Thực hiện kế hoạch công tác năm 2020, Phòng Giáo dục, Công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức chương trình khảo sát, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục, chương trình dành cho công chúng tại các bảo tàng, di tích tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhân dịp phối hợp thực hiện chương trình Câu lạc bộ“Em yêu lịch sử” chủ đề “Ký ức thời Hoa lửa” tại Bảo tàng Nghệ An.
Trong thời gian từ ngày 11/9/2020 đến ngày 17/9/2020, ngoài thời gian khảo sát và thực hiện chương trình giáo dục Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Nghệ An, đoàn cán bộ BTLSQG đã tham dự Hội thảo khoa học nhân Kỷ niệm 90 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh và 60 năm thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh; sau đó là các hoạt động tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các bảo tàng, di tích: Bảo tàng Nghệ An; Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh; Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An); Khu di tích Lịch sử Truông Bồn (Đô Lương-Nghệ An); Khu di tích Lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh); Di chỉ Bãi Cọi (Hà Tĩnh); Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Minh Khai (Tp. Vinh, Nghệ An).
Đoàn cán bộ BTLSQG tham dự Hội thảo khoa học và Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Đoàn cán bộ BTLSQG thăm Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An)
Tại các bảo tàng, di tích, đoàn cán bộ BTLSQG đã được Ban Lãnh đạo các bảo tàng; các Trưởng, Phó Ban quản lý di tích; các quản lý và cán bộ Phòng chuyên môn, nghiệp vụ ở địa phương đón tiếp, giới thiệu và trao đổi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm một cách tận tình, chu đáo. Qua đó, cán bộ BTLSQG không chỉ nâng cao kiến thức, hiểu biết về lịch sử, văn hóa, di sản ở địa phương mà còn được cung cấp những thông tin bổ ích về kinh nghiệm đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan tại điểm; phương pháp xây dựng các chương trình giáo dục, các chương trình dành cho công chúng và cách thức tổ chức các hoạt động đó một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt là cách lựa chọn thông tin để chuyển tải tới công chúng cũng như phương pháp thuyết minh phù hợp với từng đối tượng công chúng.
Dâng hương tưởng niệm nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Thăm quan Khu di tích Lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)
Thăm quan Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh)
Đây là chương trình tham quan, khảo sát thực tế và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ tại các bảo tàng, di tích của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, nhằm từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thiện và chuẩn hoá đội ngũ hướng dẫn viên của BTLSQG để kịp thời đáp ứng yêu cầu của đông đảo công chúng cũng như thu hút khách tham quan bảo tàng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, công chúng ngày càng yêu cầu cao hơn, chất lượng hơn về công tác thuyết minh, hướng dẫn và về nội dung, hình thức của các chương trình giáo dục cũng cần phong phú, đa dạng và hiệu quả hơn. Với hình thức kết hợp vừa tham quan vừa trao đổi, đoàn cán bộ BTLSQG đã được nghe giới thiệu về các hiện vật, sưu tập hiện vật độc đáo tại các bảo tàng, di tích, khu niệm danh nhân... Các cán bộ cũng đã thảo luận, trao đổi về những nghiên cứu, phát hiện mới và hướng gợi mở để phát huy giá trị của di sản văn hóa cho các bảo tàng, di tích bạn. Đặc biệt, thông qua chương trình tham quan, học tập, BTLSQG cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp thu hút công chúng đến với bảo tàng, di tích qua mô hình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”. Lãnh đạo và các cán bộ tại các bảo tàng, di tích đều bày tỏ mong muốn sẽ được phối hợp với BTLSQG tổ chức các chương trình giáo dục để phát huy các hiện vật, sưu tập hiện vật và các trưng bày chuyên đề tại các bảo tàng, di tích địa phương trong thời gian tới.
Khảo sát thực địa tại di chỉ khảo cổ học Bãi Cọi (Hà Tĩnh)
Đoàn cán bộ BTLSQG trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ tại Bảo tàng Nghệ An
BTLSQG và Bảo tàng Nghệ An tổ chức thành công chương trình CLB “Em yêu lịch sử” chủ đề “Ký ức thời Hoa Lửa” vào chiều ngày 15/9/2020
Qua chương trình tham quan, học tập lần này, đã giúp các cán bộ làm công tác giáo dục, thuyết minh hướng dẫn ở BTLSQG và các bảo tàng di tích ở Nghệ An, Hà Tĩnh nhận thức được rõ ràng hơn, trách nhiệm hơn về công việc của những người làm nghề “di sản”: Mỗi bảo tàng, di tích có đặc thù riêng nhưng đều là những cơ quan văn hóa có nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Chính vì thế, ngoài các khâu công tác như: nghiên cứu sưu tầm, bảo quản, trưng bày… thì công tác giáo dục công chúng đóng vai trò là “cầu nối” giữa công chúng và di sản, góp phần đưa di sản nói chung và các bảo tàng, di tích nói riêng ngày càng đến gần hơn nữa với công chúng.
Lê Liên (Phòng GDCC)