Trong hệ thống bảo tàng thuộc loại hình lịch sử - xã hội của Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu hệ. Đây là một thiết chế văn hoá đặc biệt quan trọng, nhằm bảo tồn, nghiên cứu và giới thiệu một cách đầy đủ, toàn diện tiến trình phát triển của lịch sử, văn hóa dân tộc. Bảo tàng cũng chính là cầu nối giới thiệu, quảng bá di sản văn hoá Việt Nam ra thế giới cũng như giới thiệu các nền văn hóa trên thế giới với công chúng nước nhà.
Với vị thế và vai trò của Bảo tàng đầu hệ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn thể hiện rõ trong quá trình thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, từ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật cho tới trưng bày, diễn giải và quảng bá về lịch sử - văn hóa của Việt Nam. Bề dày tri thức tích lũy hàng thập kỷ đó đã khiến Bảo tàng trở thành một trong những ngân hàng dữ liệu uy tín về lịch sử, văn hóa Việt Nam, là trung tâm kết nối, giới thiệu di sản văn hoá với các bảo tàng trong và ngoài nước. Trong bài viết này, thông qua các hoạt động thực tiễn của bảo tàng, chúng tôi sẽ cung cấp một cái nhìn toàn cảnh, khái quát về vị thế và vai trò của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong hệ thống bảo tàng Việt Nam và trên bình diện quốc tế.
1. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với hệ thống bảo tàng, di tích trong nước
Trước hết, vị thế, vai trò của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thể hiện ngay trong chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng([1]). Theo đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng và di tích trong cả nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực hoạt động chuyên môn: sưu tầm, khai quật khảo cổ học, bảo quản, trưng bày, giáo dục.
Trong quá trình hoạt động thực tiễn, vai trò đầu hệ trong hệ thống bảo tàng Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thể hiện qua một số nội dung sau:
- Về nội dung trưng bày: hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có nội dung bao trùm toàn bộ lịch sử Việt Nam, tức là từ thời Tiền, Sơ sử cho tới thời đại, các thời kỳ cận, hiện đại, giới thiệu từ những dấu vết đầu tiên của con người thời tối cổ cho tới những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước trong thời đại ngày nay. Trong đó, với tư cách bảo tàng quốc gia, hệ thống trưng bày của bảo tàng luôn đảm bảo tính toàn diện, đa dạng, đầy đủ và đại diện trong nội dung và hình thức trưng bày, với những giai đoạn lịch sử, những nền văn hóa thuộc các vùng miền khác nhau, với những sưu tập hiện vật tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất, và cũng là quý hiếm nhất. Chính vì vậy, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không chỉ là một bảo tàng trưng bày về lịch sử đơn thuần, mà còn là nơi thường xuyên được vinh dự đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như các nước trên thế giới khi muốn tìm hiểu về lịch sử - văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Bí mật Đại Dương từ những con tàu cổ” tại BTLSQG ngày 20 tháng 1 năm 2019
- Vai trò đầu hệ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng, di tích cả nước được thể hiện trên một số lĩnh vực tiểu biểu như:
+ Trong lĩnh vực khai quật khảo cổ học: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là bảo tàng duy nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam có chức năng nghiên cứu, khai quật khảo cổ học. Công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học được tiến hành hàng năm với hàng loạt các đợt điều tra, khảo sát và khai quật các di tích khảo cổ học trên phạm vi cả nước, nghiên cứu và sưu tầm hàng ngàn hiện vật các thời kỳ tiền, sơ sử cho đến ngày nay để lưu giữ bảo quản và phát huy giá trị, phục vụ các cuộc trưng bày trong và ngoài nước. Đồng thời, qua đó, cũng cung cấp tư liệu và bổ sung nhận thức mới, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề mang tính “thời sự” về lịch sử - văn hóa dân tộc.
Thực tiễn hoạt động nghiên cứu đã khẳng định vị thế của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng với Viện Khảo cổ học và Trường đại học KHXH&NV Hà Nội là những trung tâm khảo cổ học hàng đầu của cả nước.
Với vai trò đầu hệ và thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng, di tích trên cả nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với các địa phương tiến hành nhiều đợt nghiên cứu và khai quật hệ thống các di tích thuộc các thời kỳ lịch sử, góp phần thiết thực phục vụ việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Các đợt nghiên cứu qui mô lớn, tiêu biểu như: Di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), Di tích Cố đô Huế (tp. Huế), Di tích Hoa Lư (Ninh Bình), Thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), Thành cổ Sơn Tây (Hà Nội), Dương Kinh (Hải Phòng..., đặc biệt là các kết quả nghiên cứu, góp phần tôn vinh hệ thống các di tích ở Hoàng Thành Thăng Long, trên địa bàn thành phố Hà Nội và phụ cận.
Trong những năm gần đây, Bảo tàng còn đẩy mạnh các đợt điều tra, khảo sát và khai quật trên diện rộng và có hệ thống các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh, Champa ở miền Trung hay các di tích thuộc văn hóa Óc Eo ở miền Nam.
BTLSQG Khai quật tại di tích Hữu Vu (Lam Kinh, Thanh Hóa)
+ Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn chú trọng thực hiện đề tài khoa học các cấp. Hàng năm, cán bộ ở các phòng ban chuyên môn của Bảo tàng đã thực hiện từ 3 đến 5 đề tài khoa học cấp Viện, ít nhất 1-2 đề tài cấp Bộ. Nội dung của các đề tài tập trung chủ yếu vào công việc trọng tâm mà bảo tàng đang triển khai, có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn, không chỉ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nói riêng mà còn cho cả hệ thống bảo tàng và ngành di sản nói chung.
Một trong các sản phẩm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học là các ấn phẩm do Bảo tàng xuất bản. Trong những năm gần đây đã có hàng chục đầu sách đã xuất bản, được giới chuyên môn đánh giá cao như: 2000 năm gốm Việt Nam, Cổ vật Việt Nam, Gốm hoa nâu Việt Nam, Gốm sứ thời Thanh tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Cổ vật Long Biên, Cổ ngọc Việt Nam, Trống đồng Đông Sơn: Giá trị lịch sử-nghệ thuật, Cổ ngọc Việt Nam, Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn… Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng xuất bản 2 số/năm cuốn Thông báo Khoa học, cập nhật những thông tin khoa học, những vấn đề trao đổi được giới chuyên môn trong và ngoài nước quan tâm.
+ Trong lĩnh vực bảo quản: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trước đây là hai trong số rất ít những bảo tàng nhận thức sớm nhất về tầm quan trọng của công tác bảo quản, trong đó Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là đơn vị đầu tiên thành lập phòng chuyên môn nghiên cứu và thực hiện công tác bảo quản hiện vật từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Trên cơ sở đó, ngay sau khi thành lập, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã luôn quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác bảo quản. Cho đến nay, ngoài Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có thể nói Bảo tàng Lịch Quốc gia vẫn là bảo tàng duy nhất có phòng chuyên môn độc lập chuyên trách về bảo quản và là một trong không nhiều những đơn vị đứng đầu ngành bảo tàng Việt Nam về công tác bảo quản.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được coi là một trung tâm nghiên cứu, bảo quản phục chế hiện vật của cả nước, là địa chỉ tin cậy cho các bảo tàng địa phương mỗi khi cần bảo quản, phục chế hiện vật. Rất nhiều hiện vật đã kịp thời xử lý khoa học trên cơ sở tiếp cận và ứng dụng khoa học hiện đại nhất về bảo quản hiện nay qua chương trình phối hợp với các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan… Các chất liệu như giấy, gỗ, vải đã được bảo quản thành công bước đầu theo đúng tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảo tàng Thế giới (ICOM) yêu cầu. Đây vốn là vấn đề nan giải bấy lâu nay của giới bảo quản hiện vật bảo tàng trong điều kiện môi trường khí hậu nóng ẩm như nước ta. Kết quả nghiên cứu bảo quản đang từng bước ứng dụng, chuyển giao để có thể nhân rộng ra các bảo tàng địa phương thời gian tới.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã làm tốt vai trò đầu mối, tư vấn, hướng dẫn, điều phối của mình, góp phần tích cực và quan trọng trong việc kết nối, nâng cao nghiệp vụ bảo quản trong các bảo tàng, di tích Việt Nam. Nhiều khóa tập huấn về bảo quản đã được Bảo tàng đứng ra tổ chức, thu hút đông đảo các cán bộ từ các bảo tàng, di tích trong cả nước tham gia. Bên cạnh đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn tư vấn và thực hiện tu sửa, bảo quản hiện vật (thuộc nhiều chất liệu khác nhau) nhiều bảo tàng (cả công lập và tư nhân), di tích trong cả nước đạt kết quả tốt, ví dụ như: Bảo tàng Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
+ Trong lĩnh vực trưng bày: Bên cạnh việc trưng bày, phát huy giá trị các sưu tập tài liệu, hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn phối hợp với các bảo tàng, di tích địa phương tổ chức các trưng bày chuyên đề, nhằm giới thiệu di sản, tư vấn chuyên môn đồng thời thông qua đó nâng cao trình độ cán bộ của các bảo tàng, di tích địa phương khi được tham gia, trao đổi, học hỏi. Trên cơ sở bề dày hoạt động hơn 60 năm qua từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay, đã phối hợp tổ chức trưng bày với hầu hết các bảo tàng, di tích trên cả nước. Đặc biệt, có những cuộc trưng bày chuyên đề mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì với sự tham gia của nhiều bảo tàng địa phương, tiêu biểu như: trưng bày chuyên đề đặc biệt Văn hóa Óc Eo năm 2002, nhân kỷ niệm 60 năm phát hiện, nghiên cứu Văn hóa Óc Eo (1942 - 2002) với sự tham gia của 9 bảo tàng phía Nam (An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tp. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tp. Hồ Chí Minh) và chuyên đề đặc biệt Văn hóa Đông Sơn, năm 2004, nhân kỷ niệm 80 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924 - 2004), với sự phối hợp, tham gia của 8 bảo tàng phía Bắc (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tây (cũ), Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai).
Các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” tại BTLSQG ngày 18 tháng 11 năm 2020
Việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày cũng được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chú trọng. Với nhận thức rằng việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày và giới thiệu trưng bày là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại, từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ với nhiều hình thức khác nhau trong hoạt động bảo tàng và trở thành bảo tàng đi đầu trong ứng dụng công nghệ, nhất là trong hoạt động giới thiệu trưng bày, như: hệ thống thuyết minh tự động (audio guide), bảo tàng ảo 3D, trải nghiệm, tương tác tìm hiểu lịch sử bằng công nghệ và năm 2020 tiếp tục thử nghiệm các ứng dụng QR code, AR (Augmented Reality - thực tế ảo tăng cường). Trong quá trình phát huy, Bảo tàng cũng đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng và đồng nghiệp về sự phù hợp với xu hướng phát triển của các bảo tàng hiện đại. Trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đã có những tư vấn chuyên môn cho một số bảo tàng, di tích trong việc lập kế hoạch và triển khai công việc này.
Khách tham quan sử dụng máy thuyết minh tự động (audio guide) giới thiệu trưng bày tại BTLSQG, tháng 4/2021
+ Trong lĩnh vực giáo dục và truyền thông: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã từng bước phát triển, đa dạng hóa hoạt động giáo dục, trong đó các chương trình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, Giờ học lịch sử đã trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và ngày càng thu hút thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh và các nhóm trẻ em đi theo gia đình. Số buổi sinh hoạt tăng nhanh hàng năm đã thể hiện rõ điều đó.
BTLSQG phối hợp với Bảo tàng Nghệ An tổ chức chương trình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Ký ức thời Hoa lửa” tại Bảo tàng Nghệ An, ngày 15 tháng 9 năm 2020
Các chương trình giáo dục không chỉ mang lại hiệu quả hoạt động, thu hút khách tham quan mà trên cơ sở kết quả đạt được, hiệu ứng tích cực từ các chương trình đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn phối hợp triển khai tại nhiều bảo tàng, di tích trên cả nước: Lạng Sơn, Bắc Giang, Điện Biên, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo)... Qua các chương trình, hoạt động cụ thể, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ bảo tàng, di tích địa phương cũng như nhân rộng mô hình hoạt động đồng thời cán bộ hai bên còn được giao lưu, trao đổi, học hỏi nhằm giúp phát triển cho hoạt động giáo dục ở các bảo tàng địa phương, qua đó cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho các cán bộ giáo dục Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
2. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với các bảo tàng, cơ quan nghiên cứu trong khu vực và thế giới
Với tư cách là bảo tàng quốc gia của Việt Nam, trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của mình, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế với nhiều bảo tàng, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức quốc tế về các lĩnh vực của bảo tàng, như nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, xuất bản, bảo quản, trưng bày, đào tạo...
- Về lĩnh vực khai quật khảo cổ học và xuất bản: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đẩy mạnh các chương trình hợp tác trên lĩnh vực trao đổi nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, xuất bản tiêu biểu như: với Trung Quốc (Viện Khảo cổ học và Bảo tàng khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây), Viện Khảo cổ học Tứ Xuyên, Viện Khảo cổ học Thiểm Tây và tới đây sẽ là Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng Thủ đô Bắc Kinh…); với Hàn Quốc (Bảo tàng Quốc gia và Viện Di sản văn hóa Biển); với Nhật Bản (Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Đông Á, Đại học Tokyo, Đại học Saitama, Bảo tàng Kyushu)... Trọng tâm phối hợp nghiên cứu chủ yếu là giai đoạn hình thành nhà nước sơ khai ở Việt Nam cách ngày nay khoảng 2000 năm trong trào lưu chung của khu vực Châu Á và di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam - Hàn Quốc - Nhật Bản. Kết thúc mỗi đợt nghiên cứu, khai quật, Bảo tàng đã xây dựng các hồ sơ khoa học cho các di tích và di vật, từng bước tiến hành các hoạt động tiếp theo như xác định nội dung cho trưng bày; lập hồ sơ khoa học cho công tác kiểm kê, đánh giá và bảo quản, hội thảo, hội nghị, xuất bản ấn phẩm: Trống đồng Đông Sơn; Di chỉ Mả Tre (Đông Anh - Hà Nội); Di chỉ Đình Tràng (Đông Anh - Hà Nội); Di sản tàu đắm trên vùng biển Việt Nam; Thuyền truyền thống; Thương cảng cổ Việt Nam…
- Về lĩnh vực bảo quản hiện vật: trong những năm qua, Bảo tàng đã mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực bảo quản hiện vật: trao đổi tài liệu, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ bảo quản như: Phái đoàn Wallonie Bruxelles (Bỉ), Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản...
Với vị thế và bề dày kinh nghiệm hoạt động, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp lựa chọn là đối tác chính trong 2 giai đoạn liên tục (2011-2015) của dự án hợp tác với Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp trên cở sở tiếp tục những chương trình hợp tác với Tổ chức thúc đẩy giáo dục và đào tạo ở nước ngoài của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (APEEF) từ năm 2004 về lĩnh vực bảo quản hiện vật bảo tàng với mục đích là nâng cao khả năng bảo quản, phục chế và bảo vệ các di sản văn hóa vật thể cho các cán bộ ngành bảo tàng Việt Nam. Nhiệm vụ cụ thể của các chương trình hợp tác là: chuyển giao kinh nghiệm và kiến thức về bảo quản thông qua việc tổ chức các khoá đào tạo thực tiễn; phát triển bền vững nghề cán bộ bảo quản, đạo đức nghề nghiệp và đào tạo chuyên ngành tạo tiền đề cho việc hình thành Trung tâm Bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Đặc biệt, với giúp đỡ của Bảo tàng Kuyshu, quỹ Sumitomo đã dành 6 năm tài khóa liên tiếp tài trợ cho việc bảo quản 3 hiện vật có giá trị lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với số tiền lên tới hơn 24 triệu Yên (tương đương khoảng 4,8 tỷ đồng Việt Nam). Ý nghĩa của việc tài trợ này không chỉ dừng lại ở những hiện vật được bảo quản tu sửa đạt kết quả tốt, mà còn là cơ hội cho các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được học tập nâng cao trình độ trong quá trình làm việc với các chuyên gia Nhật Bản.
