Hội nghị Bảo tàng ASEAN 2021 với chủ đề: “Cách thức thể hiện các lĩnh vực bảo tàng trong thời kỳ đại dịch: Giáo dục Bảo tàng; Trưng bày và các chương trình dành cho công chúng trong điều kiện bình thường mới”, do Bảo tàng Quốc gia Philippin tổ chức, theo hình thức trực tuyến, từ ngày 26 đến ngày 28/10/2021.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến
Tham dự Hội nghị gồm 30 thành viên có bài thuyết trình, là các chuyên gia trong các lĩnh vực bảo tàng thuộc các quốc gia thành viên ASEAN như: Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, và một số diễn giả đến từ Anh, Mỹ và Nhật Bản. Về phía Việt Nam có hai Bảo tàng tham dự là Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham dự với bài thuyết trình:“Ứng dụng công nghệ vào giới thiệu và phát huy những bộ sưu tập và trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong bối cảnh Đại dịch COVID -19 và trong điều kiện bình thường mới”, bao gồm các sản phẩm: Bảo tàng ảo (3D), Tham quan trực tuyến, Giờ học lịch sử trực tuyến và App thuyết minh tự động.
Ths. Nguyễn Thị Định, Phó Trưởng Phòng Giáo dục, Công chúng - BTLSQG thuyết trình tại Hội nghị trực tuyến
Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (26 - 28/10/2021), các thành viên tham dự lần lượt trình bày tham luận. Sau ba hoặc bốn bài trình bày là một phiên thảo luận. Trong đó, các khách mời cũng như các thành viên có thể đặt câu hỏi cho các diễn giả vừa có bài trình bày và cùng nhau thảo luận.
Phiên thảo luận của diễn giả với thành viên tham dự
Các bài thuyết trình cũng như nội dung thảo luận được tập trung vào vấn đề các bảo tàng đã làm gì trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi mà bảo tàng phải đóng cửa do giãn cách xã hội. Một số bảo tàng, di tích thì tập trung trùng tu, tu sửa, cải tạo (như Angkor Wat), có bảo tàng thì tập trung đào tạo nhân lực, có bảo tàng thì tích cực thu thập các thông tin về COVID (như Bảo tàng ở Anh) để tư liệu hóa và sau này sẽ xây dựng thành một trưng bày... Đa số các bảo tàng đầu tư, sử dụng công nghệ vào các hoạt động của mình, trong đó có các hoạt động đào tạo, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ (tọa đàm, hội thảo); phục vụ công chúng với hình thức phổ biến là trưng bày ảo (tham quan trưng bày 3D với tương tác tự tế ảo), giới thiệu trưng bày trực tuyến tuyến cùng với thuyết minh tự động (bao gồm hình ảnh, nội dung text giới thiệu và thuyết minh tự động)…
Hội nghị đã tạo cơ hội cho các bảo tàng, di tích trong khối ASEAN và một số quốc gia khác chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về các hoạt động thực tiễn cũng như chiến lược trong tương lai nhằm duy trì các hoạt động của bảo tàng, đặc biệt là các hoạt động dành cho công chúng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và trong điều kiện bình thường mới.
Nguyễn Định