Trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ 2021-2022 “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị sưu tập khuôn đúc trống đồng phát hiện tại thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia”, sáng ngày 7 tháng 9 năm 2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Kỹ thuật đúc trống đồng - Truyền thống và Cách tân”.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan Bộ, có ThS. Đoàn Đình Lâm - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; phía Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, TS. Trương Đắc Chiến - Chủ nhiệm đề tài; về phía các chuyên gia, nhà nghiên cứu có TS. Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, GS.TS. Trịnh Sinh, TS. Nguyễn Ngọc Quý, ThS. Lê Cảnh Lam, ThS. Nguyễn Thơ Đình - Viện Khảo cổ học. Ngoài ra còn có sự tham dự của đông đảo các cán bộ các phòng, ban chuyên môn của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học BTLSQG phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo đã thảo luận, trao đổi và xin ý kiến các chuyên gia về các vấn đề xoay quanh chủ đề kỹ thuật đúc trống Đông Sơn.
Tại Hội thảo, thay mặt cho nhóm thực hiện đề tài, TS. Trương Đắc Chiến đã trình bày tham luận “Kỹ thuật đúc trống Đông Sơn - Lịch sử nghiên cứu và những khám phá mới”, trong đó tổng hợp lại những quan điểm về kỹ thuật đúc trống ở trong nước và quốc tế, kinh nghiệm rút ra từ những lần đúc trống thực nghiệm của các nhà khoa học trong nước, từ đó thấy được ý nghĩa của việc phát hiện các mảnh khuôn đúc ở Thành cổ Luy Lâu. GS.TS. Trịnh Sinh trình bày tham luận “Thành phần hợp kim của trống Đông Sơn”, trong đó nêu lên những kết quả nghiên cứu về thành phần hoá học của hơn 600 mẫu trống đồng ở Việt Nam, cung cấp một cơ sở quan trọng cho việc tham khảo thành phần hợp kim của trống Đông Sơn.
Tiến sĩ Trương Đắc Chiến trình bày tham luận
Giáo sư Trịnh Sinh trình bày tham luận
Nhóm tác giả Lê Cảnh Lam và Vũ Văn Dương trình bày tham luận “Ứng dụng các phương pháp khoa học tự nhiên trong nghiên cứu các khuôn đúc trống Luy Lâu”. Dựa trên kết quả phân tích chất liệu mảnh khuôn đúc Luy Lâu bằng các phương pháp khoa học tự nhiên như nhiễu xạ tia X, nhiệt vi sai hay thạch học lát mỏng, các tác giả đã rút ra một số nhận xét về kết cấu cũng như độ nung của các mảnh khuôn đúc trống. ThS. Nguyễn Thơ Đình trình bày tham luận “Quy trình đúc trống Đông Sơn: tiếp cận Dân tộc - Khảo cổ học” cũng cung cấp thêm nhiều tư liệu về quy trình đúc trống hiện nay của làng nghề đúc đồng Chè Đông ở Thanh Hoá. ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan, với tham luận “Đề xuất một số giải pháp phát huy giá trị kết quả nghiên cứu kỹ thuật đúc trống Đông Sơn ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia” đã gây nhiều hứng thú với việc đưa ra một số ý tưởng và giải pháp cho việc phát huy các kết quả nghiên cứu vốn mang tính hàn lâm trở nên sinh động, dễ hiểu và hấp dẫn đối với công chúng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoan trình bày tham luận
Ngoài các tham luận nói trên, Hội thảo còn nhận được một số tham luận khác xoay quanh chủ đề Kỹ thuật đúc trống đồng, ví dụ như bài viết “Dấu vết của kĩ thuật sáp chảy trên một số trống Đông Sơn ở Việt Nam” của ThS. Hoàng Văn Diệp (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội), “Quy trình đúc trống đồng tại làng nghề Chè Đông (Thiệu Hoá, Thanh Hoá)” của nghệ nhân Lê Minh Đạo (Thanh Hoá) và ThS. Nguyễn Thị Thao Giang (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), “Dấu vết kỹ thuật trên trống đồng Đông Sơn” của TS. Ngô Thế Phong và ThS. Chu Mạnh Quyền (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), “Luy Lâu - một trung tâm đúc đồng cổ đại” của CN. Lê Văn Chiến (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), “Kỹ thuật đúc đồng qua các tài liệu Trung Hoa” của PGS.TS. Đặng Hồng Sơn (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội). Đây đều là các bài tham luận công phu, có nhiều ý kiến đáng quan tâm liên quan tới chủ đề của Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Đoàn đánh giá cao các tham luận trình bày tại Hội thảo. Qua các tham luận này, cử toạ có một cái nhìn vừa tổng quan, vừa cụ thể về lịch sử nghiên cứu kỹ thuật đúc trống Đông Sơn cũng như ý nghĩa và giá trị của phát hiện khuôn đúc trống đồng ở Luy Lâu. TS. Nguyễn Văn Đoàn cũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp đến từ các chuyên gia như TS. Phạm Quốc Quân, GS.TS. Trịnh Sinh… về các vấn đề xoay quanh kỹ thuật làm khuôn trống, kỹ thuật tạo hoa văn hay thành phần hợp kim. TS. Đoàn cũng lưu ý nhóm thực hiện đề tài về hoạt động đúc thực nghiệm và tiến độ thực hiện phải đảm bảo so với kế hoạch của nhiệm vụ khoa học cấp Bộ.
Thạc sĩ Đoàn Đình Lâm, đại diện Vụ KHCN&MT phát biểu tại Hội thảo
ThS. Đoàn Đình Lâm - đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đánh giá cao tinh thần khoa học của Hội thảo cũng như công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong những năm gần đây. Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hy vọng rằng từ kết quả của Hội thảo này, nhóm đề tài sẽ có thêm những tư liệu để hoàn thành đề tài đúng tiến độ cũng như đạt được kết quả khả quan.
Tin bài: Đắc Chiến – Mạnh Quyền
Ảnh: Lý Văn Châu