Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/06/2023 11:00 1153
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chiều ngày 16/6/2023, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật giai đoạn 2 di tích núi Bân.

Tham dự hội nghị có TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, PGS.TS. Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, TS. Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế.

 
Toàn cảnh Hội nghị

 

TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG phát biểu tại Hội nghị

Núi Bân, còn có tên gọi khác là Hòn Thiên (Thiêng), núi Ba Tầng, núi Ba Vành..., cao 43m, nằm ở phía nam núi Ngự Bình, thuộc địa phận phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cuối năm 1788, tại đây, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã cho đắp đàn tổ chức lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, sau đó tiến quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược vào đầu xuân năm Kỷ Dậu (1789). 
 
Các đại biểu tham quan công trường khai quật

Với những giá trị lịch sử, văn hoá quý giá của mình, hàng trăm năm qua, di tích núi Bân đã được đưa vào diện cần bảo vệ. Năm Khải Định thứ 10 (1925), triều Nguyễn đã đưa ngọn núi này vào danh mục “An Nam cổ tích” cần được bảo tồn. Năm 1976, Ủy ban nhân dân cách mạng Bình Trị Thiên đã có Quyết định số 99 QĐ (19/5/1976), đưa “núi Ba Vành” vào “Danh sách các Di tích Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật và Danh thắng được liệt hạng để bảo vệ”. Năm 1988, di tích núi Bân được công nhận là Di tích cấp quốc gia và đến năm 2008 đã có một dự án chỉnh trang, tôn tạo di tích này cùng với việc xây dựng quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung ngay bên cạnh đó.

Nhằm mục đích xác định quy mô, kết cấu, tính chất và niên đại của di tích, phục vụ hiệu quả cho công tác xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, năm 2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành khai quật lần đầu di tích núi Bân. Kết quả đã làm xuất lộ dấu tích mặt nền và cấu trúc nguyên gốc của 3 tầng đàn tế ở núi Bân hình tháp cụt chồng lên nhau, hình gần tròn. Ngoài ra, kết quả khai quật còn phát hiện một đoạn móng kè ở phía tây, có khả năng là bờ kè chân đế của tầng đàn dưới cùng.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Sở Văn hoá và Thể thao, ngày 31/8/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng ý cho phép Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục mở rộng diện tích khai quật di tích núi Bân để xác định đầy đủ quy mô, kết cấu, tính chất và mặt bằng của đàn tế ở núi Bân. Kết quả khai quật giai đoạn 2 đã xác định núi Bân vốn là một ngọn núi thấp, được tiến hành ban xẻ thành ba tầng đàn có hình nón cụt. Ở phần chân đế đàn, đa số đều được xắn thẳng, những vị trí bị lõm hụt được xếp bó đá hoặc gạch vỡ tận dụng để làm bó móng vòng quanh chân đế đàn với mặt bằng hình bát giác (mỗi cạnh dài từ 32 - 33m). 
  
Dấu tích bề mặt các tầng đàn tế
 
Dấu tích bờ kè chân đế đàn ở phía tây
 
Dấu tích bậc cấp và bờ kè chân đế đàn ở phía tây bắc
Từ những kết quả thu được, có thể nhận thấy đàn tế thời Tây Sơn ở núi Bân có kỹ thuật xây dựng đơn giản, lợi dụng địa thế núi đá tự nhiên, được ban xẻ, bồi đắp tạo thành quy mô, kết cấu đặc biệt. Điều này phản ánh rõ tính chất gấp gáp trong việc xây dựng đàn tế, lên ngôi Hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Mặc dù gấp gáp nhưng những nhà thiết kế đương thời vẫn có ý thức quy hoạch, đem đến sự hài hoà, cân đối và đảm bảo thuyết Tam Tài: Thiên - Địa - Nhân với 3 tầng đàn hình tròn phía trên ở núi Bân. Riêng với đế đàn hình bát giác là một sự khác biệt, độc đáo, chưa từng gặp đối với các loại hình đàn tế giao trên thế giới.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và đều nhất trí đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có giải pháp di dời những hộ dân đang sinh sống ở chân núi Bân, kết nối với khu vực tượng đài Quang Trung, thiết lập khu vực trưng bày, giới thiệu về di sản văn hoá thời đại Tây Sơn trên vùng đất Huế. Ngoài di tích đàn tế núi Bân và tượng đài Quang Trung, các nhà khoa học cũng mong muốn có thể thiết kế, xây dựng một nhà trưng bày về triều đại Tây Sơn hay đền thờ tưởng niệm các danh tướng nổi tiếng thời Tây Sơn tại khu vực này, tạo thành công viên văn hóa, điểm sáng du lịch ở phía tây nam thành phố Huế.

Nguyễn Chất

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2820

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

BTLSQG khai mạc trưng bày chuyên đề “Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh”

BTLSQG khai mạc trưng bày chuyên đề “Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh”

  • 09/06/2023 16:09
  • 1704

Sáng ngày 9/6/2023 tại số 25 Tông Đản, Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) khai mạc trưng bày chuyên đề “Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh”, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).