Sáng 15/01/2021, tại Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì nghiên cứu; TS. Nguyễn Văn Cường - Nguyên Giám đốc BTLSQG, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam làm chủ nhiệm.
Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ do TS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm Chủ tịch, TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Mội trường - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm Phó Chủ tịch; các ủy viên phản biện gồm TS. Phạm Quốc Quân - Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; TS. Bùi Văn Liêm - Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học; các ủy viên: PGS.TS. Đặng Hồng Sơn - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn; TS. Nguyễn Đình Chiến - Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật, bảo vật Quốc gia; ThS. Nguyễn Viết Cường - Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng toàn thể thành viên Hội đồng Khoa học và Ban Chủ nhiệm đề tài.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì buổi họp nghiệm thu
Toàn cảnh buổi họp nghiệm thu
Tại buổi họp, TS. Nguyễn Văn Cường - Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt nội dung kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện. Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, đề tài được cấu trúc thành bốn chương:
Lịch sử nghiên cứu vấn đề và tổng quan tư liệu liên quan đến nội dung đề tài
Nghiên cứu, khai quật tàu cổ đắm ở Việt Nam
Phác dựng con đường thương mại trên Biển Đông
Phát huy giá trị tài liệu, hiện vật các con tàu cổ đắm đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham gia khai quật trong vùng biển Việt Nam.
- TS. Nguyễn Văn Cường trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu đề tài đã tổng hợp, phân loại, đánh giá, hệ thống hóa hiện vật trên 7 con tàu cổ đắm. Đặc biệt đánh giá cao về tính cấp thiết và giá trị khoa học thực tiễn của đề tài. Thông qua việc nghiên cứu các con tàu cổ đắm đã khẳng định sự tham gia của người Việt trong giao thương quốc tế và vị thế của vùng biển Việt Nam trong tuyến đường biển quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền biển của quốc gia. Nghiên cứu khai quật tàu cổ đắm ở Việt Nam đã cung cấp quy trình khoa học trong công tác khai quật tàu cổ đắm, bổ sung thông tin khoa học giúp các cơ quan quản lý có thêm cơ sở để xây dựng cơ chế cho ngành khảo cổ học dưới nước.
Sau quá trình làm việc, đại diện Hội đồng nghiệm thu công bố kết quả kiểm phiếu. Theo đó, tất cả các thành viên trong Hội đồng đều thông qua phiếu đánh giá đề tài đạt kết quả xuất sắc.
Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm nghiên cứu gửi lời cảm ơn tới Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ để đề tài hoàn thành theo đúng tiến độ, sản phẩm đáp ứng đúng theo yêu cầu; Cảm ơn sự đóng góp của các chuyên gia trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận; Các đơn vị phối hợp thực hiện đã tận tình đồng hành để đề tài có được kết quả tốt.
Hải Vân - Hoài Nam