Chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tháng 9/2011, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến ngày nay thông qua hệ thống gần 250.000 hiện vật, tài liệu quý giá, trong đó có 20 hiện vật là Bảo vật quốc gia (tính đến 2020).
Bảo tàng hiện đang duy trì 2 hệ thống trưng bày
cố định tại 2 cơ sở: số 1 Tràng Tiền - Hà Nội, trưng bày lịch sử Việt Nam từ
thời Tiền sử đến hết triều Nguyễn (năm 1945) và số 216 Trần Quang Khải - Hà
Nội, trưng bày về lịch sử Việt Nam giai đoạn Cận-Hiện đại, từ giữa thế kỷ 19
đến nay.
Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX đã ghi dấu thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc, dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với ý nghĩa lịch sử đó, sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ được chú trọng trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng sưu tập mà còn là một chủ đề quan trọng luôn được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tập trung thể hiện trong trưng bày, phát huy giá trị.
Tọa đàm “Báo chí cách mạng với thắng lợi mùa thu tháng Tám” ngày 22/9/2015
- Hệ thống trưng bày đầu tiên của bảo tàng khánh thành, mở cửa đón khách tham quan ngày 6/1/1959 (lúc đó là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam) đã dành một phần quan trọng, điểm nhấn để giới thiệu về Cách mạng tháng Tám 1945, về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thành lập chính quyền dân chủ nhân dân. Những ngày tháng sôi động của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội được thể hiện trong mô hình Diorama: “Chiếm Bắc Bộ phủ”, ở trên có hai bức ảnh: “Cuộc biểu tình của nhân dân ngày 19/8/1945 trước Nhà Hát lớn” và “Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một đơn vị Giải phóng quân trở về Hà Nội". Một bức tranh đẹp toàn cảnh về cuộc biểu dương thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong cả nước được thể hiện trong trưng bày.
Trải qua 3 lần chỉnh lý lớn năm 1968, 1977 và 1994, phần trưng bày về lịch sử Việt Nam giai đoạn Cận - Hiện đại của Bảo tàng ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn. Nhiều nội dung được bổ sung thêm, giúp người xem hiểu được quá trình phát triển liên tục của phong trào cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ta ra đời đến nay. Hình thức trưng bày minh họa cho các sự kiện lịch sử dần được loại bỏ, chuyển dần sang trưng bày theo sưu tập, gắn lịch sử Đảng với lịch sử dân tộc. Qua 3 lần chỉnh lý lớn đó, đến nay, trong phần trưng bày về lịch sử Việt Nam Cận - Hiện đại của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, diện tích dành cho giai đoạn Cách mạng tháng Tám 1945 đã được tăng lên là 6/29 phòng; nhiều hiện vật gốc được bổ sung, thay thế hiện vật phục chế. Đó là các nội dung: Quá trình chuẩn bị về chủ trương, đường lối; về xây dựng lực lượng chính trị; lực lượng vũ trang; xây dựng căn cứ địa cách mạng; dự đoán đúng thời cơ, phát động khởi nghĩa. Các nội dung trên được thể hiện qua phòng trưng bày số 4 với chủ đề: Phong trào cách mạng 1930-1931; Phong trào Dân chủ 1936-1939 – phòng số 5 và Phong trào Việt Minh - phòng số 6, 7. Nội dung sự kiện Cách mạng tháng Tám 1945 và thành quả của Cách mạng tháng Tám - sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được trưng bày, giới thiệu tại hai phòng số 8 và 9.
Với 273 hiện vật, 61 hình ảnh đã được lựa chọn kỹ từ sưu tập gồm 1.818 hiện vật về Cách mạng tháng Tám 1945 (trong số đó, có không ít những hiện vật độc bản) mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ. Đến với trưng bày, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về Cách mạng tháng Tám thông qua các hiện vật, tài liệu tiêu biểu, như: Bản thảo (viết tay) Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tháng 5/1941 tại Cao Bằng; Bản thảo của Nguyễn Ái Quốc về phát triển tổ chức quần chúng và Việt Minh năm 1941… hay những tài liệu tuyên truyền đã được xuất bản trong điều kiện bí mật như: Việt Nam ngũ tự kinh; sách Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh… và những sưu tập hiện vật quí giá về giai đoạn lịch sử trọng đại này chỉ có ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia như sưu tập truyền đơn, sưu tập báo chí cách mạng 1925-1945 (hầu hết được xuất bản bí mật) cùng những công cụ, phương tiện in ấn thô sơ: Phiến đá in báo Việt Nam Độc lập ở Cao Bằng, ru lô bằng gỗ, lư đựng mực in báo, con dấu gỗ dùng đóng trên báo Việt Nam Độc Lập từ 1941 đến 1945, hay sưu tập vũ khí tự tạo mà nhân dân Việt Nam sử dụng trong Cách mạng tháng Tám… thì công chúng còn được tiếp cận nhiều hiện vật quý, văn bản gốc gắn với sự kiện lịch sử Cách mạng tháng Tám như: Nghị quyết Ðại hội Quốc dân Tân Trào, tháng 8-1945, Quân lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, con dấu của Tổng Bộ Việt Minh năm 1944-1945…
