Thực hiện Quyết định số 1502/QĐ-BVHTTDL ngày 24/4/2019 và Quyết định số 3605/QĐ-BVHTTDL ngày 17/10/2019 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, từ trung tuần tháng 8/2019 đến đầu tháng 7/2020, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương đã phối hợp tiến hành điều tra, khảo sát, thám sát và khai quật tại Khu di tích chùa Ngũ Đài (Kim Quang tự) thuộc phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau hoàn thành khai quật và chỉnh lý, ngày 13/1/2021, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức Hội thảo công bố những kết quả thu được từ đợt khai quật này. Hội thảo đã có sự tham dự của các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, Sở VH,TT&DL Hải Dương, thành phố Chí Linh cùng các nhà nghiên cứu, quản lý các sở, ban, ngành. Tham dự Hội thảo còn có đông đảo các phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương.
Sau khi tham quan, khảo sát tại công trường khai quật, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Ngọc Chất - phụ trách khai quật, báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát và khai quật. Với diện tích khai quật trên 1.200 m2, kết quả đã xác định được 4 lớp kiến trúc thuộc 4 giai đoạn xây dựng và biến đổi của chùa Ngũ Đài theo từng thời kỳ lịch sử: chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV, trùng tu lớn vào đầu thế kỷ XVII, tiếp tục trùng tu và cải tạo vào giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, sang đầu thế kỷ XX được đầu tư xây dựng mới và chuyển về vị trí hiện nay.
Các đại biểu tham quan công trường khai quật
Các đại biểu trao đổi khai quật tại di tích chùa Ngũ Đài về hiện vật khai quật
Kết quả khai quật cũng thu được một khối lượng lớn các loại hình vật liệu kiến trúc, đồ thờ tự, đồ sinh hoạt. Kết quả khảo sát còn cho thấy trong khu vực Ngũ Đài Sơn, ngoài dấu tích ngôi chùa Ngũ Đài - Kim Quang tự còn có nhiều công trình kiến trúc chùa, tháp khác có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn phân bố trên các dãy núi phía sau chùa Ngũ Đài tại núi Đống Thóc, núi Bát Hương, khe Hang Khách, khe Hang Mẳn tạo thành một quần thể chùa tháp Phật giáo rộng lớn, có mối liên hệ khăng khít với nhau. Ngày nay các di tích đó đã bị hoang phế và vùi lấp trong lòng đất.
Ông Nguyễn Ngọc Chất - trình bày bản báo cáo sơ bộ kết quả khai quật
Từ kết quả khảo sát, khai quật, các chuyên gia khảo cổ, nhà khoa học nhận định vào thời Trần, chùa Ngũ Đài là một trong những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh) cũng như Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi…(Bắc Giang), tạo thành một vùng ‘tam giác Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” phát triển rực rỡ.
TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát biểu tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ kiến nghị tỉnh Hải Dương cần tiếp tục đầu tư mở rộng nghiên cứu, khai quật khu vực chùa Ngũ Đài để có thêm thông tin về quy mô, kết cấu kiến trúc, làm cơ sở quy hoạch và kiến tạo, phục dựng lại ngôi chùa cho xứng tầm với vị thế của nó trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, cần sớm đưa ra quy hoạch tổng thể khu vực chùa Ngũ Đài và các khu vực xung quanh; bảo vệ hiện trạng khu vực khai quật, ngăn chặn kịp thời quá trình xây dựng, đào phá, cải tạo đất trồng trọt làm biến dạng cảnh quan và không gian di tích; tiếp tục đầu tư nghiên cứu, khai quật khảo cổ để xác định rõ mặt bằng, quy mô, kết cấu kiến trúc của các công trình kiến trúc chùa, tháp ở các khu vực núi Đống Thóc, núi Bát Hương, khe hang Khánh, khe hang Mẳn, làm cơ sở cho việc quy hoạch và kiến tạo khu vực du lịch văn hóa tâm linh và nghỉ dưỡng tại đây.
HÀ - GIANG