Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, truyền thống từ lâu đời. Liên minh chiến đấu và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihẳn, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản vô giá, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự phát triển lớn mạnh của cách mạng mỗi nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Hoàng thân Xuphanuvông bàn việc phối hợp kháng chiến giữa Việt Nam và Lào, Hà Nội, năm 1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihẳn, Hà Nội, năm 1961
Bước vào thời kỳ đổi mới, quan hệ hữu nghị đặc biệt
này tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi
những nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà hai Đảng, hai Nhà nước đề ra, đưa
Việt Nam và Lào cùng phát triển hội nhập với khu vực và thế giới.
Mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào không những là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước kia mà còn là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp phát triển hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và Lào ngày nay. Gìn giữ và vun đắp quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, di sản quý báu cho muôn đời con cháu mai sau là mệnh lệnh và trách nhiệm của hai nước.
Năm 2022, hai nước Việt Nam và Lào sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (05/9/1962-05/9/2022) và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022), để chào mừng những dấu mốc, sự kiện trọng đại này, chúng tôi xin được giới thiệu sưu tập tài liệu, hiện vật về quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào hiện đang được lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ý thức được trách nhiệm của mình, với vai trò đầu hệ, chức năng nhiệm vụ được giao, từ hàng chục năm qua, các thế hệ cán bộ Bảo tàng đã nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm, khai thác được hơn 500 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Đây là sưu tập hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý, có giá trị trên nhiều lĩnh vực, phản ánh sinh động sự gắn bó máu thịt, mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng Việt Nam - Lào.
Trong đó, đặc biệt quý là sưu tập hiện vật, tài liệu gốc với số lượng khoảng gần 200 đơn vị bảo quản, gồm ba nhóm:
- Nhóm hiện vật là tặng phẩm, quà lưu niệm thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tiêu biểu như: Đĩa bạc khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn Đại biểu Đảng nhân dân Cách mạng Lào tặng Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1982; Quốc kỳ Lào, nhân dân Lào tặng bộ đội Việt Nam tập kết, năm 1954; Chăn, nhân dân Lào tặng bộ đội Việt Nam tập kết, năm 1954; Khăn, nhân dân Lào tặng bộ đội Việt Nam tập kết, năm 1954; Tấm lụa, nhân dân Lào tặng bộ đội Việt Nam tập kết, năm 1954; Sà rông, túi, phụ nữ Lào tặng bộ đội Việt Nam chiến đấu tại cánh đồng Chum; Mảnh xác máy bay F4C, tiểu đoàn 456 pháo cao xạ Lào tặng Đoàn đại biểu chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, ngày 20-10-1969; Voi tết bằng dây Guột, Đảng nhân dân Cách mạng Lào tặng Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1982; Phù điêu "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh", đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tặng Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12-1986; Liễn bạc, tặng phẩm của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch Đảng nhân dân Khămtày Siphănđon tặng đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đồng chí sang dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, ngày 29/6/1996; Khăn thổ cẩm, Chủ tịch Quốc Hội nước CHDCND Lào Thongsing Thammavong tặng Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết, ngày 27/7/2009; Tranh màu nước, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chummaly Sayasone tặng Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang nhân chuyến thăm chính thức cấp nhà nước CHDCND Lào, tháng 02/2012; Âu bạc, Đồng chí Khămtày Xiphănđon, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang, tháng 02/2012….
Quốc kỳ Lào, nhân dân Lào tặng bộ đội Việt Nam tập kết, năm 1954. (trên Quốc kỳ Lào có thêu ba dòng chữ tiếng Lào: dòng phía trên có nghĩa là Tinh thần đoàn kết Lào – Việt keo sơn; hai dòng phía dưới có nghĩa là Chính phủ Lào kháng chiến và nhân dân Lào tặng quân tình nguyện Việt Nam)
Đĩa bạc khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn Đại biểu Đảng nhân dân Cách mạng Lào tặng Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1982. (quanh lòng đĩa có khắc hai dòng chữ tiếng Lào: dòng phía trên có nghĩa là Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam; dòng phía dưới có nghĩa là Đoàn đại biểu Đảng nhân dân Cách mạng Lào)
Tranh màu nước, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chummaly Sayasone tặng Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang nhân chuyến thăm chính thức cấp nhà nước CHDCND Lào, tháng 02/2012
- Nhóm hiện vật văn bản, với gần 50 tài liệu, văn kiện quý, tiêu biểu như: Lời cảm tưởng của Đồng chí Khămtày Xiphănđon, Ủy viên Ban Chấp hành Mặt trận Dân tộc Thống nhất Lào, ngày 22/11/1950; Báo cáo của ônng Phumivông Michít về chính sách và điều lệ của mặt trận Neo Lào, ngày 20/11/1950; Điện của ông Phumivông Michít, ngày 12/11/1950 về chỉ thị LO 10/No-lo-C22-11-1950 của Ban thường vụ Mặt trận Neo Lào Ítxala gửi Ban Chấp hành các khu, tỉnh; Bài phát biểu của Hoàng thân Xuvanuvông, Hội trưởng Mặt trận Neo Lào Ítxala tại Hội nghị trù bị Mặt trận ba nước Đông Dương, ngày 22/11/1950; Thư của Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Neo Lào Ítxala gửi Mặt trận Liên Việt - Việt Minh nhân dịp năm mới, năm 1951; Bản tin, Ủy ban Kháng chiến hành chính Quế Dương phát hành đăng tin về những điểm tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, ngày 19/4/1953; Thư của Tiểu đoàn 2 Quân đội Lào gửi Thiếu tướng Caraxinhban Chủ tịch Ủy ban giám sát và kiểm sát quốc tế ở Lào, năm 1957-1959; Tài liệu tóm tắt Điều lệ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, gồm 10 điểm trong Điều lệ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (viết tay tiếng Lào); Diễn văn của trưởng đoàn Lào tại Hội nghị đặc biệt Ban thường vụ Liên hiệp Công đoàn Thế giới về Việt Nam họp ở Hà Nội, tháng 3/1973; Bài phát biểu của đồng chí Thoonglay cômaxit (Đoàn Đại biểu Lào) tại Đại hội Đoàn lần thứ IV, ngày 22/11/1980; Quyết định (chữ Lào) Số 35, ngày 1/8/1983 của Chủ tịch nước CHDCND Lào ký tặng Huân chương cho người Việt Nam công tác tại Lào; Tài liệu học tập "Phương châm đấu tranh của cách mạng Lào hiện nay” bài số 3,4,5 và 8; Truyền đơn của địch rải ở chiến trường Việt Nam xuyên tạc Hiệp định Pari đòi quân đội Việt Nam rút khỏi Lào; Truyền đơn của địch tuyên truyền quân đội Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia; Tranh cổ động "Tình đoàn kết Việt - Lào - Campuchia", Tác giả Thanh Hải; Tranh cổ động "Đoàn kết chiến đấu", Tác giả Đặng Cầm, tháng 5/1984; Tranh cổ động "Mãi mãi bên nhau", Xưởng tranh cổ động Trung ương xuất bản, tác giả: Lương Xuân Hiệp;…
Đoàn cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Bảo tàng Quốc gia Lào tại Lễ khai mạc triển lãm nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Quốc gia Lào, tháng 5 năm 1990
Trưng bày chuyên đề “15 năm nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tháng 11 năm 1990
Trưng bày lưu động “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội và thành quả” tại Bảo tàng quốc gia Lào, năm 1997
Múa Lăm vông trong Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề: "30 năm nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào và Tình đoàn kết Việt- Lào", tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ngày 28/10/2005
- Nhóm hiện vật là những kỷ vật của cán bộ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào gắn với những chặng đường gian nan, những chiến thắng vẻ vang và những chiến công thầm lặng của quân tình nguyện Việt Nam khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Lào. Trong số đó có những kỷ vật, hình ảnh thật xúc động như: Ba lô, khăn, vải bạt, quân phục trang bị cho bộ đội ta trong chiến dịch Thượng Lào tháng 12 năm 1953. Đèn pin của đại tá Nguyễn Văn Triệu được trang bị khi tham gia chiến dịch Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, năm 1967-1968; Hộ chiếu ngoại giao do Bộ ngoại giao Việt Nam cấp cho ông Vũ Chân (Đại tướng Chu Huy Mân) sang công tác tại Lào; Súng trường của đồng chí KhămTày Xiphănđon, Tổng chỉ huy Quân đội giải phóng Nhân dân Lào tặng Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Tư lệnh Quân tình nguyện, Trưởng đoàn Chuyên gia Việt Nam giúp Lào năm 1972; ăng gô, bi đông, đồng hồ, võng, dao găm...của đồng chí Nguyễn Nghiêm, Chính ủy đoàn 766 sử dụng tại Sầm Nưa, Xiêng Khoảng năm 1965; Sách "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" kỷ vật của liệt sỹ Hoàng Trung Hùng, hy sinh ngày 21/6/1965 tại Mặt trận phía Tây tỉnh Savanakhet, Lào; nhóm kỷ vật của Đại tá Đào Văn Xuân, nguyên Phó tư lệnh binh chủng Pháo binh đã cùng ông tham gia chiến dịch Thượng Lào và chiến dịch Hồ Chí Minh như: đèn làm bằng vỏ đạn M79, màn, võng, áo, chăn bằng dù pháo sáng, thước chỉ huy xe tăng; chiếc ăng gô, kỷ vật của đồng chí đã sử dụng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ tại mặt trận đường 9 Nam Lào từ năm 1969 đến năm 1975, trên đó còn những dòng chữ lưu lại về những chặng đường hành quân của mình: “Trị Thiên 1969, đường 9 Nam Lào 1970, B1, B3, B2 năm 1972-1973, Đà Nẵng – Sài Gòn 1975. Kết thúc chiến tranh Dinh Độc Lập 1975. Ký tên Xuân”; những tập Nhật ký, Hồi ký của các đồng chí quân tình nguyện về những năm tháng chiến đấu trên nước bạn Lào ...
Ngoài ra, hiện Bảo tàng cũng đang lưu giữ và phát huy một nhóm hiện vật với hơn 20 tranh, ký họa của các hoạ sĩ Việt Nam sáng tác về đất nước Lào và tình hữu nghị Việt-Lào, như: Ký họa: "Nữ dân quân Lào" do họa sỹ Hoàng Hoan sáng tác năm 1971; Tranh mực nho: "Bản người dân tộc Lào trên đất Việt" do họa sỹ Phạm Ngọc Liệu sáng tác năm 2000; Tranh sơn mài: "Bà mẹ Sầm Nưa" do họa sỹ Trần Tuấn Lân sáng tác năm 2000; Tranh bột màu: "Luông Prabăng" do họa sỹ Nguyễn Thiện sáng tác năm 2003; Tranh sơn dầu: "Hoà nhịp cùng lămvông" do họa sỹ Đỗ Hiển sáng tác năm 2004; Tranh sơn dầu: "Ấn tượng Viêng Chăn" do họa sỹ Lê Trí Dũng sáng tác năm 2005; Tranh bột màu: "Vũ nữ Lào" do họa sỹ Lê Huy Toàn sáng tác năm 2005; Tranh bột màu: "Biên giới Việt Lào" do họa sỹ Nguyễn Thị Hải sáng tác năm 2005….
Cùng với sưu tập hiện vật gốc là hơn 300 tư liệu hình ảnh về lịch sử văn hóa Lào; tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu bền chặt; mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Tiêu biểu là một số ảnh tư liệu như:
- Những hình ảnh về lịch sử, văn hóa Lào, tiêu biểu như: Một góc cố đô Luổng Phạ Bang (Lào), di sản văn hóa thế giới; Lễ hội té nước ở Luổng Phạ Bang (Lào); Thiếu nữ Lào trong ngày hội năm mới; Lễ hội Thạt Luổng (Lào); Cảnh phu làm đường ở Lào dưới thời Pháp thuộc; Tư bản Pháp đưa nhân công Việt Nam sang khai thác mỏ thiếc Phôn Tiu và Bò Nèng thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào), năm 1923; Nghĩa quân Ông Kẹo, Ông Kommađăm chống thực dân Pháp trong những năm 1901 - 1937 ở nam Lào….
- Những hình ảnh về tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu bền chặt Việt Nam – Lào: Hoàng thân Supha Nuvông và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc, năm 1950; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Caysỏn Phômvihản, năm 1961; Hội nghị thành lập Liên minh Việt - Miên - Lào, Việt Bắc, năm 1951; Hội nghị Đại biểu Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào họp bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào; Hai cánh quân Việt- Lào gặp nhau sau khi Thượng Lào được giải phóng, tháng 1-1954; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng vua Lào Xrixavang Vatsthana và Thủ tướng Lào Xuvana phuma thăm Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ngày 12-3-1963; Nhân dân Lào biểu tình ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ, năm 1964; Tổng Bí thư Lê Duẩn và các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đến thăm một đơn vị Quân giải phóng nhân dân lào tại Sầm Nưa năm 1972; Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam gửi Đại hội II Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tháng 2 -1972…
Đoàn đại biểu Đảng bộ Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihẳn (người ngồi đầu tiên bên phải) dẫn đầu tham dự Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, Việt Bắc, tháng 2-1951
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người thứ 3 từ trái sang), đồng chí Xuphanuvông (người thứ 4 từ trái sang) và các cán bộ Quân đội Việt -Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953
Bộ đội tình nguyện Việt Nam liên hoan chia tay nhân dân các bộ tộc Lào trước khi về nước, năm 1961
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Quốc vương Lào Xrixavang Vatsthana và Thủ tướng Lào Xuvana phuma thăm Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ngày 12-3-1963
- Những hình ảnh về mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào từ 1977 đến nay: Lễ ký Biên bản về tình hữu nghị và hợp tác giữa CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam tại Viêng Chăn, ngày 18-7-1977; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh tiếp đoàn Đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Tổng Bí thư Caysỏn Phômvihản dẫn đầu sang dự Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12 -1986; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười thăm nước CHDCND Lào, ngày 20-10-1995; Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Khămtày Siphănđon phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, ngày 19-4-2001; Tượng đài “Tình hữu nghị chiến đấu Lào – Việt Nam đời đời bền vững” tại tỉnh Uđômxây, Lào; Bảo tàng Quốc gia Lào tại Viêng Chăn, Lào do các chuyên gia Việt Nam giúp bạn xây dựng...
Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do đồng chí
Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam dẫn đầu thăm vùng giải phóng Lào, tháng 11 -1973
Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Mặt trận Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihẳn, Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng NDCM Lào, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHDCND Lào dẫn đầu sang thăm Việt Nam, Hà Nội, tháng 12 -1976
Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Cayxỏn Phômvihản ký hiệp ước Hữu nghị và hợp tác giữa hai nước tại Viêng Chăn, ngày 18-7-1977
Bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, phát huy gía trị nhưng hiện vật, tài liệu, hình ảnh về quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, với vai trò của một bảo tàng đầu hệ, ngay từ rất sớm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thiết lập và có quan hệ mật thiết với các bảo tàng, cơ quan văn hóa của nước bạn Lào. Theo yêu cầu của bạn, từ năm 1980, Bảo tàng đã cử nhiều lượt cán bộ sang tham quan, trao đổi chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ, trưng bày chuyên đề tại Viêng Chăn với các đề tài “Lịch sử Cách mạng Việt Nam”, “Nhân dân Việt Nam chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình và sự sống”,…. Năm 1982, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ký biên bản hợp tác với Bảo tàng Cách mạng Lào và đã cử nhiều chuyên gia sang cùng bạn xây dựng Bảo tàng Cách mạng Lào (nay là Bảo tàng quốc gia Lào). Mối quan hệ này được duy trì hàng chục năm nay qua các biên bản hợp tác, các chuyến làm việc, trao đổi nghiệp vụ, đặc biệt là qua các trưng bày chuyên đề phối hợp, công trình, ấn phẩm xuất bản, như:, tháng 5/1990 tại Bảo tàng quốc gia Lào; Trưng bày chuyên đề “15 năm nước CHDCND Lào”, tháng 11/1990 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Trưng bày lưu động “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội và thành quả” tại Bảo tàng quốc gia Lào, năm 1997.
- Phối hợp tổ chức các trưng bày chuyên đề: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
+ Đến năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975-2/12/2005), Bảo tàng Quốc gia Lào phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày: "30 năm nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Tình đoàn kết Việt- Lào", khai mạc ngày 28/10/2005. Với hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, trưng bày được kết cấu gồm 3 phần: Một số hình ảnh về đất nước - con người của các bộ tộc Lào; 30 năm xây dựng, phát triển và bảo vệ nước CHDCND Lào và Tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai nước CHDCND Lào và nước CHXHCN Việt Nam.
+ Thực hiện kế hoạch hợp tác, ngày 28/9/2006, Bảo Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Lào tổ chức trưng bày triển lãm “Việt Nam - 20 năm đổi mới (1986-2006)" tại Bảo tàng Quốc gia Lào. Triển lãm gồm 3 phần: Phần 1, Đảng Cộng sản Việt Nam - Người khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước; Phần 2, Những thành quả bước đầu của nhân dân Việt Nam trong 20 năm đổi mới (1986-2006); Phần 3, Quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước Việt - Lào. Với gần 150 ảnh tư liệu, bản trích, số liệu, Triển lãm giới thiệu với nhân dân các bộ tộc Lào một số hình ảnh về công cuộc đổi mới của Việt Nam, về những thành tựu chính mà nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được trong 20 năm tiến hành đổi mới, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết, củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt-Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihẳn đặt nền móng và vun đắp từ những năm 50 của thế kỷ XX.
- Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở những tài liệu, hiện vật đang lưu giữ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với nhiều cơ quan tại Việt Nam và Lào nghiên cứu, chủ trì và tham gia biên soạn 02 bộ sách:
+ Chủ trì thực hiện Bộ sách ảnh Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào (năm 2007), Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (05/9/1962-05/9/2007) và 30 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2007). Trong Lời giới thiệu của cuốn sách, Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương có nhân xét: “Đây là cuốn sách ảnh đầu tiên ở nước ta đã sưu tập, chọn lọc và hệ thống được nhiều ảnh có giá trị lịch sử quý trên các lĩnh vực, thể hiện sinh động sự gắn bó máu thịt, mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng Việt Nam - Lào. Toàn bộ nội dung được thể hiện ở đây còn là nguồn tư liệu phong phú, có giá trị khoa học - lịch sử cao, bổ sung cho công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đang được hai Đảng, hai Nhà nước phối hợp biên soạn, nhằm mục đích giáo dục các tầng lớp nhân dân mỗi nước, nhất là thế hệ trẻ, nâng cao trách nhiệm gìn giữ và phát huy mãi mãi mối quan hệ tốt đẹp này, đưa quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới. Tôi hoan nghênh Ban Biên soạn, trong một thời gian ngắn đã hoàn thành được một công trình khoa học - lịch sử bằng ảnh nhiều ý nghĩa, có giá trị giáo dục cao.”;
+ Tham gia thực hiện bộ sách Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào Việt Nam (1930-2007), năm 2011.
- Căn cứ vào Kế hoạch hợp tác Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Nước CHDCND Lào, Ngày 24/10/2018, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Lào đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bảo tàng với các nội dung: Trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, trưng bày, tài liệu, giáo dục về bảo tồn bảo tàng, nghiên cứu và xuất bản; khuyến khích, hỗ trợ các cuộc giao lưu trao đổi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng và di sản văn hóa; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động nhằm tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
- Từ tháng 6/2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang chủ trì, phối hợp cùng Cục Di sản văn hóa, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Cục Hợp tác quốc tế triển khai nhiệm vụ xây dựng tôn tạo Khu di tích nơi tổ chức Đại hội lần thứ nhất Đảng Nhân dân cách mạng Lào tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Lào (tỉnh Thanh Hóa-Hủa Phăn). Nhiệm vụ này là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn lao của Bảo tàng Lịch sử quốc gia bởi đây là di tích đặc biệt quan trọng, nơi ghi dấu Sự ra đời của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vào ngày 22/3/1955, là bước ngoặt lịch sử của nước bạn Lào. Kể từ ngày ra đời, Đảng Nhân dân Lào, nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã khắc ghi vào lịch sử oai hùng của đất nước và dân tộc Lào những mốc son chói lọi. Đảng đã lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi vang dội ngày 2/12/1975, giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, lập nên nước CHDCND Lào, đưa dân tộc Lào bước vào kỷ nguyên mới: hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.
Việc triển khai Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích nơi tổ chức Đại hội lần thứ nhất Đảng Nhân dân cách mạng Lào là hoạt động vô cùng ý nghĩa, thiết thực, để nơi đây không chỉ là nơi các tầng lớp nhân dân Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ học hỏi, nghiên cứu và hiểu rõ về sự hình thành và phát triển của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và tiếp tục kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng, mà còn là nơi để người dân hai nước Lào - Việt Nam tham quan, hiểu rõ hơn và vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền chặt.
Đoàn cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kế hoạch hợp tác với cán bộ Bảo tàng Quốc gia Lào tại Bảo tàng Quốc gia Lào, năm 2004
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Lào tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ngày 24/10/2018
Bà Viphavanh Phomvihane - Phu nhân Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane thăm quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày 7 tháng 12 năm 2021
Thay lời kết
Có thể nói, những hiện vật, tài liệu, hình ảnh về quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang được gìn giữ cẩn trọng, sử dụng, khai thác phát huy với tần suất rất lớn, có hiệu quả cụ thể và toàn diện trên cả hai mặt hoạt động nghiệp vụ bảo tàng và nghiên cứu lịch sử, phục vụ đắc lực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ không ngừng nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụgìn giữ, phát huy những tư liệu, hiện vật - di sản vô giá về quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào để tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào việc góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hoá cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của hai nước; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng; góp phần giữ gìn và không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, Lào với thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của hai quốc gia trên trường quốc tế.
TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc BTLSQG
Ths. Nguyễn Hoài Nam, BTLSQG