- Cùng với nội dung trưng bày thường trực, từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề nhân dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Vào những năm kỷ niệm chẵn, Bảo tàng thường phối hợp, tham gia cùng các cơ quan, bảo tàng tổ chức các triển lãm có quy mô mang tầm quốc gia, đó là các trưng bày năm 2000 và 2005 nhân dịp kỷ niệm 55 năm, 60 năm ngày thành lập Nước tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (148 Giảng Võ, Hà Nội). Đặc biệt, kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tháng 8/2005, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam với tư cách là bảo tàng quốc gia đã phối hợp cùng 8 bảo tàng, di tích: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Công an Nhân dân, Bảo tàng Thừa Thiên - Huế, Bảo tàng Ðắc Lắc, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Di tích Hỏa Lò Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “Một số sưu tập hiện vật về Cách mạng tháng Tám 1945”. Đây là trưng bày có qui mô lớn, qui tụ nhiều hiện vật đặc sắc về Cách mạng tháng Tám 1945 đang lưu giữ tại các bảo tàng, di tích. Trưng bày gồm 2 phần, phần một: Cách mạng Tháng Tám 1945 - bước ngoặt của lịch sử dân tộc - giới thiệu quá trình chuẩn bị, diễn biến, thành công của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phần hai: Giới thiệu 5 bộ sưu tập hiện vật thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945 gồm: Truyền đơn, báo chí, dụng cụ in ấn; Cờ Tổ quốc; Kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng; Vũ khí nhân dân Việt Nam sử dụng trong Cách mạng tháng Tám; Các tác phẩm mỹ thuật về đề tài Cách mạng tháng Tám.
Học sinh tham gia giờ học lịch sử về chủ đề Cách mạng tháng Tám
Cùng với đó còn có nhiều trưng bày chuyên đề mà tài liệu, hiện vật về Cách mạng tháng Tám luôn đóng vai trò chủ đạo với tỉ lệ, tần suất tham gia cao.
- Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nhân dịp khai mạc trưng bày chuyên đề hoặc nhân dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh hàng năm nhằm phát huy giá trị di sản cũng là hoạt động mà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tiếp đó là Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện hiệu quả, đó là: Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cách mạng tháng Tám” do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phối hợp với Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tháng 8/2005 nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám và khai mạc trưng bày chuyên đề “Một số sưu tập hiện vật về Cách mạng tháng Tám 1945”; Tọa đàm khoa học: “Tinh thần dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945” ngày 18/8/2013 nhân kỷ niệm 68 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2013); Tọa đàm “Báo chí cách mạng với thắng lợi mùa Thu tháng Tám” tổ chức ngày 22/9/2015, chào mừng 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
- Hơn 60 năm qua, hàng ngàn lượt hiện vật, tài liệu, hình ảnh - di sản Cách mạng tháng Tám 1945 - nội dung trọng yếu trong 2 bộ trưng bày “Lịch sử Cách mạng Việt Nam” và “Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã được Bảo tàng đưa đi trưng bày lưu động tại các tỉnh, thành phố phục vụ và thu hút đông đảo đồng bào cả nước không có điều kiện đến thăm trưng bày Bảo tàng tại Hà Nội và học sinh, sinh viên nội, ngoại thành Hà Nội.
- Trong vài năm trở lại đây, “Cách mạng mùa Thu tháng Tám” còn là chủ đề sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” và “Giờ học lịch sử” thật sự bổ ích, hấp dẫn mà các cán bộ giáo dục của Bảo tàng Lịch sử quốc gia xây dựng, tổ chức cho các em học sinh khối nhà trường và nhóm gia đình tại Bảo tàng.
Thông qua trưng bày thường trực, các trưng bày chuyên đề, hội thảo, tọa đàm, triển lãm lưu động và các chương trình giáo dục, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khai thác, sử dụng với tần suất không nhỏ, phát huy hiệu quả giá trị sưu tập hiện vật, tài liệu về Cách mạng tháng Tám 1945 mà Bảo tàng đang lưu giữ, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tư tưởng của Đảng và Nhà nước; góp phần giáo dục, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường và niềm tự hào dân tộc của các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Để đáp ứng nhu cầu, trình độ ngày càng cao của công chúng, hòa theo xu hướng phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo tàng, trong tương lai, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hoàn toàn có thể tạo nên một diện mạo mới cho phần trưng bày về Cách mạng tháng Tám 1945 tại Bảo tàng một cách hấp dẫn, sinh động hơn, tương xứng với tầm vóc vĩ đại của nó trong lịch sử dân tộc từ những kết quả của công tác nghiên cứu, sưu tầm về Cách mạng tháng Tám 1945 mà Bảo tàng đã đạt được trong những năm gần đây./.
Ths. Phạm Thị Mai Thủy (Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng)