Trong các khâu công tác của bảo tàng thì trưng bày là một khâu quan trọng, được xem như chiếc cầu nối giữa bảo tàng với công chúng và xã hội, từ đó bảo tàng tăng thêm sức hấp dẫn và thu hút công chúng, thực hiện tốt các chức năng của mình.
Tại Bảo tàng Lịch sử quốc
gia, bên cạnh hệ thống trưng bày cố định, hàng năm Bảo tàng đều tổ chức hoặc phối
hợp tổ chức các trưng bày chuyên đề có thời hạn với các bảo tàng, di tích, các
tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước. Nếu như hệ
thống trưng bày cố định của Bảo tàng giới thiệu nội dung khái quát tiến trình lịch
sử Việt Nam từ thời tiền sử đến ngày nay thì trưng bày chuyên đề là dịp để Bảo
tàng giới thiệu tới công chúng những hiện vật, sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm,
có giá trị theo từng chuyên đề, chủ đề, sự kiện khác nhau mà công chúng ít có
cơ hội tham quan, chiêm ngưỡng.
Đây là hình thức trưng bày có vai trò quan trọng, được xem là “điểm sáng” trong hoạt động trưng bày, góp phần làm phong phú và đổi mới các hoạt động bảo tàng để thu hút khách tham quan. Nhiều cuộc trưng bày chuyên đề có sự phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được đông đảo công chúng quan tâm, đón nhận và được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Trong đó không thể không kể đến trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam”. Trưng bày chuyên đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu và đông đảo công chúng
Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2020), trong khuôn khổ hoạt động của Tháng Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam”. Với hơn 200 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, trưng bày đã tập trung giới thiệu 3 nội dung chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam làm theo lời Bác.
Thông qua trưng bày chuyên đề, công chúng nói chung và các công nhân, đoàn viên công đoàn nói riêng đã phần nào hiểu hơn về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, của tổ chức tổ chức Công đoàn Việt Nam và tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, công nhân, tổ chức Công đoàn cũng như những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Trưng bày chuyên đề đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là các công đoàn viên của các tổ chức công đoàn từ trung ương tới địa phương, trong đó nổi bật các hoạt động đến từ Liên đoàn Lao động Hải Phòng. Với mục đích tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong toàn ngành nhận thức sâu sắc về công lao, sự cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp cùng với Liên đoàn Lao động Hải Phòng tổ chức chương trình tham quan, học tập chuyên đề tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Một số hình ảnh hoạt động tham quan trưng bày chuyên đề của các tổ chức công đoàn Thành phố Hải Phòng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia:
Đoàn viên công đoàn 3 trường Đại học của Hải Phòng tham quan Trưng bày, ngày 25/6/2020
Theo thống kê, từ ngày ngày khai mạc 18/5/2020 đến ngày 7/8/2020 kết thúc trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đón tiếp 21 đoàn với hơn 2000 lượt đoàn viên công đoàn đến từ Hải Phòng, chiếm 74% tổng lượng khách tham quan Bảo tàng từ tháng 5 đến 7 tháng 8 năm 2020 là 121 đoàn với 2699 lượt khách. (Số liệu thống kê của Phòng Giáo dục, Công chúng, BTLSQG).
Có thể nói, đây là một con số đáng ấn tượng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng như có sự khác biệt về chất và lượng trong đặc điểm khách tham quan các trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Theo đánh giá của các chuyên gia Bảo tàng, đối tượng tham quan trưng bày chuyên đề lần này là đối tượng “công chúng đặc thù” mà cụ thể cụ thể ở đây là các công nhân, viên chức của các tổ chức công đoàn Việt Nam, đối tượng này hoàn toàn khác với khác với các công chúng phổ thông Bảo tàng. Như vậy, có thể thấy, trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam” đã thực sự trở thành “điểm hẹn công đoàn” được nhiều tổ chức công đoàn lựa chọn và được đông đảo “công chúng đặc thù” quan tâm, đón nhận.
Chia sẻ với cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đồng chí Lương Hải Chính - Liên đoàn Lao động Hà Nội đã cho biết: “Trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đoàn viên công đoàn Hải Phòng. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã làm rất tốt công việc kết hợp trưng bày, với sự sắp xếp hiện vật phong phú, đa dạng kết hợp giữa hình ảnh và hiện vật trực quan, đi kèm với nội dung chi tiết giúp khách tham quan có nhiều trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử quốc gia luôn chủ động đón tiếp, phục vụ, hướng dẫn nhiệt tình, đầy đủ các đoàn khách tham quan. Qua đó, đoàn viên công đoàn công nhân viên chức, người lao động và nhân dân cả nước được hiểu biết, mở rộng kiến thức về lịch sử hào hùng dân tộc, giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn và nhất là sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn và người lao động trong cả nước. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị khác tiếp tục tổ chức các trưng bày chuyên đề có ý nghĩa thiết thực như thế này để khách tham quan có thể đến Bảo tàng nhiều lần hơn nữa”.
Đoàn viên công đoàn thành phố Hải Phòng chụp ảnh lưu niệm
tại không gian trưng bày chuyên đề
Để phát huy giá trị trưng bày chuyên đề, bên cạnh đón tiếp, phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ có thể tiếp tục hướng đến việc ứng dụng, khai thác trưng bày chuyên đề tạo ra các sản phẩm giáo dục đa dạng, phong phú phù hợp với các đối tượng công chúng khác nhau nhằm nâng cao và phát huy hiệu quả trưng bày chuyên đề trong và ngoài bảo tàng như: Tổ chức các chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên chuyên ngành; Tọa đàm, giao lưu nhân chứng lịch sử liên quan đến chuyên đề; Phối hợp với các đơn vị liên quan như Bảo tàng Công đoàn, Liên đoàn Lao động tổ chức cuộc thi tìm hiểu về công đoàn; Số hóa 3D nội dung, tư liệu, hiện vật trong trưng bày chuyên đề để phục vụ các hoạt động của Bảo tàng trong tương lai... Bởi hiện nay, công chúng đến bảo tàng không còn chỉ đơn thuần là để ngắm nhìn hiện vật quý được trưng bày mà họ muốn được tham gia, thực hành, trải nghiệm nhằm tìm hiểu kiến thức, thông tin. Có như vậy, các trưng bày chuyên đề mới tiếp tục phát huy lâu dài hơn (sau khi trưng bày kết thúc) đồng thời làm sâu sắc hơn nội dung trưng bày cố định có liên quan đến từng trưng bày chuyên đề đáp ứng đa dạng các nhu cầu công chúng.
Một góc trưng bày chủ đề “Giai cấp công nhân và Tổ chức Công đoàn Việt Nam học tập, làm theo lời Bác” tại BTLSQG
Như vậy, có thể thấy việc tổ chức trưng bày chuyên đề và hướng đến đa dạng hóa các hoạt động phát huy trưng bày sau khi khai mạc cùng với giá trị độc đáo, tiêu biểu của các hiện vật, sưu tập hiện vật đã tạo nên nét hấp dẫn riêng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đồng thời, việc phát huy giá trị trưng bày chuyên đề sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo tàng, đưa các hiện vật, tư liệu, hình ảnh lịch sử trong chuyên đề đến gần với công chúng hơn, tránh tình trạng trưng bày chỉ phục vụ trong một thời gian ngắn sau ngày khai mạc mà không phát huy được hiệu quả xã hội rộng rãi của trưng bày tới đông đảo người dân và bạn bè quốc tế.
Ngọc Anh, Lê Liên (Phòng GD, CC)