Thứ Bảy, 09/12/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/12/2021 16:09 1246
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cách đây 75 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc (1946 - 1954). Trong suốt chín năm kháng chiến, Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng – An toàn khu (ATK) - Thủ đô kháng chiến - Thủ đô gió ngàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đưa ra những quyết sách chiến lược, lãnh đạo cả dân tộc kháng chiến thành công.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Trưng bày chuyên đề “Việt Bắc- Thủ đô gió ngàn”.

 

Với gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được trưng bày theo biên niên kết hợp trưng bày sưu tập hiện vật, ngoài mở đầu và phần kết, trưng bày gồm 3 phần:

Mở đầu:

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Giới thiệu: Tuyên ngôn đối nội và đối ngoại của Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 01/01/1946 (Nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).

"Tượng chân dung Bác Hồ" Tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, sáng tác năm 1946. (thể hiện tư thế Bác đang ngồi làm việc, đầu hơi cúi về phía trước nét mặt đăm chiêu suy nghĩ khi tình thế nước nhà thù trong giặc ngoài "ngàn cân treo sợi tóc", năm 1946).

Phần I: Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh – Hà Nội cùng cả nước kháng chiến.

Thể hiện 3 nội dung chính:

1. Những quyết sách của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ  thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền Nhân dân (1945-1946). Đặc biệt là sách lược ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo, chủ trương “Hòa để tiến” nhằm phân hóa, tránh cùng một lúc phải đối mặt với nhiều kẻ thù, kéo dài thời gian hòa hoãn, củng cố và chuẩn bị lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến.

Một số tài liệu tiêu biểu:

- Biên bản Hội nghị Trung ương từ ngày 24 đến ngày 26/2/1946 về chuẩn bị trường kỳ kháng chiến. (Nguồn: Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng)

Chỉ thị “Hòa để tiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 09/3/1946. (Hiện vật gốc của BTLSQG)

Bản dịch Pháp – Việt 14 tháng chín 1946 (gồm 4 trang và 11 điều). Đây là bản dịch kèm theo lối bình và lý lẽ phân tích các vấn đề của tạm ước 14/9/1946.

 Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Chỉ thị: Công việc khẩn cấp bây giờ, ngày 05/11/1946. (Hiện vật gốc của BTLSQG)

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Những cố gắng hòa hoãn, nhân nhượng, thiện chí hòa bình từ phía Việt Nam đều không thay đổi được dã tâm lập lại chế độ thực dân của Pháp ở Việt Nam. Để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, Chính phủ - Nhân dân Việt Nam đã buộc phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước. Thay mặt Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, ngày 19/12/1946 kêu gọi toàn dân đứng lên chống Pháp xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc.

Một số hiện vật, hình ảnh tiêu biểu:

- Bút tích Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh Bản thảo (gốc)  - Hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

 

Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19.12.1946

 Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến gồm hai trang giấy màu ngà không có dòng kẻ, kích thước 13,5cmx 20,5cm được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại gác hai ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Trong bút tích “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, ngoài nét chữ mực nâu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có bút tích sửa bằng mực xanh của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã được phát trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam khi ấy đặt tại chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội) và đăng trên trang nhất báo Cứu Quốc - Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh và được in thành hàng ngàn áp phích, chuyển về nhiều địa phương trong toàn quốc.  

3. Hà Nội cùng cả nước kháng chiến.

Đúng 20 giờ 03 phút ngày 19 tháng 12 năm 1946, đèn điện toàn thành phố Hà Nội phụt tắt, các chiến sĩ ta ở pháo đài Láng nổ súng phát ra hiệu lệnh chính thức báo hiệu Toàn quốc kháng chiến bắt đầu. Mở đầu và tiêu biểu cho Toàn quốc kháng chiến trên cả nước là cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong suốt 60 ngày đêm khói lửa.

Trưng bày giới thiệu sưu tập hiện vật (hiện vật gốc của BTLSQG) về Trung đoàn Thủ đô được thể hiện qua tiểu cảnh "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Áo, Băng đeo tay, Phù hiệu, Súng ngắn, Súng trung liên Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô dùng chiến đấu ở Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946. Đặc biệt, trưng bày giới thiệu hiện vật gốc Bom ba càng, quyết tử quân Hà Nội dùng chống xe tăng Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12-1946. Trải qua gần hai tháng liên tục chiến đấu quân, dân Hà Nội cùng cả nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực, giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện để cuộc tổng di chuyển toàn bộ các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Chỉ huy, máy móc, thiết bị… ra khỏi Hà Nội trở lại căn cứ địa Việt Bắc an toàn.

Hình ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị “Quyết tử” của Hà Nội tại chiến khu Việt Bắc, đầu năm 1947; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, năm 1947.

Phần 2: Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn

Thể hiện 5 nội dung chính:

1.Việt Bắc - lợi thế địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi ở Hà Nội, ngày 22/8/1945, trước khi rời Tân Trào (Tuyên Quang) về Hà Nội chuẩn bị cho Lễ tuyên bố độc lập 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Phạm Văn Đồng và các cán bộ được phân công ở lại Việt Bắc để củng cố căn cứ: “…Biết đâu chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa.”. Tháng 11/1946, Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh dẫn đầu lên Việt Bắc tìm địa điểm để xây dựng ATK cho các cơ quan của Trung ương Đảng. Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, đội công tác đặc biệt quyết định chọn xây dựng AKT – nơi tuyệt đối bí mật chủ yếu trên địa bàn các huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên); huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn; huyện Sơn Dương, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang). Ngày 19/12/1946, Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đầu năm 1947, Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại căn cứ địa Việt Bắc, với niềm tin vững chắc như nhận định của Người:“Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi.

Hình ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng tại Văn phòng Trung ương Đảng ở chiến khu Việt Bắc năm 1950. (các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng; Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh)

Với địa thế là vùng núi rừng, hiểm trở, Việt Bắc hội tụ đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa để trở thành căn cứ địa cách mạng. Phía bắc Việt Bắc giáp Trung Quốc, có thể liên lạc với phong trào cộng sản quốc tế. Việt Bắc lại là cửa ngõ của miền xuôi, vẫn tranh thủ được sự giúp đỡ của miền xuôi. Từ Thái Nguyên về Hà Nội không xa, khoảng 80-90 km, theo Bác, là nơi “tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ).

Trưng bày giới thiệu: Bản đồ Chiến khu Việt Bắc – An toàn khu (ATK)  thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).

2. Việt Bắc – nơi đặt các cơ quan đầu não kháng chiếnhoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ.

Sau khi rời Hà Nội, đến ngày 20/5/1947 Bác đã đặt chân đến đồi Khau Tý, xóm Nạ Tra (nay là xã Điềm Mặc) của ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Tại đây (tháng 10/1947) Bác đã hoàn thành tác phẩm Sửa đổi lối làm việc với bút danh X.Y.Z (hiện vật gốc của BTLSQG). Đây là văn kiện quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc.

Giới thiệu một số hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Trần Huy Liệu… cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ tại chiến khu Việt Bắc.

3. Lòng dân Việt Bắc

Trong các lý do để Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ kháng chiến chống Pháp, có một lý do rất quan trọng đó là lòng dân, là sự ủng hộ, nuôi dấu, chở che, quyết tâm một lòng theo Đảng, theo Bác của đồng bào Việt Bắc. Theo Người, sống giữa đồng bào tức là được bảo vệ an toàn nhất. Theo Người, nơi ở là: “trên có núi; dưới có sông; có đất ta trồng; có bãi ta vui; tiện đường sang Bộ tổng; thuận lối tới Trung ương; nhà thoáng, ráo, kín mái” và dứt khoát không thể thiếu yếu tố quan trọng “gần dân, không gần đường”; và “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta phải liên lạc mật thiết với dân, phải làm cho dân mến, dân tin”.

