Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/09/2020 09:52 1724
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Mở đầu

Trong những năm gần đây, trước nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chủ trương đúng đắn và kịp thời nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của ngành văn hóa, và một trong những nội dung quan trọng là đổi mới và nâng cao chất lượng trong lĩnh vực bảo tàng, di tích. Nhờ đó, hoạt động của hệ thống bảo tàng, di tích trực thuộc Bộ đã có những chuyển động tích cực, khởi sắc hơn trước. Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo từ Bộ chủ quản, việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động phải được coi là nhu cầu tự thân của các đơn vị trong quá trình hoạt động thực tiễn.

 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cơ sở số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được thành lập năm 2011, kế thừa hệ thống cơ sở vật chất của hai bảo tàng hàng đầu trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, đó là Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất của Bảo tàng đã bộc lộ nhiều hạn chế (không gian chật hẹp, hệ thống hạ tầng xuống cấp, lạc hậu). Thực ra, ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở một vị trí khác với quy mô to lớn, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, sau nhiều năm giãn tiến độ, đến thời điểm này, việc xây dựng bảo tàng mới là chưa thể thực hiện, trong khi đó, với vị trí, vai trò là bảo tàng đầu hệ trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay vẫn phải tiến hành các hoạt động bình thường để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa đảm bảo các hoạt động chuyên môn trước những yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Đây chính là những thách thức mà Bảo tàng phải đối mặt và tập trung giải quyết. Trong bài viết này, từ xu thế phát triển chung của ngành bảo tàng và thực trạng hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong thời gian qua, tôi xin nêu lên một vài suy nghĩ liên quan tới việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của Bảo tàng, với một số nội dung chính cho hoạt động công tác hành chính - tổng hợp và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cùng một số định hướng trong thời gian tới.

1. Công tác hành chính - tổng hợp

Đây là công tác quan trọng hàng đầu, bởi nó tác động tới tất cả các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ khác trong Bảo tàng. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý đối với công tác hành chính - tổng hợp:

1.1. Công tác tổ chức sắp xếp nhân sự: cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp vị trí việc làm hợp lý theo chủ trương và lộ trình, nâng cao trình độ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên gia là yêu cầu bắt buộc, theo phương châm mỗi cán bộ “giỏi một việc nhưng biết nhiều việc”; từng bước kiện toàn, định hướng xây dựng đội ngũ chuyên gia về các lĩnh vực như khảo cổ học, bảo quản, trưng bày, giáo dục…

Đặc biệt, sau khi sáp nhập từ 6 phòng thành phòng Hành chính tổng hợp với số lượng cán bộ đông, nhất là cán bộ quản lý, đã dẫn đến khá nhiều bất cập trong quản lý và điều hành công việc. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác phân công, kiểm tra, giám sát các đầu việc của từng bộ phận; ngược lại, các bộ phận cũng phải chủ động, tích cực thực hiện các mảng được phân công phụ trách.

1.2. Công tác hành chính, an ninh, an toàn: trước hết, cần tập trung vào việc chỉnh trang, nâng cấp khuôn viên bảo tàng khang trang, sạch đẹp, phù hợp với cảnh quan chung của Bảo tàng. Theo đó, trước mắt, bộ phận hành chính và an ninh cần phải phối hợp với phòng Trưng bày và phòng Bảo quản để thực hiện việc chỉnh lý, nâng cấp hệ thống trưng bày ngoài trời. Đặc biệt là khu vực trưng bày ngoài trời phía Đông, là nơi đang trưng bày các hiện vật thuộc văn hóa Champa, cần phải được nhanh chóng chỉnh trang, nhằm phát huy sưu tập hiện vật quý giá này và tạo thành nên sự thống nhất giữa khu vực trưng bày ngoài trời phía Đông với phía Tây để làm tăng tính ấn tượng, hấp dẫn đối với khách tham quan trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần sắp xếp vị trí, ổn định cơ sở làm việc cho cán bộ lãnh đạo và quản lý các phòng, ban một cách khoa học và hợp lý, nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát, đôn đốc và phối hợp thực hiện công việc đạt hiệu quả cao nhất.