Chuyên gia Nhật Bản tu bổ, bảo quản tương Phật tại BTLSQG trong khuôn khổ dự án do quĩ Sumitomo tài trợ
Cán bộ BTLSQG làm việc cùng chuyên gia Nhật tu bổ tượng Phật trong khuôn khổ dự án do quĩ Sumitomo tài trợ
- Về lĩnh vực trưng bày: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn là đầu mối, chủ trì trong việc hợp tác (chủ yếu là hợp tác song phương) với các bảo tàng nước ngoài trong việc tổ chức các trưng bày đặc biệt tại các bảo tàng trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, từ năm 2011 (sau khi sáp nhập 2 bảo tàng, hình thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Bảo tàng đã tổ chức 07 cuộc trưng bày tại các bảo tàng ở các quốc gia khác nhau, tiêu biểu như: Báu vật Phương Đông (BT Quảng Tây, Trung Quốc) năm 2011, Việt Nam - câu chuyện vĩ đại (Bảo tàng Kyusu, Nhật Bản) năm 2013, Văn hóa Đông Sơn (Bảo tàng quốc gia Malaysia) năm 2014, Buổi bình minh trên sông Hồng - các nền văn hóa cổ Việt Nam (BTQG Hàn Quốc, BTQG Jeju, Bảo tàng quốc gia Naju, Hàn Quốc) năm 2014, Rồng bay - Nghệ thuật cung đình Việt Nam (Bảo tàng Guimet, CH Pháp) năm 2014, Báu vật Khảo cổ học Việt Nam(Bảo tàng Khảo cổ học bang Westfalen tại Herne, Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz tại Chemnitz, Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim, Cộng hòa Liên bang Đức) năm 2016 - 2018, Những nền văn hóa cổ Việt Nam (Bảo tàng Hemitage, Saint Peterburg, CHLB Nga) năm 2019.
Công chúng tham quan phòng trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Bảo tàng Riess - Engelhorm thành phố Mannheim thuộc bang Baden-Wurttemberg, Đức ngày 15 tháng 9 năm 2017
Trong đó, cuộc trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” được tổ chức tại 3 bảo tàng ở Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù còn chưa thực sự được chủ động trong việc quyết định về nội dung và cách thức tổ chức trưng bày, nhưng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã thể hiện rõ vai trò đầu mối kết nối các bảo tàng, di tích trong nước với các bảo tàng ở Đức (Viện Goethe tại Hà Nội là đầu mối) và đã đạt kết quả tốt đẹp. Với hơn 400 hiện vật đặc sắc, đây là lần đầu tiên, một trưng bày có quy mô lớn, số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển lựa từ các bảo tàng, di tích trải dài từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam đã tham gia trưng bày chuyên đề đặc biệt này (Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, Bảo tàng tỉnh Bình Dương, Bảo tàng tỉnh Phú Thọ, Bảo tàng Tổng hợp Đồng Tháp, Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn). Cuộc trưng bày không chỉ còn giới hạn ở một sự kiện hợp tác giao lưu văn hóa, giới thiệu di sản bình thường mà theo đánh giá của ngài Wilfied Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe khi sang nhậm chức năm 2017 (và đến làm việc với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) thì đó còn là “lấp lỗ hổng” cho sự hiểu biết về Việt Nam của công chúng Đức nói riêng và người châu Âu nói chung. Theo ông, việc hợp tác trưng bày giới thiệu di sản, văn hóa nói riêng, các hoạt động hợp tác nói chung cần tiếp tục đẩy mạnh và thường xuyên hơn nữa. Nhận thức được đây là dịp hiếm hoi để tổ chức một cuộc trưng bày với sự góp mặt của nhiều hiện vật quý hiếm từ nhiều bảo tàng, di tích trên cả nước, vì vậy, sau trưng bày thành công ở Đức, chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” đã được điều chỉnh và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để tiếp tục phát huy, giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước.
