Để thích ứng với bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với việc duy trì các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm nguyên tắc vừa phòng chống dịch vừa giới thiệu những di sản văn hóa tới công chúng một cách hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chủ động điều chỉnh hướng đi trên cơ sở tích hợp và đa dạng hóa các hoạt động. Việc tích hợp các hoạt động thường xuyên với tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách tham quan.
1. Những hoạt động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19
- Hoạt động trưng bày: là một trong những hoạt động chuyên môn bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Trong điều kiện khách không thể tham quan trưng bày, bảo tàng đã có những thay đổi về hình thức trưng bày phù hợp để tiếp cận với khách tham quan, nhất là đối với các trưng bày chuyên đề, đó là: kéo dài thời gian trưng bày chuyên đề, đến khi dịch bệnh được kiểm soát, khách tham quan trở lại tiếp tục phục vụ khách. Đồng thời, bảo tàng cũng chuyển hướng xây dựng trưng bày online, cụ thể là 02 chuyên đề: “Di tích Bãi Cọi- nơi gặp gỡ các nền văn hóa” và “Đảng Cộng sản Việt Nam - từ Đại hội đến Đại hội”. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, kinh nghiệm thực hiện xây dựng Bảo tàng ảo 3D giới thiệu một số trưng bày chuyên đề và hệ thống trưng bày thường trực đã được thực hiện từ năm 2013, bảo tàng đang tiếp tục nghiên cứu, cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng trưng bày chuyên đề mới, đó là trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng LSQG”. Bên cạnh đó, Bảo tàng tiếp tục cập nhật nội dung, công nghệ, xây dựng hoàn thiện Bảo tàng ảo 3D toàn bộ hệ thống trưng bày thường trực và đăng trên Website để giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng.
- Hoạt động giáo dục, công chúng: Là hoạt động có sự điều chỉnh và nhiều đổi mới cả trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng nhất cũng như trong trạng thái bình thường mới.
+ Hoạt động giáo dục: Do hệ thống trưng bày phải đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội, hoặc lúc bảo tàng mở cửa trở lại nhưng đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, hạn chế tập trung đông người nên số lượng khách giảm mạnh. Tuy nhiên, số lượng khách giảm chủ yếu tập trung vào đối tượng khách nước ngoài (thường chiếm khoảng trên 60% tổng lượng khách tham quan bảo tàng), còn đối tượng khách trong nước nhất là đối tượng học sinh, sinh viên bắt đầu tăng trở lại nên các hoạt động phục vụ khách tham quan vẫn được diễn ra bình thường. Tổng số khách tham quan 3 tháng đầu năm 2021 là: 3.900 lượt/người. Trong đó, khách có hướng dẫn là 119 đoàn (3.691 lượt/người); Tổ chức 41 buổi Giờ học Lịch sử tại bảo tàng cho 1.904 học sinh. Để bảo đảm phục vụ rộng rãi đáp ứng nhu cầu của tất cả các đối tượng khách tham quan, bên cạnh việc duy trì hoạt động dành cho khách đến bảo tàng, bảo tàng còn tổ chức nghiên cứu, xây dựng các chương trình Giờ học Lịch sử online (tính từ tháng 7/2020 đến hết năm 2020, bảo tàng đã tổ chức 88 buổi Giờ học lịch sử online cho 1.370 học sinh, trong đó có cả trẻ em sinh sống tại nước ngoài). Trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, trong quí I/2021, tiếp tục tổ chức 26 buổi học Giờ học Lịch sử online cho 450 học sinh, gồm các đối tượng học sinh lớp 3, 4, 5.

Giờ học lịch sử online của BTLSQG
+ Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia:
Xây dựng hệ thống thuyết minh tự động (audioguide) 3 thứ tiếng Việt - Anh - Hàn Quốc, mã QR code giới thiệu trưng bày thường trực: Từ năm 2014, bảo tàng đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động giới thiệu hệ thống trưng bày thường trực phục vụ khách tham quan. Với tính ưu Việt của thiết bị (đặc biệt là với nhiều ngôn ngữ được biên dịch, cài đặt) đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hướng dẫn của khách tham quan. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, trên cơ sở đánh giá hiệu quả cũng như thực tiễn nhu cầu sử dụng thiết bị của khách tham quan, bảo tàng đang tiếp tục biên tập, cập nhật, bổ sung nội dung cho phù hợp, đồng thời đa dạng ứng dụng công nghệ (thiết bị cầm tay, quét mã QR code bằng điện thoại thông minh smartphone) để đáp ứng nhu cầu của khách.
