Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/05/2022 09:34 1358
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 10/5/2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) lần thứ 6.

Đợt nghiên cứu được tiến hành từ ngày 26/3/2022 đến ngày 13/5/2022, mở 2 hố khai quật và một hố thám sát tại hai vị trí, đó là khai quật cắt tường thành Ngoại phía bắc và khai quật nghiên cứu khu vực bên ngoài tường thành Ngoại phía tây giáp với bờ sông Dâu.

 
Toàn cảnh Hội nghị
 
TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG phát biểu tại Hội nghị
  
Các đại biểu tham quan hiện trường khu vực khai quật khảo cổ

Kết quả khai quật tường thành Ngoại phía Bắc:

Qua diễn biến địa tầng, di tích và di vật có thể nhận thức bước đầu về diễn biến niên đại trong hố khai quật như sau:

- Lớp sâu nhất sát sinh thổ là mặt bằng cư trú với các hoạt động sinh hoạt, đào rãnh, niên đại vào khoảng thế kỷ 2- 4 sau Công nguyên. Dấu vết cư trú cũng đã được ghi nhận trong đợt cắt thành Ngoại phía nam, năm 1969 - 1970 của Viện Khảo cổ học.

- Rãnh xuất lộ trong hố đào đã được TS.Nishimura ghi nhận trong đợt nghiên cứu năm 2001 ở vị trí Lũng Khê 4 (LK4) và ông cho rằng rãnh được tạo để định hướng cho việc đắp tường thành. Tuy nhiên, trong hố đào lần này, sau khi xem xét kỹ về diễn biến địa tầng, chúng tôi cho rằng rãnh được đào xuống sinh thổ từ lớp cư trú, dưới đáy rãnh chứa một lớp tro than từ các hoạt động sinh hoạt trôi xuống. Hướng phát triển của rãnh trong hố đào có xu hướng chếch về phía tây nam vào trong lòng thành. Có thể, rãnh được đào phục vụ cho hoạt động, sản xuất của cư dân ở đây. 

 
 Địa tầng hố khai quật cắt tường thành Ngoại phía bắc

Theo dõi diễn biến địa tầng, di vật trong lát cắt tường thành Ngoại phía bắc chúng tôi sơ bộ chia các giai đoạn đắp như sau:

Thời kỳ 1: thế kỷ 5 - 6 (Nam Triều) tường thành phía bắc được bắt đầu xây dựng, tường thành được đắp lên trên mặt bằng cư trú và rãnh.

Thời kỳ 2: thế kỷ 7 - 9 (thời Tùy - Đường), tường thành chỉ được gia cố sửa chữa thêm ở phía sườn giáp ngoại hào, trong lớp đắp gia cố nhiều vật liệu thời Tùy Đường.

Thời kỳ 3: thế kỷ 11 - 14 (thời Lý Trần) tường thành được tu bổ và đắp cao lên, các lớp đắp thời kỳ này tìm thấy trong hố thám sát T12. Lớp đắp này đã được ghi nhận trong đợt nghiên cứu năm 1970 và 1986 của Viện Khảo cổ học.

Kết quả khai quật khu vực bên ngoài thành Ngoại phía Tây

Ở ½ hố về phía đông là dấu tích của gia cố chân thành ngoại phía tây, được đắp vào khoảng thời Nam Triều (thế kỷ 5-6). Lớp trên được đắp vào thời Tùy Đường (thế 7-9) và sau đó vào thời Lý - Trần có thể được đắp thêm (bằng chứng phát hiện các đồng tiền thời Tống có niên đại thế kỷ 11-12). 

 
 Lớp gia cố chân thành Ngoại phía tây

- Di tích lò: trong hố đào tìm thấy 2 phế tích lò, được định danh là lò số 1 và lò số 2.

- Lò số 1: xuất lộ một phần trong hố khai quật, sát vách phía tây,chiều dài thấy được 3,4m, chiều rộng 2,6m, phần còn lại tịnh tiến ra hướng tây phía trục đường liên thôn. Lò có thể có hình chữ nhật, hướng cửa phía đông bắc, thành lò được đắp bằng đất ở bên hồi và phía hậu lò, dày khoảng 13cm. Cấu trúc lò gồm khoang sấy chính, khoang sấy phụ và cửa đốt lò. Khoang sấy phụ được tạo ở bên đầu hồi lò, dọc khoang đắp nổi cầu chạy dọc, khoang này có cửa đốt riêng. Khoang đốt chính, nền đắp tạo dốc cao lên từ cửa đốt đến hậu lò, có 4 cầu xây bằng gạch bìa, tương ứng với 4 cầu là 3 rãnh dẫn lửa. Khoang đốt được xây bằng gạch, dạng phễu thu nhỏ dần ra phía cửa, trong khoang đốt tìm thấy dấu vết tro than của gỗ và tre. Hiện tại, đã xác được hai khoang nung chính. Sau khi xử lý trong lò, thu được các phế phẩm của lò là nung gạch, ngói bước đầu xác định niên đại của lò vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

 
 Lò nung gạch ngói niên đại cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19

- Lò số 2 nằm cách lò số 1 khoảng 0,6m. Vỏ lò đắp bằng đất, cháy đỏ, cứng. cửa lò tạo thuôn quay về hướng tây bắc, khoang đốt tạo hình trụ tròn, đáy dốc về phía cửa. Nửa thân trên hơi loe tròn, đường kính đo được khoảng 1,5m, chiều cao còn lại từ đáy lò 1,2m, vỏ lò dày khoảng 0,2m. Cửa lò rộng 0.9m, cao 0,6m tạo hình bầu dục nằm. Trên miệng lò ở hai bên và phía sau bám một lớp dày dạng thủy tinh màu xanh xám, lẫn với bột trắng giống như vôi. Khi xử lý trong lòng của lò, ken dày một lớp ngói giống với ngói tìm thấy trong lò số 1, tuy nhiên cũng như lò số 1, lò số 2 cũng có hiện tượng bị đào phá khoét vào trong lòng, lẫn các vật hiện vật của thời hiện đại. Tro than xuất hiện một lớp mỏng phía cửa lò và sát đáy lò, không thấy sản phẩm của lò. Hình dáng và cấu trúc gần giống với lò tìm thấy bên bờ sông Ngọc của Lam Kinh - Thanh Hóa năm 2001. Lò ở Lam Kinh được xác định là lò nung vôi có niên đại thế kỷ 18. Hiện tại chúng tôi chưa xác định được lò dùng để nung sản phẩm gì, các mẫu thủy tinh hóa sẽ được phân tích để xác định công dụng của lò.

 
 
Lò tròn niên đại cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19

 

 Một số hiện vật được phát hiện tại đợt khai quật

Một vài nhận xét

- Tường thành Ngoại phía bắc được đắp trên mặt bằng cư trú, kỹ thuật đắp đơn giản theo cách đắp của người bản địa, khác hẳn với cách đắp trình tường của các di tích thành cùng thời kỳ ở Trung Quốc. Các lớp đắp không bằng phẳng, đất đắp lấy chủ yếu trong lớp cư trú của thành, lẫn nhiều mảnh gạch ngói, mảnh đồ dùng sinh hoạt, tro than, bên cạnh đó xen lẫn một ít lớp đất màu nâu sẫm lấy ở lớp đất gần sinh thổ.

- Qua kết quả 2 đợt khai quật tường thành ngoại (2019, 2022), nghiên cứu liệu của các đợt khai quật những năm 1970, 1986, 2001, chúng tôi cho rằng, tường thành ngoại Luy Lâu được bắt đầu xây dựng vào khoảng cuối thời Lục Triều (thế kỷ 5 - 6) và liên tục được tu bổ đắp thêm vào thời Tùy - Đường (thế kỷ 7 - 9) và đến thời Lý - Trần (thế kỷ 11 - 14). Trong các lớp đất đắp thành lẫn nhiều đồng tiền Ngũ Thù cho thấy đây có thể liên quan đến lễ nghi trong quá trình đắp tường thành.

- Đây là lần đầu tiên tại thành cổ Luy Lâu phát hiện được lò nung gạch ngói có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 trong khu vực gần chùa Phi Tướng. Việc phát hiện lò trong khu vực các di tích tôn giáo đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tìm thấy như ở miếu Đồng Cổ (Từ Liêm, Hà Nội), Lam Kinh Thanh Hóa, là lò nung vật liệu xây dựng (gạch ngói), nung vôi có niên đại thế kỷ 18. Phải chăng, đây là các lò nung vật xây dựng liệu phục vụ cho các đợt trùng tu sửa chữa lớn của di tích? Vấn đề này sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm.

            Lê Văn Chiến - Đinh Huyền 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2856

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

Ngày Quốc tế Bảo tàng 2022: Sức mạnh bảo tàng

Ngày Quốc tế Bảo tàng 2022: Sức mạnh bảo tàng

  • 09/05/2022 08:55
  • 1295

Bảo tàng có sức mạnh biến đổi thế giới xung quanh chúng ta: Bảo tàng là nơi khám phá có một không hai, là nơi dạy ta về quá khứ và mở mang những ý tưởng mới - hai bước thiết yếu để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chủ đề ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2022 tập trung khám phá tiềm năng của các bảo tàng trong việc mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua ba khía cạnh: