Các quốc gia ASEAN có nền văn hóa đặc sắc và phong phú, vì vậy trang phục truyền thống cũng vô cùng đa dạng và mang những nét đặc trưng riêng của các quốc gia. Những trang phục truyền thống không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa trang phục mà còn tôn vinh truyền thống văn hóa mỗi quốc gia trong cộng đồng ASEAN. Với mục đích lưu giữ, bảo tồn và hướng tới việc xây dựng trưng bày về văn hóa ASEAN trong tương lai, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đang từng bước sưu tầm, xây dựng sưu tập tài liệu, hiện vật, trong đó có trang phục truyền thống các nước ASEAN. Bảo tàng đã gửi công văn đến các Đại sứ quán với mong muốn được sưu tầm trang phục truyền thống của các nước trong khối ASEAN và đã nhận được sự hợp tác từ các Đại sứ quán.
Ngày 19/01/2022, tại Đại sứ quán Malaysia,
ông Neermal Shunmugam, Nguyên Tham tán Malaysia tại Việt Nam đã trao tặng cho Bảo
tàng Lịch sử quốc gia bộ trang phục truyền thống Malaysia. Bộ trang phục truyền
thống này thuộc bang Melaka, Malaysia. Ở bang Melaka cộng đồng và văn hóa Bồ
Đào Nha tồn tại cho đến ngày nay do tàn tích của những người Bồ Đào Nha vào thế
kỷ XVI. Trang phục phản ánh di sản của hậu duệ người Bồ Đào Nha đã định cư ở
Malaysia trong nhiều thế kỷ. Hai bộ trang phục với màu sắc chủ đạo là màu đen đỏ
và được làm rất cầu kỳ, trong đó, bộ trang phục nam gồm 5 thành phần: áo khoác đen, sơ mi trắng, quần dài, cà vạt hoặc thắt
nơ đỏ và thắt lưng đỏ. Trang phục nữ gồm 6 thành phần: áo dài tay trắng, vest,
tạp dề, chân váy, khăn, hoa tai; trong đó, váy rộng nhiều lớp, chân váy có thêu
hoa, màu sắc chủ đạo cũng là đen, đỏ và trắng với khăn hoa đội đầu màu đỏ. Trang
phục truyền thống được mặc trong các dịp như: Lễ Giáng sinh, Lễ hội Thánh Peter
và Ngày Thánh John vì hầu hết họ là những người theo đạo Thiên chúa. Họ mặc
trang phục truyền thống, cùng nhau nhảy múa trong các lễ hội và giai điệu nổi
tiếng nhất của họ là “Jingkli Nona”.
Trang phục truyền thống của bang Melaka, Malaysia
Ông Neermal Shunmugam, Nguyên Tham tán Malaysia tại Việt Nam đã trao tặng bộ trang phục truyền thống Malaysia cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia tặng hoa cảm ơn ông Neermal Shunmugam, Nguyên Tham tán Malaysia tại Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai đang hướng tới xây dựng trưng bày về văn hóa các nước ASEAN nhằm giới thiệu, quảng bá những hiện vật, hình ảnh về bản sắc văn hóa các nước ASEAN trong đó có trang phục truyền thống các nước ASEAN đến với công chúng. Những hiện vật, tư liệu hình ảnh Đại sứ quán Malaysia cũng như các nước ASEAN trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia có ý nghĩa to lớn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, những nét đặc sắc về đất nước, con người mỗi quốc gia, qua đó gắn kết thêm tình đoàn kết, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển, vững mạnh.
Minh Lý