Một số hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ với đồng bào các dân tộc Việt Bắc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một bữa cơm cùng đồng bào, chiến sỹ tại chiến khu Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống Pháp

4. Việt Bắc - nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng

Chiến khu Việt Bắc gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã đưa ra những quyết sách chiến lược, sáng suốt, kịp thời, chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi như: Chiến thắng Việt Bắc, Thu - Đông 1947; Chiến thắng Biên giới năm 1950. Đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, tháng 2/1951 đã phát triển đường lối kháng chiến, đề ra những chính sách cụ thể, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến những thắng lợi quan trọng có tính chất quyết định như: Các chiến thắng trong những năm 1951-1952, đặc biệt là chiến thắng Đông - Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954.

Giới thiệu những hiện vật, tài liệu như:

- Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của thực dân Pháp” của Trung ương Đảng, ngày 15/10/1947.

- Tác phẩm "Kháng chiến nhất định thắng lợi" của Tổng Bí thư Trường Chinh viết năm 1951.

Hình ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình Chiến dịch Việt Bắc, Thu - Đông 1947; Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê (Cao Bằng) trong Chiến dịch Biên Giới, tháng 9/1950; Bác thăm đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Biên Giới, đóng quân ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, tháng 3/1951.

Giới thiệu một số hiện vật, tài liệu, hình ảnh về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương, tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, tháng 2/1951:

- Tranh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương, Tuyên Quang, tháng 02/1951.

- Báo cáo chính trị, Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương. (Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

Một số hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ tại chiến khu Việt Bắc. Đại hội, hội nghị quan trọng như: Hội nghị Cán bộ Văn hóa lần thứ Nhất tại Việt Bắc, năm 1949; Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ Nhất, tại Đại Từ, Thái Nguyên, tháng 4/1950; Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tại Tuyên Quang, ngày 3-7/3/1951; Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, tháng 30/4/1952 tại huyện Phú Lương, Thái Nguyên và nhiều sự kiện tiêu biểu khác

5. Kinh tế, Văn hóa – Xã hội trong kháng chiến

Với phương châm “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, trong những ngày ở Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quan tâm chỉ đạo việc phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống của Nhân dân cũng như củng cố và xây dựng hậu phương vững chắc. Sưu tập hiện vật, tài liệu, hình ảnh về quân sự, kinh tế, văn hóa- xã hội... trong kháng chiến; sưu tập áp phích, tranh cổ động thời kỳ 1946-1954. Đặc biệt trong trưng bày lần này: Bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi Trung - Nam - Bắc” của họa sĩ Diệp Minh Châu.  Họa sĩ Diệp Minh Châu đã rạch cánh tay của mình lấy máu vẽ chân dung Bác Hồ với ba em bé đại diện cho thiếu nhi 3 miền Bắc - Trung - Nam, thể hiện tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác, về niềm tin mãnh liệt vào ngày kháng chiến thắng lợi, Nam Bắc một nhà. Trưng bày cũng giới thiệu Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951. Người nói: "Văn hóa cũng là một mặt trận. Anh em là chiến sỹ trên mặt trận ấy", cuối thư Người nói: "Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Trưng bày cũng giới thiệu nhiều hiện vật của các họa sĩ như: Thư của Họa sĩ Tô Ngọc Vân – Giám đốc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Bắc gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 17/01/1952. Tập nhật ký và bút ký của họa sĩ Diệp Minh Châu ký họa hình ảnh các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng trên mỗi bức ký họa có chữ ký của từng đại biểu. Một số hiện vật như: Vở học văn hóa của Anh hùng quân đội Đinh Núp và một số hiện vật về văn hóa-xã hội trong kháng chiến.

Phần III: Quyết chiến, quyết thắng.

