Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tham gia trưng bày hiện vật và phục vụ thuyết minh Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tại sảnh tầng 1 Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội).
Tham dự Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” sáng ngày 24/11/2021 có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo các đại biểu về dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan Triển lãm
Với 320 hình ảnh, 123 hiện vật, tài liệu quý, Triển lãm giới thiệu các nội dung: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.
Là đơn vị phối hợp thực hiện, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham gia 36 hiện vật giới thiệu văn hóa trong kháng chiến (chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 1945-1975), trong đó có những hiện vật quí như: Đề cương Văn hóa Việt Nam (1949), Thư Bác Hồ gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm Hội họa (12/1951)...đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự.
Mỗi hiện vật trưng bày, giới thiệu trong Triển lãm đều chứa đựng những thông tin, câu chuyện, giá trị lịch sử, phản ánh đóng góp, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong giai đoạn lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tiêu biểu và điểm nhấn của triển lãm là Đề cương văn hóa được đăng trên Tạp chí Tiên Phong - Cơ quan vận động văn hóa của Hội Văn hóa Cứu quốc, số 1 ra ngày 10/11/1945 và
Sách “Đề cương văn hóa” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lịch sử vận động văn hóa của Đảng. Sách thuộc loại tài liệu nghiên cứu, do Ban Huấn luyện Trung ương trong Bộ Tuyên huấn Trung ương ấn hành năm 1949.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan hiện vật của BTLSQG trong Triển lãm
Đặc biệt, cùng với các phụ đề (thể hiện những thông tin giới thiệu chung), từng hiện vật được giới thiệu trong triển lãm, còn được gắn mã QR để khách tham quan tự quét mã và tìm hiểu thêm thông tin chi tiết, câu chuyện lịch sử gắn với hiện vật.
Một số hiện vật quý của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày tại Triển lãm:
“Đề cương Văn hóa” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đăng trên Tạp chí Tiên Phong,
số 1 ra ngày 10/11/1945
Bức tượng "Chân dung Bác Hồ", tác phẩm được nhà nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim trực tiếp sáng tác
khi Bác đang làm việc tại Bắc Bộ phủ năm 1946.
Đũa nhạc trưởng- Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc ''Kết đoàn" tại buổi dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) do Đoàn thanh niên Lao động tổ chức tại vườn Bách Thảo - Hà Nội, ngày 3/9/1960.
Đài Sony - các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Côn Đảo dùng để nghe tin Sài Gòn giải phóng trong
ngày 30/4/1975
Máy đánh chữ của ông Nguyễn Thiệu Minh dùng trong thời gian ông là thư ký của
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám (thời kỳ 1961-1975).
Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, một lần nữa, khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa - văn hóa là ngọn đuốc soi đường, là cội nguồn sức mạnh, dẫn lối cho dân tộc ta đi đến những thắng lợi. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập, văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bềnvững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Ngọc Anh