Xây dựng Không gian trải nghiệm: từ năm 2016, để đa dạng hoá hoạt động phục vụ công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu, xây dựng Không gian khám phá dành cho khách tham quan. Mặc dù với diện tích, cơ sở vật chất còn hạn chế, bảo tàng cũng đã cố gắng triển khai một số hoạt động trải nghiệm, khám phá gắn với nội dung và tài liệu, hiện vật trưng bày của bảo tàng từ thời Tiền sử đến nay với 2 hình thức trải nghiệm đó là: trải nghiệm vật lý (xâu hạt chuỗi thời Tiền sử; dập hoa văn; in tranh Đông Hồ, tranh cổ động...) và trải nghiệm công nghệ (tìm hiểu trống đồng Ngọc Lũ). Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, để tăng cường đa dạng hóa hoạt động đồng thời chuẩn bị những sản phẩm phục vụ, thu hút khách tham quan khi tình hình dịch bệnh ổn định, khách tham quan quay trở lại, bảo tàng đã tiếp tục phối hợp với công ty công nghệ nghiên cứu, cập nhật thành tựu công nghệ hiện đại để xây dựng Không gian trải nghiệm (tại khu sân vườn phía Đông Bảo tàng) dành cho công chúng. Nội dung trải nghiệm sẽ giới thiệu những hiện vật, sưu tập hiện vật đặc sắc hoặc những trưng bày chuyên đề nhưng được thể hiện bằng ứng dụng công nghệ hiện đại (360 độ, ảo 3D/4D…) với mục tiêu mang lại cho khách tham quan một cách tiếp cận mới lạ, cũng như hiểu sâu sắc hơn những hiện vật lưu giữ, trưng bày trong bảo tàng. Đây là hoạt động cần thiết ở mỗi bảo tàng bởi tính hấp dẫn, phù hợp với xu thế và hội nhập, đáp ứng nhu cầu khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ.
+ Xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững: Nhằm khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Lữ hành Hà Nội và Câu lạc bộ Du lịch Bền vững VGREEN tổ chức hàng loạt chương trình VGREEN CARAVAN. Đây là hình thức đi du lịch theo các nhóm nhỏ bằng xe tự lái, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị trên các cung đường đồng thời lại rất an toàn phù hợp với bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn. Với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm đưa ra các giải pháp xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng, khác biệt và bền vững, dựa trên nền tảng giá trị lịch sử, văn hóa, tạo cho doanh nghiệp lợi thế thúc đẩy nhu cầu du lịch khi mà kinh tế và đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Như vậy, vai trò của các doanh nghiệp du lịch hết sức quan trọng trong việc phát triển và tạo ra những sản phẩm khác biệt, từ đó dễ dàng chuyển tải những giá trị lịch sử, văn hóa tới du khách một cách nhẹ nhàng, cuốn hút và lan tỏa. Với định hướng đó thì Bảo tàng Lịch sử quốc gia là địa chỉ đỏ được lựa chọn làm đối tác đầu tiên của doanh nghiệp lữ hành bởi nơi đây lưu giữ một khối lượng di sản lớn và vô cùng phong phú, trong đó có nhiều Bảo vật quốc gia và các sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm. Trên nền những kiến thức lịch sử, văn hóa mà du khách được trang bị ngay từ bảo tàng, góp phần giúp cho hành trình du lịch thú vị và sâu sắc hơn tại các điểm tham quan tiếp theo. Sau gần 2 tháng phối hợp, nghiên cứu, khảo sát và xây dựng chương trình, nội dung, trong quí I và đầu quí II/2021, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã triển khai nghiên cứu xây dựng nội dung thuyết minh và các hoạt động trải nghiệm “Một giờ làm dân công”, “Hóa thân thành người Tiền sử” cho tour “VGREEN CARAVAN Tây Bắc - Mùa Ban nở”, khởi hành từ BTLSQG vào ngày 12 hàng tháng. Tiếp theo đó là xây dựng nội dung thuyết minh và trải nghiệm cho tour “Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất Tổ”, đã được triển khai trước và trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch, 2021). Hiện nay, tour “Caravan Nam Định – Hành trình khai phá đất Sơn Nam” cũng đang được triển khai, lập kế hoạch xây dựng nội dung, chương trình... Đặc biệt là city tour “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” được triển khai vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Đây là tour du lịch kết nối các điểm tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia – Nhà hát lớn Hà Nội – Di tích lịch sử Bắc Bộ Phủ mà nội dung tham quan, trải nghiệm được tích hợp giới thiệu giá trị kiến trúc với giá trị lịch sử, văn hóa. Điểm độc đáo của tour này là sự kết nối 3 điểm tham quan, giúp du khách có cái nhìn tổng quan, nhận diện và so sánh để thấy được giá trị nổi bật của các công trình kiến trúc, phong cách kiến trúc, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây đầu thế kỷ 20, đồng thời kết nối các sự kiện, hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Nhà Hát lớn hay Di tích lịch sử Bắc Bộ phủ không chỉ dưới góc độ kiến trúc mà còn là sự kiện lịch sử tạo nên bức tranh toàn cảnh nhằm giúp du khách hiểu sâu sắc hơn cũng như những trải nghiệm mới trong tour tham quan.

Ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG và ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, kiêm Chủ tịch CLB Du lịch Bền vững VGreen ký kết biên bản hợp tác trong hoạt động tổ chức Tour du lịch, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ngày 12/3/2021

Đoàn xe du lịch Caravan Tây Bắc - Mùa Ban nở khởi hành từ BTLSQG ngày 12/3/2021
- Hoạt động truyền thông: Do dịch COVID-19 kéo dài và hạn chế tập trung đông người, vì thế hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh của bảo tàng thông qua các cơ quan thông tấn báo chí vẫn được thực hiện nhưng số lượng phóng viên đến dự giảm và hình thức không được phong phú so với trước đại dịch. Số tin, bài trên báo viết, báo mạng, tin hình quảng bá các trưng bày chuyên đề và các hoạt động của bảo tàng giảm 50%; số lượng các cơ quan thông tấn đến khai thác tư liệu làm truyền thông giảm 70%. Việc triển khai hoạt động quảng bá ngoài trời như treo banner, poster, đưa tờ rơi tại các bảo tàng, khách sạn, sân bay...; các buổi tọa đàm khoa học và tourday dành cho công chúng không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, kênh truyền thông qua mạng xã hội được tăng cường và triển khai mạnh mẽ như:
+ Truyền thông quảng bá trên trang fanpage của Câu lạc bộ Tình nguyện viên, đến nay đã có gần 11.000 lượt người tương tác. Tourday mùa đông năm 2020 đã thu hút hơn 100 lượt đăng ký sau 3 giờ đăng tải thông tin, trong khi đó những buổi Tourday trước đại dịch thường có 50 - 60 người đăng ký.
Để thu hút giới trẻ đến với bảo tàng, Câu lạc bộ Tình nguyện viên tổ chức tập huấn, thuyết minh hệ thống trưng bày cho tình nguyện viên mới, chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện Tourday mùa hè, tọa đàm cho sinh viên.
+ Trang thông tin điện tử (website) của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được đánh giá là hoạt động hiệu quả trong thời gian dịch COVID -19. Trong tình hình ảnh hưởng bởi dịch và hạn chế đi lại, bảo tàng ảo, bảo tàng online không chỉ là giải pháp để kết nối khách tham quan, nhà nghiên cứu với bảo tàng, mà còn là xu hướng phát triển để bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu trực tuyến. Nhằm hạn chế sự lạc hậu của công nghệ, Bảo tàng đã phối hợp với đối tác xây dựng ứng dụng phần mềm công nghệ cập nhật ứng dụng mới thay thế công nghệ cũ (Adobe Flash) để thuận tiện cho khách tham quan online 3D trên Website.
Trung bình mỗi tháng, Bảo tàng đã xuất bản lên website khoảng 70 tin, bài trên 3 trang tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Lượng truy cập trung bình khoảng trên 1 triệu lượt/tháng, tăng từ 20% - 30% so với trước đại dịch. Lượng độc giả truy cập vào từng bài cao nhất là khoảng 800 lượt/1 bài viết/1 tháng, thuộc các mục như: hoạt động của bảo tàng, chuyên khảo, khảo cổ học nước ngoài, tin trong nước, tin nước ngoài; đặc biệt là chùm tin về các chương trình tour VGreen - Du lịch bền vững được khởi hành từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trong khi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, hoạt động truyền thông tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm truyền thông chất lượng; Đẩy mạnh công tác truyền thông hướng tới khách tham quan trong nước, ưu tiên tổ chức truyền thông tới công chúng ở Hà Nội.
- Hoạt động hợp tác quốc tế: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hợp tác quốc tế của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhiều hoạt động đã phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Các chương trình ký kết hợp tác; các đoàn công tác tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; phối hợp khai quật khảo cổ học, trưng bày, bảo quản hiện vật… đã chuyển từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến như: Ký kết biên bản hợp tác 5 năm (2020 - 2025) với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc; tổ chức, ký kết bàn giao, đóng gói hiện vật trực tuyến giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Bảo tàng Quốc gia Gwangju (Hàn Quốc) cho trưng bày "Dòng chảy văn hóa gốm sứ Việt Nam" tại Hàn Quốc trong 2 năm (11/2020 - 11/2022). Đặc biệt, việc tổ chức đưa hiện vật ra nước ngoài trưng bày thường được thực hiện rất bài bản, khoa học, chặt chẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hiện vật nên được bảo tàng cùng phía đối tác luôn coi trọng và thực hiện nghiêm túc, do đó, việc phối hợp tổ chức trưng bày, bàn giao hiện vật online đảm bảo an toàn, hiệu quả là một thành công lớn đồng thời mở ra xu hướng hoạt động mới trong hoạt động hợp tác quốc tế mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên thực hiện.

Giám đốc - TS. Nguyễn Văn Đoàn ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc
Bà Kim Yeon Soo - Giám đốc Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc ký kết Biên bản ghi nhớ với Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đã dần được kiểm soát, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã từng bước trở lại trong tình hình mới song vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh như: Đón tiếp và làm việc với đoàn Đại sứ quán Mỹ đến bảo tàng nghiên cứu đồ gỗ sơn thếp thế kỷ XVIII, XIX của miền Bắc Việt Nam, tháng 6/2020; Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội đến trao đổi hợp tác, quay phim, chụp ảnh các hiện vật, tài liệu liên quan đến Phật giáo tại bảo tàng để chuẩn bị cho dự án "Liên kết Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam", tháng 3/2021. Tiếp tục trao đổi thông tin với đại sứ quán các nước ASEAN tại Hà Nội để sưu tầm và tiếp nhận trang phục truyền thống các nước ASEAN; tiếp tục trao đổi thông tin với các bảo tàng, các cơ quan và tổ chức quốc tế để phối hợp công tác. Đồng thời, tích cực tham gia vào các chương trình thuyết trình, hội thảo quốc tế online. Trong thời gian tới, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tập trung điều chỉnh, chuyển hướng hoạt động phù hợp như:
+ Duy trì các mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, bảo tàng các quốc gia thông qua hình thức tăng cường trao đổi, làm việc, giao dịch điện tử để không làm gián đoạn các chương trình, nội dung hợp tác đã ký kết đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
+ Đẩy mạnh hoạt động trên các lĩnh vực: nghiên cứu, trao đổi tài liệu, học thuật, xuất bản…đồng thời tập trung vào nghiên cứu, xây dựng các nội dung, chương trình chuẩn bị sẵn sàng khi các nước ổn định và hoạt động hợp tác trở lại trong điều kiện bình thường mới.
+ Xây dựng phương thức hợp tác mới: kết hợp giao dịch điện tử và giao lưu, trao đổi trực tiếp phù hợp từng điều kiện, yêu cầu cụ thể nhằm thực hiện hợp tác hiệu quả và tiết kiệm.

TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG làm việc với đại diện Đại sứ quán Ấn Độ và Trung tâm văn hóa Swami Vivekanandaf (Ấn Độ)
2. Những hoạt động bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch COVID-19
- Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm: Bên cạnh việc duy trì các hoạt động nghiên cứu thường xuyên tại bảo tàng, sau hơn nửa năm tạm dừng các hoạt động khảo sát, khai quật tại các địa phương vì đại dịch COVID -19, công tác nghiên cứu, sưu tầm đã được “tái khởi động”. Các đoàn cán bộ chuyên môn của bảo tàng đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, kết hợp và tiến hành điều tra, khai quật những di chỉ khảo cổ học quan trọng như: phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, Bảo tàng Đắk Lắc khai quật di chỉ Thác Hai (huyện Ea Sup); phối hợp với Sở VH,TT&DL Bắc Giang, Bảo tàng Bắc Giang tổ chức khảo sát, lập kế hoạch nghiên cứu, khai quật di tích chùa Bình Long (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang); Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thám sát khảo cổ học đền Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) phục vụ Dự án tu bổ, tôn tạo nền sân phía trước của Di tích; Hoàn thiện thủ tục, tham gia khảo sát, thăm dò tàu cổ đắm khu vực vùng biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Đặc biệt là việc kịp thời tiếp cận, sưu tầm những tài liệu, hiện vật về dịch COVID-19 được thực hiện trên cả 3 miền Bắc, Trung Nam.

BTLSQG “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai” tại Bảo tàng Đắk Lắk ngày 7 tháng 5 năm 2021
- Hoạt động quản lý tài liệu, hiện vật, tư liệu, thư viện: Bên cạnh việc duy trì các hoạt động chuyên môn thường xuyên, bảo tàng đã tập trung đẩy mạnh công tác tài liệu hóa, số hóa tài liệu, hiện vật phục vụ quản lý và trưng bày phát huy giá trị hiện vật; triển khai chương trình số hóa các sưu tập hiện vật gốc làm cơ sở, tiền đề cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trưng bày và phát huy giá trị di sản; nghiên cứu, thẩm định, xác minh và bổ sung thông tin, hoàn thiện hồ sơ quản lý hiện vật để hình thành các sưu tập, bộ sưu tập hiện vật theo chủ đề hoặc theo chất liệu hiện vật. Kiện toàn kho cơ sở, sắp xếp hiện vật khoa học; Xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý tài liệu, hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác số hóa: “Xây dựng sưu tập hiện vật văn hóa Champa”; “Xây dựng sưu tập kim sách Cung đình triều Nguyễn”; “Xây dựng sưu tập hiện vật huy hiệu, huy chương, huân chương (giai đoạn 1945- nay)”; “Xây dựng sưu tập tài liệu, hiện vật thời kỳ bao cấp ở Việt Nam (1976-1986) hiện lưu giữ tại Bảo tàng”.

Sắp xếp, xây dựng địa hình kho Văn bản tại BTLSQG
Việc tư liệu hóa tài liệu, hình ảnh cũng được triển khai nhằm làm cơ sở từng bước tiến tới xây dựng Thư viện số, cụ thể: Đánh máy lại tư liệu cũ mờ; Scan, chỉnh sửa hình ảnh tư liệu, ấn phẩm nhập vào phần mềm quản lý phim ảnh và phần mềm thư viện số, phục vụ khai thác; Nhập máy, biên mục trên phần mềm quản lý thư viện; Nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học: “Sưu tập hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1969” và “Thư mục về trống đồng Đông Sơn” hiện lưu giữ tại Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia;
Đây là những bước quan trọng nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu số phục vụ cho các hoạt động bảo tàng, nhất là các hoạt động ứng dụng công nghệ phát huy giá trị tài liệu, hiện vật và nghiên cứu, khai thác tư liệu của các các nhân, tổ chức, công chúng, độc giả mà bảo tàng đang hướng tới. Để thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ trong các hoạt động khai thác, phát huy di sản thì việc tư liệu hóa, đặc biệt là số hóa tài liệu, hiện vật để xây dựng cơ sở dữ liệu (data base) được coi là nền tảng, cốt lõi, quan trọng hàng đầu và cần được triển khai trước.

Cán bộ Phòng Quản lý hiện vật nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học Sưu tập kim sách cung đình triều Nguyễn tại BTLSQG
Diễn biến của dịch COVID -19 đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của bảo tàng nói riêng và đời sống của toàn xã hội nói chung, đặc biệt là những khó khăn về phát triển kinh tế đất nước. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19, những hạn chế về kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động, từ nguồn thu của bảo tàng, nhưng hoàn cảnh không cản trở được sự nỗ lực chủ động thích ứng và khôi phục hoạt động trong tình trạng bình thường mới. Việc phối hợp với các đơn vị theo phương thức hỗ trợ, hợp tác chia sẻ, đặc biệt là các hoạt động trưng bày, giới thiệu trưng bày, giáo dục, trải nghiệm, tương tác… được chú trọng. Đây không chỉ là hoạt động để ứng phó với dịch COVID-19 có thể kéo dài mà còn là xu hướng tất yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan không hoặc chưa thể đến bảo tàng mà bảo tàng vẫn giới thiệu được trưng bày, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đến rộng rãi công chúng.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả hướng hoạt động này, trước hết, bảo tàng cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ theo định hướng hoạt động mới, đồng thời phối hợp với các đơn vị về công nghệ để đẩy mạnh hoạt động số hóa tài liệu, hiện vật; ứng dụng công nghệ trong trưng bày và giới thiệu trưng bày. Hơn nữa, trên cơ sở thực tiễn hiện nay cũng như xu hướng phát triển chung của các bảo tàng hiện đại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần tiếp tục hiện đại hóa (ứng dụng công nghệ, số hóa, điện tử hóa) đồng bộ trong các hoạt động khác của bảo tàng như: nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, quản lý, bảo quản tài kiệu, hiện vật, giáo dục, truyền thông, hợp tác quốc tế./.