Công tác an ninh, an toàn đã được thực hiện khá tốt trong thời gian qua cần được duy trì, phát huy hơn nữa, đồng thời sớm lập kế hoạch, giải pháp khắc phục khó khăn cho lực lượng bảo vệ, đặc biệt là bảo vệ hệ thống trưng bày thông qua phối hợp, tăng cường các biện pháp bảo vệ bằng thiết bị an ninh và tinh thần, trách nhiệm của từng cá nhân thực hiện nhiệm vụ.

1.3. Công tác hợp tác quốc tế: với vai trò là cầu nối giữa hệ thống bảo tàng Việt Nam với các bảo tàng và tổ chức văn hóa trong khu vực và trên thế giới, hợp tác quốc tế trở thành thế mạnh của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Cho đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có quan hệ hợp tác thường xuyên với khoảng hơn 30 tổ chức, viện nghiên cứu, bảo tàng thuộc nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có nhiều đối tác hợp tác dài hạn, với nhiều nội dung phong phú thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, trong điều kiện khách quan, chủ quan có nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch bệnh Covid 19 đang lây lan, diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hợp tác quốc tế. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiều chương trình hợp tác quốc tế sẽ có sự điều chỉnh như: hợp tác nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên với Viện Khảo cổ học Tứ Xuyên (Trung Quốc); hợp tác nghiên cứu giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên với Đại học Đông Á (Nhật Bản); hợp tác nghiên cứu di sản văn hóa biển với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia (Hàn Quốc); hợp tác nghiên cứu di tích sản xuất gốm sứ cổ ở Hải Dương với Bảo tàng Quốc gia Gwangju (Hàn Quốc)...

 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợi với Bảo tàng Quốc gia Gwangju (Hàn Quốc) đào thám sát di tích lò gốm Thanh Khơi (Gia Lộc – Hải Dương) năm 2019

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động thực tiễn cũng cho thấy những hạn chế, đó là, hoạt động hợp tác quốc tế chưa được triển khai đồng bộ do thiếu sự đầu tư và chủ động kinh phí từ phía Việt Nam. Trước thực trạng đó, Bảo tàng cần xác định các hoạt động phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn như sau:

- Tập trung vào thực hiện các chương trình nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện làm nền tảng khoa học vững chắc cho các hoạt động hợp tác khi được kết nối trở lại đạt hiệu quả, chất lượng cao; tiếp tục tham dự các hội nghị, hội thảo không thể hoãn, hủy (với điều kiện chi phí từ phía đối tác, tiết kiệm chi từ ngân sách, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả hợp tác);

- Duy trì và tiếp tục chương trình hợp tác với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc, đó là hợp tác chiến lược, sẽ là cơ sở để Bảo tàng xây dựng mô hình nghiên cứu di sản biển ở Việt Nam, vốn còn nhiều hạn chế đối với một quốc gia biển đảo như nước ta và cũng là điều vô cùng cần thiết với Bảo tàng, khi phải đối mặt với những vấn đề liên quan tới di sản văn hóa biển.

- Bảo tàng cũng cần sớm tiếp cận, tận dụng thời cơ, khai thác sự hỗ trợ từ các dự án của Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để mở rộng lĩnh vực hoạt động, phát triển hơn nữa, xứng tầm với vị trí, vai trò và tiềm năng của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

2. Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ

Đây chính là những hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Dưới đây là một số điểm chính cần nhấn mạnh đối với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng.

2.1. Công tác nghiên cứu, sưu tầm

Đây được coi là thế mạnh của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với phương thức sưu tầm thông qua trao đổi, chuyển nhượng, hiến tặng và khai quật khảo cổ học. Đáng chú ý là, hoạt động khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam, còn luôn gắn với mục tiêu sưu tầm hiện vật phục vụ trưng bày, phát huy giá trị ở trong và ngoài nước. Đây chính là điểm khác biệt so với các cơ quan nghiên cứu khảo cổ học khác ở Việt Nam, ví dụ như Viện Khảo cổ (nghiên cứu hàn lâm) hay Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) (nghiên cứu - giảng dạy).

 

Khai quật di tích Hải Vân Quan (Thừa Thiên – Huế) năm 2018

Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, công tác nghiên cứu, sưu tầm vẫn tiếp tục bám sát mục tiêu trên, với việc phối hợp, hợp tác thực hiện các chương trình khảo sát, khai quật về gốm sứ, kiến trúc, di sản văn hóa biển, đảo. Đặc biệt, ưu tiên mở rộng hợp tác quốc tế, hướng tới quy trình nghiên cứu, khai quật, chỉnh lý, in ấn công bố, trưng bày, hội thảo… Hoạt động nghiên cứu, khai quật là cơ sở để các cán bộ Bảo tàng xây dựng các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Viện, làm tiền đề cho việc xuất bản các ấn phẩm, những sách công cụ, chuyên khảo, catalogue… như đã từng được đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao bởi hàm lượng khoa học và hình thức phong phú, đẹp mắt. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo, rèn luyện thực tế, thu được nhiều kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực liên quan trong quá trình tác nghiệp, làm cơ sở nền tảng hình thành đội ngũ chuyên gia cho Bảo tàng. Đây cũng là những thành quả độc đáo, có giá trị mà không phải bảo tàng, hay trung tâm khảo cổ nào ở Việt Nam cũng có được. Vì vậy, đó là hướng đi mà Bảo tàng cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.

 

Khởi công khai quật di tích chùa Ngũ Đài (Chí Linh, Hải Dương) năm 2019

Một trong những công việc thực hiện khá thường xuyên trong những năm qua, đó là việc tiến hành sưu tầm tài liệu, hiện vật, đặc biệt thông qua hình thức chuyển nhượng từ các sưu tập tư nhân. Tuy nhiên, do điều kiện đầu tư kinh phí hạn chế, hình thức sưu tầm này sẽ tạm dừng, vì vậy, Bảo tàng cần chú trọng thực hiện sưu tầm từ nguồn hiến tặng, xã hội hóa, nhằm làm phong phú hơn các sưu tập bảo tàng. Đồng thời, vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị dữ liệu cho kế hoạch sưu tầm theo phương thức chuyển nhượng, bởi trong thực tế, thực hiện phương thức này thì mới có thể đảm bảo tính chủ động, đáp ứng các mục tiêu Bảo tàng đặt ra.

Để kịp thời đáp ứng cho việc chỉnh lý, đổi mới hệ thống trưng bày, công tác sưu tầm cần được đẩy mạnh hơn nữa, trên cả hai giai đoạn lịch sử cổ trung đại và lịch sử cận hiện đại. Đề cương và đối tượng sưu tầm cần phải thực hiện trên cơ sở đề cương chỉnh lý trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Từ thực tiễn và kinh nghiệm chỉnh lý của bảo tàng trong những năm qua cho thấy, mặc dù Bảo tàng hiện nay lưu giữ hơn 200.000 tài liệu, hiện vật nhưng lại trùng lặp loại hình, thiếu vắng hiện vật phản ánh nhiều giai đoạn, chủ đề, vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong điều kiện cùng một thời điểm tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề trong và ngoài nước. Vì vậy, việc sưu tầm tài liệu, hiện vật bằng các phương thức khác nhau luôn là vấn đề cần được tập trung thực hiện.

2.2 Công tác quản lý hiện vật, tư liệu

- Quản lý hiện vật: trước hết, cần phải tập trung thực hiện sắp xếp hiện vật, vệ sinh sạch sẽ kho tàng, đảm bảo môi trường ổn định cho hiện vật, đặc biệt là các kho lưu giữ hiện vật chất liệu hữu cơ.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, việc quản lý hiện vật tiếp cận xu thế hiện đại, tư liệu hóa, số hóa còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, trước mắt cần khắc phục, hoàn thiện việc thống nhất về nội dung lịch sử, hệ thống phích phiếu, hồ sơ khoa học hiện vật, đồng thời, chỉnh trang, sắp xếp, lên phương án mở rộng diện tích kho hữu cơ, đảm bảo quản lý khoa học, môi trường bảo quản an toàn cho hiện vật, từng bước cải tạo, nâng cấp hệ thống kho cơ sở 25 Tông Đản trong điều kiện kinh phí dự án.

Song song với các công tác này là việc tiếp tục hoàn thiện phần mềm, nhập dữ liệu thông tin và ảnh; tổ chức giám định bổ sung hồ sơ khoa học các sưu tập hiện vật chất liệu hữu cơ, kho kim loại phục vụ công tác tra cứu và trưng bày; nghiên cứu đánh giá, đề xuất bổ sung hiện vật còn thiếu; nghiên cứu, lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ, xây dựng địa hình, trước hết là các kho: gốm Việt Nam, gốm sứ Đông Nam Á, kho gỗ, kho đồ đồng, kho đá nguyên thủy, đá phong kiến…

 

Công tác đóng gói hiện vật để chuyển đi trưng bày tại Công hòa Liên bang Đức

- Tư liệu - thư viện: cần tập trung, tăng cường xây dựng hệ thống tài liệu lưu trữ, nghe nhìn theo các chủ đề, sưu tập; đầu tư khai thác thông tin tư liệu, nghiên cứu, xây dựng thành sản phẩm công bố dưới dạng bài viết và sách tham khảo.

Tất cả những công việc đó, nếu thực hiện tốt, sẽ là nền tảng cho việc tiến hành số hóa, tư liệu hóa, hiện đại hóa quản lý, khai thác tài liệu, hiện vật đạt được hiệu quả cao hơn đồng thời đảm bảo tiết kiệm thời gian và kinh phí.

2.3. Công tác bảo quản hiện vật

Tiếp tục thực hiện việc khảo sát, đánh giá tổng thể tài liệu, hiện vật trong kho và hệ thống trưng bày, lập kế hoạch bảo quản phòng ngừa tư liệu chất liệu hữu cơ, bảo quản cấp thiết phục vụ trưng bày thường trực, trưng bày chuyên đề trong nước và quốc tế.

Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có trình độ và chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu công việc tại bảo tàng và tham gia giúp đỡ các địa phương, các đối tác trong bảo quản hiện vật. Tham gia và thông qua các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, đánh giá kết quả, kinh nghiệm thực tiễn.

 

Cán bộ BTLSQG đang tu bổ bảo quản hiện vật

Bảo tàng luôn có mong muốn xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn chưa thể thực hiện bởi nguồn lực ngân sách còn hạn chế. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần sớm có sự chuẩn bị, tham khảo, xây dựng đề án, bổ sung các trang thiết bị, cũng như nguồn nhân lực thực hiện nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả khi có đủ điều kiện xây dựng phòng thí nghiệm theo chuẩn quốc tế.

2.4. Công tác trưng bày, giáo dục, truyền thông

- Công tác trưng bày: cần tăng cường rà soát, chỉnh trang hệ thống trưng bày thường xuyên đảm bảo thông tin khoa học, chính xác, khang trang, sạch đẹp; chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng các trưng bày chuyên đề, trong đó, cần tập trung hướng đến mô hình hợp tác với các tỉnh thành, các khu di tích lớn (Di sản Thế giới, Quốc gia đặc biệt) tổ chức trưng bày chuyên đề phục vụ các dịp lễ kỷ niệm, giới thiệu quảng bá di sản văn hóa địa phương, đặc sắc văn hóa vùng miền thông qua các phát hiện mới, di tích mới khai quật, kịp thời giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước

Đặc biệt, vấn đề cấp thiết hiện nay cần sớm được quan tâm, khắc phục, đó là hệ thống trưng bày thời kỳ cận hiện đại tại nhà trưng bày thường trực cơ sở 2 (216 Trần Quang Khải) với hiện trạng hệ thống trưng bày đã xuống cấp nghiêm trọng, tài liệu hiện vật cũ, mờ; đai vách trưng bày bị mối mọt xông rỗng, tường trần nhà ẩm mốc, dột… không chỉ gây hư hại đến tài liệu, hiện vật trưng bày mà còn có nguy cơ cho sức khỏe, tính mạng khách tham quan. Trước thực trạng đó, tùy theo điều kiện kinh phí cho phép, cần phải nâng cấp, chỉnh trang từng phần, tiến tới toàn bộ hệ thống.

Đối với các trưng bày chuyên đề, cần chủ động lập kế hoạch nghiên cứu, xây dựng các trưng bày chuyên đề giai đoạn lịch sử cận hiện đại, về Đảng, cách mạng, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Đặc biệt, cần hướng tới nghiên cứu, xây dựng các trưng bày chuyên đề phục vụ chỉnh lý, bổ sung hệ thống trưng bày thường trực (các trưng bày chuyên đề là các nội dung của hệ thống trưng bày thường trực), đây là giải pháp thực hiện một công việc đáp ứng được hai mục tiêu, tiết kiệm kinh phí và mang lại hiệu quả cao hơn, phù hợp với điều kiện thực tế khó khăn như hiện nay.

Đồng thời với việc tập trung chỉnh trang, nghiên cứu trưng bày là việc khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ khách tham quan như: khu dịch vụ, vệ sinh, bãi đỗ xe, giao thông nội bộ, liên kết 2 cơ sở, nhất là không gian trưng bày chuyên đề phần cổ trung đại quá nhỏ hẹp (chỉ hơn 60m2) như hiện nay đang rất hạn chế khả năng phát huy giá trị các trưng bày chuyên đề.

- Công tác giáo dục, công chúng: cần đẩy mạnh đổi mới, đa dạng hóa các phương thức và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ hướng dẫn, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khách tham quan, theo đó, cần sớm nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm mô hình xã hội hóa dịch vụ hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách tham quan trong nước và quốc tế.

Cần tập trung vào các chương trình giáo dục dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là các chương trình, hoạt động giáo dục đã trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia như: chương trình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, Giờ học lịch sử; chú trọng hơn sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà trường, các trường đại học với Bảo tàng, nâng cao chất lượng các tọa đàm, giao lưu, thuyết trình. Từ đầu năm 2020 tới nay, trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, khách tham gia các chương trình giáo dục của Bảo tàng bị hạn chế. Vì vậy, đây là thời điểm cần thiết và quan trọng để các cán bộ giáo dục tập trung, đẩy mạnh đầu tư học tập, trau dồi tri thức, nâng cao trình độ, nghiên cứu, khai thác tư liệu, xây dựng chương trình giáo dục, tài liệu học tập nhằm chuẩn bị “ngân hàng chương trình giáo dục” cũng như tăng cường chất lượng, đổi mới hình thức cho các chương trình, sẵn sàng phục vụ khi các chương trình hoạt động nối lại đảm bảo hiệu quả, hấp dẫn hơn.

 

Học sinh đóng kịch trong tiểu phẩm nói về câu chuyện xuất khẩu gốm Chu Đậu

 tại Bảo tàng Hải Dương, tháng 12/2012

- Công tác truyền thông: trong những năm qua, Bảo tàng đã từng bước tiếp cận và bước đầu thực hiện đề án truyền thông, quảng bá góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng truyền thông, thu hút khách. Mặc dù đạt kết quả bước đầu khá khả quan, nhưng với sự đầu tư về nguồn lực và kinh phí còn khiêm tốn nên hoạt động này đôi lúc còn cầm chừng, chưa bài bản và hệ thống. Để khắc phục tình trạng này, công tác truyền thông cần tập trung, đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hình thức Trang thông tin điện tử, nội dung tin bài với 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp tạo thành công cụ quan trọng, hữu hiệu để Bảo tàng tiếp cận sâu, rộng tới công chúng cũng như quảng bá về lịch sử, văn hóa Việt Nam với công chúng trong và ngoài nước; tăng cường chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ Tình nguyện viên…

Tăng cường phối hợp, kết nối với hệ thống bảo tàng, di tích, đơn vị du lịch lữ hành trên địa bàn Hà Nội và các thành phố; khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các tour, tuyến và sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn hơn.

