Madeleine Colani (1866 – 1943) - Nữ khảo cổ học người Pháp đã dành trọn cuộc đời cho các nghiên cứu về thời tiền sử Việt Nam. Bà là người đã phát hiện, nghiên cứu và định danh cho văn hóa Hòa Bình như một giai đoạn của tiến trình lịch sử nhân loại. Bà cũng là người đem về cho các Bảo tàng, nhất là Bảo tàng Louis Finot, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam một số lượng hiện vật đồ sộ.
Nhằm cung cấp thông tin nghiên cứu khoa học, nâng cao hiểu biết cho cán bộ chuyên môn của Bảo tàng về tư liệu, sưu tập hiện vật mà Bảo tàng đang lưu giữ; đồng thời hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), sáng 12/5/2023, Hội đồng Khoa học Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức thảo luận chuyên đề: “Madeleine Colani - Nhà khảo cổ Tiền sử Đông Nam Á”.
Toàn cảnh buổi thảo luận chuyên đề
Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học BTLSQG phát biểu khai mạc
Tham dự tọa đàm có Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học BTLSQG; TS. Lia Genovese - giảng viên Lịch sử nghệ thuật và khảo cổ học Đông Nam Á, Trường Đại học SOSA, Luân Đôn, Anh; TS. Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á; TS. Vũ Thế Long – Viện Khảo cổ học; cùng các thành viên HĐKH, các quản lý phòng và toàn thể cán bộ chuyên môn của BTLSQG.
TS. Lia Genovese trình bày nội dung về Cuộc đời và gia đình, vấn đề về giới (trong nghiên cứu khoa học) của Madeleine Colani
TS. Nguyễn Việt trình bày chủ đề: Madeleine Colani - Sự nghiệp nghiên cứu văn hóa Hòa Bình
Các chủ đề được trình bày tại buổi thảo luận gồm:
-Giới thiệu các sưu tập và tài liệu của Madeleine Colani hiện đang được lưu giữ tại BTLSQG;
-Madeleine Colani - Cuộc đời và gia đình, vấn đề về giới (trong nghiên cứu khoa học);
-Madeleine Colani - Sự nghiệp nghiên cứu văn hóa Hòa Bình;
-Madeleine Colani - Nghiên cứu về Cánh đồng Chum (Lào);
-Vinh danh những đóng góp to lớn của Madeleine Colani.
Khách mời trao đổi thông tin về một số mẫu nguyên liệu đá ở cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào) tại buổi thảo luận
Phát biểu kết thúc thảo luận chuyên đề, Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan đánh giá cao các nội dung được trình bày và nhấn mạnh đây là buổi sinh hoạt khoa học bổ ích cho toàn thể cán bộ Bảo tàng, không chỉ bổ sung những thông tin, kiến thức quý giá liên quan đến sưu tập hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng mà còn gợi mở hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu cũng như các hoạt động của Bảo tàng từ sưu tầm, khai quật khảo cổ học, bảo quản, cũng như trưng bày, giáo dục phát huy giá trị sưu tập, tài liệu của Madeleine Colani nói riêng và tài liệu, hiện vật của Bảo tàng nói chung.
Thu Nhuần