Sáng ngày 21 tháng 7 năm 2023, tại Việt Trì, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Hùng Vương đã tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả sơ bộ Kết quả khai quật khảo cổ học di chỉ Gò Chon (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị, có TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ông Nguyễn Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, ông Ngô Đức Quý - Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương, PGS. TS. Đặng Hồng Sơn - Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), đại diện các phòng ban của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Hùng Vương, đại diện chính quyền huyện Tam Nông và xã Dân Quyền cùng các cơ quan báo chí của tỉnh.
Ông Ngô Đức Quý - Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương - phát biểu khai mạc Hội nghị
Các đại biểu tham quan hiện vật trưng bày tại Hội nghị
Tại Hội nghị, TS. Trương Đắc Chiến - chủ trì khai quật - trình bày những kết quả sơ bộ của cuộc khai quật di chỉ Gò Chon. Theo đó, di chỉ khảo cổ học Gò Chon thuộc thôn 1, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được các nhà khảo cổ học phát hiện từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, song đến nay mới chính thức được tiến hành khai quật. Cuộc khai quật do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Hùng Vương thực hiện từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2023.
TS. Trương Đắc Chiến báo cáo kết quả khai quật
Trong cuộc khai quật này, các nhà khảo cổ học đã mở 3 hố khai quật với tổng diện tích 100m2 tại khu vực phía tây nam và phía đông của đỉnh gò. Kết quả đã xác định được tầng văn hóa ở khu vực phía tây nam gò, dày khoảng 50-70cm. Hiện vật thu được trong tầng văn hóa là các loại hình đồ đựng bằng gốm, mảnh vỡ của đồ dùng sinh hoạt như nồi, bình, bát…, một số công cụ đá như rìu, bôn, hòn ghè, hòn đập và nhiều khối đá nguyên liệu và một số mảnh lõi vòng. Bên cạnh đó các nhà khảo cổ còn tìm được một lục lạc bằng đồng. Ngoài ra, trong hố khai quật cũng thu được các mảnh gạch, ngói và mảnh tháp đất nung thời Trần. Qua đó, các nhà khảo cổ học nhận định, Gò Chọn mang tính chất là một di chỉ cư trú lâu dài và liên tục với tầng văn hóa dày từ 50-70cm, thuộc trung kỳ của văn hóa Gò Mun (3000-2800 năm cách ngày nay). Bên cạnh đó, những mảnh lõi vòng và các loại đá nguyên liệu được tìm thấy cũng gợi mở tính chất công xưởng tại đây. Việc tìm thấy những vật liệu kiến trúc bằng đất nung thời Trần cho thấy vào khoảng thế kỷ 13 - 14, khu vực Gò Chon đã được sử dụng để xây dựng một kiến trúc Phật giáo. Trong báo cáo, các nhà khảo cổ học cũng đưa ra một số kiến nghị để bảo vệ di chỉ Gò Chon nói riêng cũng như các di tích khảo cổ học khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trước thực trạng bị xâm hại.
Sau khi nghe báo cáo của TS. Trương Đắc Chiến, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có những ý kiến tham góp quan trọng. PGS.TS. Đặng Hồng Sơn nhất trí với các nhận định của đoàn khai quật về tính chất và niên đại của di chỉ Gò Chon, đặc biệt là việc xác định khu vực phía tây nam vẫn còn tầng văn hóa, đồng thời đề xuất nên tìm hiểu kỹ hơn về các di tích kiến trúc Phật giáo thời Trần ở khu vực này. ThS. Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng phòng Nghiên cứu-Sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cũng tán thành quan điểm của đoàn khai quật, đề nghị mở rộng diện đào để tìm hiểu thêm về hoạt động chế tác đá ở Gò Chon. ThS. Hoàng Văn Diệp (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nêu ý kiến về tình trạng "trang trại hóa" ở các thôn, xã của tỉnh, và cho rằng hoạt động này khiến cho nhiều di tích bị mất đi vĩnh viễn.
TS. Nguyễn Văn Đoàn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đoàn đánh giá cao nỗ lực của đoàn khai quật và cho rằng kết quả đạt được là ngoài mong đợi, bởi theo các báo cáo từ những năm 1967-1968 thì tầng văn hóa của di chỉ đã bị san bạt. Do đó, kết quả của đợt khai quật này đem lại những nhận thức mới và mở ra triển vọng tiếp tục nghiên cứu di chỉ Gò Chon trên quy mô lớn hơn. TS. Nguyễn Văn Đoàn cũng đề nghị cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ, mà đại diện là Bảo tàng Hùng Vương, không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học, mà còn trên các lĩnh vực hoạt động chuyên môn khác như trưng bày, bảo quản hay xuất bản ấn phẩm.
Ông Nguyễn Việt Trung - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Việt Trung - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ - ghi nhận, đánh giá cao kết quả của đoàn khai quật cũng như ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, đồng thời có ý kiến chỉ đạo các phòng ban của Sở cần khẩn trương, tích cực phối hợp với Bảo tàng Hùng Vương để có văn bản trình lãnh đạo tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Gò Chon nói riêng, các di tích khảo cổ của tỉnh nói chung.
Đắc Chiến - Mạnh Quyền