Sáng ngày 18/5/2023 tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) đã tổ chức lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng”, nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) và ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2023.
Tham dự Lễ khai mạc có ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; ông Nguyễn Tuấn Linh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL; GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Đinh Quang Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; ông Philippe Le Failler - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội; TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia; đại diện một số bảo tàng, di tích, viện nghiên cứu, cùng sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình trên địa bàn Hà Nội.
Toàn cảnh Lễ khai mạc
Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc
TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát biểu Khai mạc
Các đại biểu cắt băng khai mạc Trưng bày
Đại biểu tham quan Trưng bày
Công chúng tham quan Trưng bày
Trưng bày giới thiệu tới công chúng 39 hiện vật gốm thuộc sưu tập gốm cổ Bát Tràng lưu giữ tại BTLSQG, niên đại từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20 với những dòng men và loại hình đặc trưng cho từng giai đoai đoạn phát triển. Trưng bày gồm 4 phần:
Phần 1. Giới thiệu khái quát lịch sử hình thành Bát Tràng: Tên Bát Tràng xuất hiện từ thế kỷ 15, sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) chép: "Làng Bát Tràng làm đồ bát chén". Theo kết quả khai quât khảo cổ học thu được tại Bát Tràng, Kim Lan, Đa Tốn một số hiện vật như: bao nung, con kê, cục làm men, chồng dính, bát bị sống men; các mảnh gốm, phế phẩm các dòng men: men trắng, men ngọc, men nâu, hoa nâu, hoa lam… đã chứng minh lịch sử lâu đời của làng gốm Bát Tràng.
Phần 2. Gốm Bát Tràng thế kỷ 14: Giới thiệu các dòng gốm và loại hình đặc trưng của giai đoạn này như bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu và bát, đĩa, lọ gốm "men tiền lam".
Đĩa gốm hoa lam thế kỷ 14
Thạp hoa nâu thế kỷ 14
Phần 3: Gốm Bát Tràng thế kỷ 15 - 18: Giới thiệu một số hiện vật gốm tiêu biểu như: gốm hoa lam trang trí với lối vẽ phóng bút, màu men có sắc xanh đen; men lam thường được dùng để vẽ hoạ tiết mây kết hợp với trang trí hình rồng nổi để mộc, vẽ băng đường diềm, cánh sen, hoa dây... ở thế kỷ 15 - 16; đồ gốm có minh văn; đồ gốm men trắng ngà và xanh rêu thế kỷ 16 - 17 và đồ gốm men rạn.
Lư hương hoa lam, đắp nổi hình rồng, hổ phù. Niên đại ngày 15 tháng 8 năm Tân Hợi, niên hiệu Cảnh Trị 9(1671)
Cặp chân đèn men rạn, trang trí đắp nổi hình rồng, tứ linh. Chất liệu Gốm. Niên hiệu Hoằng Định (1600-1618)
Đỉnh men rạn trang trí hình rồng, nghê. Chất liệu Gốm. Niên đại thế kỷ 18
Phần 4: Gốm Bát Tràng thế kỷ 19 - 20: Bên cạnh các đề tài truyền thống, giai đoạn này còn xuất hiện các đề tài du nhập từ bên ngoài theo các điển tích Trung Hoa như “Ngư ông đắc lợi”, “Tô Vũ chăn dê”, “Tam quốc chí”, “Bát tiên quá hải”… Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo của mình, những người thợ gốm Bát Tràng đã đạt được hiệu quả riêng biệt.
Hũ men rạn vẽ lam, đề tài: Long Mã-Hà Đồ/ Thần Quy- Lạc Thư. Niên đại thế kỷ 19-20
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Với lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa, đặc sắc văn hóa dân tộc, gốm Bát Tràng trở thành đối tượng được Bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành bộ sưu tập quý giá. Thông qua trưng bày, BTLSQG mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao, từ đó giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc”./.
Trưng bày diễn ra từ ngày 18/5 đến tháng 9/2023.
Thu Nhuần - Bắc Dũng