Từ ngày 29/10 đến 4/11/2024, tại thủ đô Phnompenh và thành phố Siemreap, Campuchia, Trung tâm Châu Á Sophia về Nghiên cứu và Phát triển Con người thuộc Đại học Sophia (Nhật Bản) (gọi tắt là Trung tâm Châu Á Sophia) đã phối hợp với Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia tổ chức hội thảo với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế góp phần giáo dục di sản văn hoá trong 10 quốc gia ASEAN”.
Đây là hội thảo quốc tế về giáo dục di sản văn hóa ASEAN lần thứ 3 do Trung tâm Châu Á Sophia tổ chức. Có trụ sở tại thành phố Siem Reap (Campuchia), Trung tâm Châu Á Sophia thuộc Đại học Sophia là đơn vị đã tham gia các hoạt động bảo tồn và khôi phục di tích Angkor, phát triển nguồn nhân lực cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục di sản nhằm phát huy giá trị di sản Angkor Wat tới đông đảo công chúng.
Tham gia Hội thảo lần này có các thành viên là các cố vấn khoa học, chuyên gia giáo dục di sản và cán bộ giáo dục di sản ở các bảo tàng, di tích đến từ các nước ASEAN (Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanma, Philipin) và Nhật Bản. Đại diện cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Ths. Lê Thị Liên - Cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng đã tham dự và có báo cáo tham luận tại Hội thảo.
Đại biểu tham dự Lễ Khai mạc Hội thảo quốc tế
Thành viên tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai mạc Hội thảo
Hội thảo bao gồm các hoạt động chính: Trình bày các báo cáo tham luận của từng quốc gia về hoạt động giáo dục di sản văn hóa tại các bảo tàng, di tích; Thảo luận, trao đổi các vấn đề về lý thuyết, phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa và liên văn hóa trong khu vực ASEAN; Khảo sát thực địa một số di tích và bảo tàng tại các tỉnh, thành phố: Phnompenh, Battambang, Banteay Meanchey và Siemreap, Campuchia.
Với 6 báo cáo chuyên đề và 8 tham luận đến từ các chuyên gia giáo dục di sản văn hóa của các nước trong khu vực ASEAN (Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippin, Malaysia, Myanmar, Thái Lan) và Nhật Bản, Hội thảo đã trao đổi, thảo luận và làm rõ về thực tiễn hoạt động giáo dục ở các bảo tàng, di tích đặc biệt là các di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới; Những thách thức trong quá trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa thông qua hoạt động giáo dục; những lý thuyết và phương pháp thực hành hoạt động giáo dục di sản cho từng đối tượng công chúng cụ thể...
Toàn cảnh phiên báo cáo tham luận tại Trung tâm Châu Á Sophia về Nghiên cứu và Phát triểnCon người (Siemreap, Campuchia)
Tham luận “Nghiên cứu trường hợp Giáo dục di sản: Triển lãm RAJA KITA - Mô hình mẫu cho sự giao lưu văn hóa tại Bảo tàng Malaysia”
Tham luận “Giáo dục di sản văn hóa tại Trung tâm Bảo tồn Angkor, Campuchia”
Tại Hội thảo, đại diện của Việt Nam, Ths. Lê Thị Liên trình bày tham luận “Giáo dục di sản văn hóa ở Việt Nam”. Nội dung tham luận đã giới thiệu tổng quan về hệ thống di sản văn hóa ở Việt Nam, thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong hoạt động giáo dục ở các di tích, di sản thế giới ở Việt Nam; đồng thời lựa chọn một số mô hình giáo dục di sản tiêu biểu của một số bảo tàng, di tích để giới thiệu tới hội thảo như: Chương trình “Em tập làm khảo cổ” của Hoàng Thành Thăng Long; Hoạt động “Tô màu di sản” của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; chương trình “Giáo dục di sản trong học đường” của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An…
Ths. Lê Thị Liên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia báo cáo tham luận tại Hội thảo
Đặc biệt, Tham luận cũng làm rõ thực trạng hoạt động giáo dục mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang thực hiện nhằm phát huy hiệu quả hoạt động giáo dục di sản văn hóa tại Bảo tàng như:
- Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức các chương trình Giờ học lịch sử, Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với nhiều chủ đề khác nhau.
- Phối hợp với các bảo tàng, di tích địa phương tổ chức các chương trình câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” nhằm phát huy giá trị di sản địa phương.
- Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục di sản, Giờ học lịch sử online” …
Tham luận của BTLSQG chia sẻ về Thực trạng hoạt động Giáo dục di sản văn hóa ở Việt Nam
Xen kẽ giữa các phiên trao đổi thảo luận là những cuộc gặp gỡ, trao đổi, hợp tác văn hóa giữa các thành viên ASEAN với Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia; Trung tâm bảo tồn APSARA; đặc biệt là hoạt động điền dã, tham quan, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ thực địa tại Bảo tàng quốc gia Campuchia, Bảo tàng tỉnh Battambang, Bảo tàng tỉnh Banteay Meanchey, Bảo tàng Preah Norodom Sihanouk-Angkor, quần thể Di sản Angkor của Campuchia…
Đoàn tham quan, làm việc tại Bảo tàng tỉnh Banteay Meanchey, Campuchia
Ths. Lê Thị Liên chia sẻ về Trống đồng Đông Sơn và việc phát huy giá trị trống đồng trong các hoạt động giáo dục của BTLSQG tại Bảo tàng tỉnh Battambang, Campuchia
Đoàn làm việc và chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm APSARA, Siemreap, Campuchia
Đoàn khảo sát thực địa tại Quần thể Di tích Angkor Wat, Siemreap, Campuchia
Các thành viên tham gia cũng được lắng nghe các chuyên đề: Vai trò và thách thức trong hoạt động giáo dục di sản tại Bảo tàng quốc gia Campuchua; Mối liên hệ giữa các dân tộc trong lịch sử ở Campuchia; Bản sắc và Di sản văn hóa và mối liên hệ với cộng đồng ở Ấn Độ, Hoạt động giáo dục di sản văn hóa ở Thái Lan… từ các chuyên gia, cố vấn khoa học của Hội thảo.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng Tiến sĩ Nhim Sothevin - Trung tâm Châu Á Sophia (Đại diện Ban tổ chức Hội thảo)
Các thành viên tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm chương trình
Hội thảo quốc tế về Giáo dục Di sản Văn hóa ASEAN 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tham gia chương trình, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia có cơ hội được học hỏi, mở rộng hiểu biết chuyên sâu về giáo dục di sản văn hóa và các hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa tại Angkor Wat, và của một số nước trong khu vực ASEAN. Đồng thời, các thành viên tham gia cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản thông qua hoạt động giáo dục di sản từ kinh nghiệm của các đồng nghiệp đến từ các bảo tàng khác nhau trong khối ASEAN. Từ đó, góp phần kết nối, hợp tác để phát huy hiệu quả hoạt động giáo dục di sản văn hóa khu vực ASEAN trong tương lai./.
Lê Liên