Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/11/2021 14:12 1757
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chiều 19/11/2021, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã diễn ra Lễ trao tặng áo dài ngũ thân truyền thống của các nghệ nhân cho 7 bảo tàng, đó là: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Đây là sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống (Trung tâm) - Câu lạc bộ (CLB) Đình làng Việt tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 24/11/2021. Ban tổ chức mong muốn, những tấm áo này phần nào sẽ hỗ trợ các bảo tàng trong việc trưng bày, quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam hiệu quả nhất.

Mười hai bộ áo dài truyền thống được trao tặng các bảo tàng là sản phẩm thủ công, được các thành viên Trung tâm và các nghệ nhân phối hợp nghiên cứu, chọn lựa và thể hiện là những bộ thường phục áo ngũ thân tay chẽn theo phong cách trang phục áo thời Nguyễn. Mỗi bộ trang phục có một đặc điểm chất liệu, kỹ thuật dệt, may riêng, mang dấu ấn của từng người thợ. Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống - CLB Đình làng Việt đã vận động các nghệ nhân hiến vải, dành công may áo dài ngũ thân truyền thống để trao tặng các bảo tàng. Qua đó nhằm quảng bá, gìn giữ nét văn hóa, nét đẹp của tà áo dài, đồng thời góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

 

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam thay mặt cho chủ nhân hiện vật, KTS. Ngô Trần Thiện Toàn trao tặng hiện vật Áo dài ngũ thân tay chẽn cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Áo dài ngũ thân truyền thống mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận do Kiến trúc sư Ngô Trần Thiện Toàn, Việt kiều Australia hiến tặng. Vì điều kiện dịch COVID-19, chủ sở hữu hiện vật không thể tham dự, trao trực tiếp hiện vật, do đó, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã thay mặt trao chiếc áo dài cho BTLSQG. Đây là chiếc áo dài nam đã được trưng bày tại triển lãm “Trang phục truyền thống các nước ASEAN” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào tháng 10/2020, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch phối hợp với Đại sứ quán các nước ASEAN tổ chức nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Cộng đồng  ASEAN (2015 - 2020) và là năm Việt Nam vinh dự đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Kiến trúc sư Ngô Trần Thiện Toàn là Việt kiều đã có nhiều năm sinh sống và làm việc tại đất nước Australia. Anh Toàn có cơ duyên biết đến áo dài ngũ thân truyền thống, rất say mê với nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc nên đã mua bộ áo dài với dự định để giữ gìn làm kỷ niệm trong chuyến hồi hương. Nhưng anh quyết định tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia với mong muốn Bảo tàng lưu giữ và phát huy hết giá trị  của tà áo dài ngũ thân truyền thống. Ghi nhận đóng góp của chủ sở hữu hiện vật, đại diện BTLSQG, bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng, đã trao Giấy chứng nhận hiến tặng hiện vật cho Kiến trúc sư Ngô Trần Thiện Toàn. Một nghệ nhân, thành viên của Trung tâm thay mặt chủ nhân đã tiếp nhận Giấy chứng nhận tại buổi lễ.

 
Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia tặng hoa và trao Giấy chứng nhận hiến tặng hiện vật cho đại diện của Trung tâm, một nghệ nhân may áo dài ngũ thân truyền thống.
Áo dài ngũ thân sa kép nam truyền thống của Kiến trúc sư Ngô Trần Thiện Toàn do nghệ nhân Trần Nguyễn Trung Hiếu (thành phố Hồ Chí Minh) may thủ công, chất liệu lụa La Khê (Hà Đông) và được may hai lớp, gồm: lớp bên ngoài màu đen, trang trí hồi văn, thủy ba (sóng nước) và đề tài "ngũ Phúc" (5 hình dơi bao quanh chữ Thọ), lớp lót bên trong màu trắng.  Hàng cúc áo (gồm 5 cúc) chạy theo vạt bên phải, phía trước, dọc từ cổ  xuống eo. Ống tay được may nhỏ gọn hơn ống tay của áo tấc, áo giao lĩnh nên áo có tên gọi là áo ngũ thân tay chẽn. Kỹ thuật may áo đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, tinh tế. Sự tinh tế thể hiện trên kỹ thuật may như ghép hoa văn chỗ sống áo thật khớp, đường kim thẳng, nhỏ, đều, có chỗ được giấu kín không thấy đường chỉ khâu. Đường tà lượn, chân vạt áo có đường cong hình cánh cung rất sống động. Về mỹ thuật, các đặc điểm tạo hình tà, cổ, khuy, tay áo đều được tính toán rất kỹ lưỡng vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa phù hợp với công năng sử dụng. Trong các công đoạn may áo dài ngũ thân, công đoạn định hình của chiếc áo là công đoạn phức tạp nhất, bởi khi chiếc áo hoàn thiện, những nét đẹp, xấu, cơ bản đều do công đoạn này mà ra. Kiểu dáng, kết cấu áo là yếu tố quan trọng tạo phong thái trang nghiêm, đĩnh đạc cho người nam giới.
 

Đại diện các bảo tàng, các nghệ nhân và thành viên CLB Đình làng Việt chụp ảnh lưu niệm

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hình ảnh trang phục áo dài truyền thống đang mất dần, thay thế bằng các loại trang phục cách tân, may, mặc xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó trang phục áo dài truyền thống có nguy cơ bị xóa nhòa.

Vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những chương trình, hoạt động, hành động cụ thể nhằm bảo vệ, phát huy giá trị áo dài Việt Nam, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... đã tổ chức nhiều hoạt động hội thảo, triển lãm nhằm quảng bá và bảo tồn áo dài. Và sự kiện trao tặng áo dài truyền thống cho các bảo tàng do Trung tâm, CLB Đình làng Việt tổ chức nhân dịp Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần này rất có ý nghĩa trong chuỗi hoạt động đó.

Hiện nay, đông đảo người Việt Nam trong và ngoài nước mong mỏi áo dài sớm được tôn vinh đúng giá trị của nó, Nhà nước sớm công nhận trang phục này là Quốc phục - biểu tượng văn hóa quốc gia.

Minh Lý

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2945

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác