùm mặt bệ. Đường diềm áo có điểm hoa văn hình hạt ngọc và những bông hoa trông tựa như tràng hạt. Tượng Bồ tát Đại Thế Chí ngự trên bệ vuông, chân trái buông thõng, chân phải xếp bằng. Kích thước tượng: cao 1.22m, ngang vai 0.3m, ngang đùi 0.77m. Đầu đội mũ thiên quan, lượn vành núi cao, trang trí hoa sen. Mặt thanh nhỏ, Cổ đeo vòng. Tay phải cầm phất trần đặt lên đầu gối phải, tay trái để ngửa trước lòng. Tượng khoác cà sa chùng rộng, giống tượng đức Phật A Di Đà và Bồ tát Quan Thế âm. Quanh thân có vòng tràng hạt điểm hoa tròn, tua ngũ sắc rủ qua hai vai, quấn quanh tay, lượn xuống đùi. Cả ba pho Di Đà Tam Tôn đều được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, trong sách Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt đã viết rằng: "Bộ Di Đà Tam Tôn có niên đại sớm nhất bằng gỗ được biết ở nước ta. Sở dĩ pho tượng Bồ tát Đại Thế Chí ở chùa Thầy có niên đại vào thế kỷ XVII vì có hình thức gần với tượng Quan âm thời Mạc”. Không chỉ là những bức tượng Phật giáo mang ý nghĩa tâm linh lớn, bộ tượng Di Đà Tam Tôn còn thể hiện rõ sự phát triển của nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật điêu khắc gỗ ở Việt Nam từ thế kỷ XVII, XVIII.

NLH

vanhoa.gov.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3285

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Triển lãm ''Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Những phút giây đời thường''

Triển lãm ''Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Những phút giây đời thường''

  • 27/05/2015 10:04
  • 1663

Sáng 26/5, triển lãm tranh mang tên ''Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những phút giây đời thường'' do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài và Công ty EAS Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, Hà Nội).