- Trong công tác đào tạo: Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã hợp tác với các bảo tàng và tổ chức quốc tế tổ chức nhiều khoá đào tạo bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi về nghiên cứu học thuật, khảo cổ, bảo quản, trưng bày, giáo dục ở trong và ngoài nước. Theo đó, nhiều lượt cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và bảo tàng trong cả nước đã được tham gia. Qua đó cán bộ được nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Với vai trò là đại diện cho quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tham gia các tổ chức, hiệp hội khu vực và quốc tế như ICOM, ANMA, SEAMEO SPAFA…, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn tham gia đầy đủ, có trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng tổ chức và luôn đảm bảo tôn chỉ, mục tiêu hoạt động của các tổ chức. Đồng thời, hàng năm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thường xuyên tham gia nhiều hội thảo quốc tế về các lĩnh vực liên quan như: nghiên cứu học thuật, khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản và nghiệp vụ bảo tàng (bảo quản, quản lý hiện vật, trưng bày, giáo dục, truyền thông…) và đều được ban tổ chức hội thảo đánh giá cao ý thức tích cực, chủ động, trách nhiệm, chất lượng báo cáo của các cán bộ chuyên môn Bảo tàng Lịch sử quốc gia khi tham gia hội thảo.
3. Định hướng trong thời gian tới
Để có thể đảm nhiệm tốt vị thế, vai trò của mình trong hệ thống bảo tàng trong nước và quốc tế, thời gian tới đây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cần thực hiện tốt một số định hướng cơ bản sau:
- Thống nhất đổi mới hoạt động trưng bày (về cả nội dung và hình thức cũng như cách thức tổ chức trưng bày) xứng tầm một bảo tàng quốc gia. Sự chia cắt về nội dung, xuống cấp của cơ sở vật chất, điều kiện trưng bày cần được khắc phục sớm trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học và có tầm nhìn để xây dựng, phát triển Bảo tàng Lịch sử quốc gia xứng tầm vị thế, vai trò một bảo tàng đầu ngành, bảo tàng quốc gia.
- Tăng cường vai trò đầu hệ, đầu mối cũng như thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các bảo tàng, di tích địa phương, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng công lập và ngoài công lập…
- Đẩy mạnh hoạt động tổ chức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, đoàn cấp cao của Đảng và Nhà nước. Chủ động kết nối, phối hợp với các cơ quan hữu quan (Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và các Bộ, Ban, Ngành trung ương…) thiết lập/xây dựng các chương trình tham quan, trao đổi tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho các nguyên thủ quốc gia, đoàn cấp cao trong các chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
- Tăng cường vai trò là cầu nối, địa chỉ giao lưu văn hóa trong và ngoài nước: qua trưng bày, các chương trình giao lưu văn hóa. Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ trưng bày, giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam mà còn là nơi giới thiệu văn hóa các nước trong khu vực và thế giới tới công chúng trong và ngoài nước. Trước hết là trưng bày về ASEAN, nội dung trưng bày quan trọng mà hầu hết các bảo tàng quốc gia ở các nước trong khu vực đều cần thiết thể hiện. Tiến tới, từng bước đưa di sản văn hóa ở các nước vào trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các bảo tàng, di tích địa phương ở Việt Nam./.
Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG
[1] Quyết định số 3192/QĐ-BVHTTDL ngày 24 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.