Thể hiện 2 nội dung:

1.Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên phủ

Tại Chiến khu Việt Bắc, trong căn lán nhỏ ở Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953 - 1954), quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trưng bày giới thiệu một số hiện vật, tài liệu chiến dịch Điện Biên Phủ như:

- Máy điện thoại của Bộ Chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

- Báo cáo của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị, ngày 6/12/1953 về phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 (nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

- Thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp xin ý kiến về chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ và trên từng chiến trường, ngày 30/01/1954. (nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

- Điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo sơ lược về trận chiến thắng đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 14/3/1954. (nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

- Chỉ thị của Ban Bí thư về nhân đà thắng lợi của ta, ra sức đẩy mạnh công tác ở vùng bị tạm chiếm, ngày 26/3/1954. (nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

- Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục động viên nhân lực, vật lực cho mặt trận Điện Biên Phủ để giành toàn thắng, ngày 19/4/1954. (nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

- Lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở đợt tấn công đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954.

2. Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trưng bày tái hiện lại cảnh tượng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân Việt Nam ngày 7/5/1954.

Giới thiệu hiện vật:

- Xe đạp thồ, ông Bùi Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa dùng vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.

 - Mảnh nắp hầm của tướng Pháp Đờ Ca-xtơ-ri tại Điện Biên Phủ, năm 1954.

Phần kết: Khúc khải hoàn

Thể hiện 2 nội dung chính:

1. Tiếp quản Thủ đô 10/10/1954

Ngày 10/10/1954, từng đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa rực rỡ, trong tiếng reo hò của nhân dân Hà Nội.

Giới thiệu một số tài liệu, hiện vật:

- Chỉ thị của Đảng bộ Thành phố Hà Nội về nắm vững quần chúng tích cực chuẩn bị tiếp quản ngoại thành, ngày 01/8/1954.

- Chỉ thị của Đảng bộ Thành phố Hà Nội về công tác vận động viên chức chuẩn bị tiếp quản, ngày 14/8/1954. (nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).

- Chỉ thị của Đảng bộ Thành phố Hà Nội về vận động Nhân dân Hà Nội hoan nghênh chính quyền, bộ đội vào tiếp quản thành phố, ngày 06/10/1954. (nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).

 - Chỉ thị của Đảng bộ Thành phố Hà Nội về công tác tiếp quản thành phố Hà Nội, ngày 08/10/1954. (nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).

- Cờ Nhân dân phố Hàng Mắm (Hà Nội) thêu, dùng chào đón bộ đội về giải phóng Thủ đô, ngày 10/10/1954. (Hiện vật gốc của BTLSQG)

2. Việt Bắc hôm nay

Chiến khu Việt Bắc giờ đây đã trở thành một quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Với hệ thống trên 400 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 14 điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt, tập trung nhất là các điểm di tích thuộc ATK - Định Hoá (Thái Nguyên). Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân, là di sản vô cùng quí giá để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trưng bày cũng giới thiệu phim tư liệu: Âm vang ngày Toàn quốc kháng chiến; Việt Bắc- Thủ đô gió ngàn (tập 4) và Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do Đài truyền hình Việt Nam sản xuất.

Thông qua trưng bày góp phần khẳng định và làm sâu sắc thêm vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử ngày Toàn quốc kháng chiến và chiến khu Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn; khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đóng góp của các tầng lớp Nhân dân với cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời giúp công chúng ôn lại những năm tháng kháng chiến anh dũng, vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trưng bày "Việt Bắc- Thủ đô gió ngàn"  khai mạc ngày 16/12/2021, mở cửa đến hết tháng 5/2022, đồng thời giới thiệu online trên website tại địa chỉ baotanglichsu.vn và fanpage: facebook.com/BTLSQG.VNMH.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm tới dự và đưa tin, viết bài về trưng bày.   

BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

Để phục vụ cho công tác lưu trữ thông tin rất mong các phóng viên vui lòng gửi lại bài viết đã đăng trên báo theo địa chỉ: Phòng Truyền thông, Đối ngoại - Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

ĐT: (842.4) 38253518          Email: truyenthongbtlsqg@gmail.com

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2362

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

Phu nhân Chủ tịch Quốc hội Lào thăm quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Phu nhân Chủ tịch Quốc hội Lào thăm quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 08/12/2021 09:11
  • 969

Nhận lời mời của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước CHDCND Lào do đồng chí Xaysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-8/12/2021.