Đặc biệt, cần tập trung đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thông, theo đó, cán bộ truyền thông cần phải chủ động nghiên cứu, xây dựng sản phẩm truyền thông mang đặc trưng của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

3. Một số định hướng trong thời gian tới

Trải qua gần 10 năm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã cố gắng nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đạt được một số thành quả nhất định và dần đi vào ổn định, làm nền tảng cho bước phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, dường như việc sáp nhập ở nhiều lĩnh vực hoặc bộ phận còn mang tính lắp ghép cơ học giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam mà chưa thực sự hòa quyện, hữu cơ, nhất là hệ thống trưng bày và quản lý hiện vật cần phải được điều chỉnh, nhằm tạo thành chỉnh thể thống nhất, xuyên suốt đúng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Để từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trước những yêu cầu mới, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cần có định hướng tập trung vào các vấn đề sau:

- Về tổ chức bộ máy và đào tạo cán bộ: cần sớm được kiện toàn, sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp đảm bảo phát huy cao nhất năng lực cán bộ; tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng mềm thông qua thực tiễn công việc, đảm bảo tất cả các cán bộ làm việc ở bất cứ vị trí nào, lĩnh vực nào cũng nắm được kiến thức cơ bản về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nói cách khác, dấu ấn chuyên môn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng thông qua năng lực, hiểu biết và tính chuyên nghiệp của cán bộ Bảo tàng. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, chuyên gia thực hiện tốt nhiệm vụ của Bảo tàng đồng thời tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ các bảo tàng, di tích trên cả nước.

- Về thực hiện các công tác chuyên môn, nghiệp vụ:

+ Cần sớm xây dựng quy trình, quy chuẩn trong từng lĩnh vực hoạt động và thống nhất thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc kế hoạch, quy trình thực hiện, đảm bảo từng bước chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa trong thực hiện, làm nền tảng cho việc phối hợp thực hiện công việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

+ Tập trung đầu tư công tác nghiên cứu, tăng cường hàm lượng khoa học trong từng công việc cụ thể của các phòng, ban chuyên môn; công tác thẩm định cần được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng công việc, sản phẩm…

- Về định hướng mục tiêu phát triển của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia:

Cùng với thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công việc cụ thể hàng năm, Bảo tàng cần lập kế hoạch tổng thể nhằm định hướng mục tiêu phát triển phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đó là một Bảo tàng Lịch sử Quốc gia quốc hoàn chỉnh, hiện đại([1] ). Theo đó, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, công việc cụ thể, các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ cần lồng ghép xây dựng kế hoạch thực hiện “nhiệm vụ kép”. Định hướng này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn như: trưng bày (nghiên cứu, xây dựng nội dung), sưu tầm, tư liệu, quản lý, bảo quản (chuẩn bị nguồn tài liệu, hiện vật, dữ liệu tốt cho nghiên cứu, xây dựng nội dung trưng bày)... Đây là bước chuẩn bị quan trọng, mất nhiều thời gian, công sức, tập trung trí tuệ của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài Bảo tàng…, nên rất cần được tập trung định hướng thực hiện sớm, lồng ghép trong các hoạt động thường xuyên của Bảo tàng. Có như vậy mới kịp thời đáp ứng yêu cầu và đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi khi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có đủ điều kiện xây dựng Bảo tàng mới và đi vào vận hành khai thác.

Trên đây là một vài suy nghĩ xuất phát từ việc đánh giá thực trạng hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có nhiều khó khăn, phức tạp. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vì thế công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ có nhiều cơ hội, song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự giúp đỡ của các cơ quan, đối tác trong và ngoài nước. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp hơn nữa trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Đoàn

 

 

 



[1] Đó có thể là một công trình mới, ở vị trí mới như Dự án Đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang tiến hành, hoặc tại vị trí Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện tại được đầu tư mở rộng, bằng hệ thống “ngầm hóa” nhằm liên thông 2 cơ sở hiện tại thành một thể thống nhất, đồng thời kết nối với các điểm tham quan xung quanh như Nhà hát Lớn, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội… tạo thành một quần thể du lịch hấp dẫn.

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2935

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận hiện vật hiến tặng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận hiện vật hiến tặng

  • 27/08/2020 10:27
  • 1537

Ngày 18/8/2020, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) khai mạc trưng bày chuyên đề “Ngày Độc lập 2 - 9” và tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng của ông Trần Ngọc Quyên - nguyên Phó Tổng Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Đức.