Chiều 9/5/2019 Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp viện: “Nghiên cứu, bổ sung thông tin, góp phần xây dựng sưu tập tài liệu, hiện vật Hội nghị Paris về Việt Nam (5/1968-3/1973) tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia” của nhóm tác giả phòng Tư liệu - Thư viện do Cử nhân Chu Văn Lộc làm Chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài do GS.TS. Phạm Mai Hùng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt nam) làm Chủ tịch.
Tham dự buổi nghiệm thu có TS. Nguyễn Văn Cường - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia - Giám đốc BTLSQG, nhóm thực hiện đề tài; đại diện các phòng, ban và cán bộ chuyên môn của bảo tàng.
Toàn cảnh buổi bảo vệ nghiệm thu
GS.TS. Phạm Mai Hùng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt nam) phát biểu
Theo báo cáo của Chủ nhiệm đề tài hiện kho cơ sở của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ một số lượng lớn về tư liệu, hình ảnh, hiện vật giai đoạn 1954-1975 trong đó có sưu tập tài liệu, hình ảnh, hiện vật Hội nghị Paris về Việt Nam. Đây là sưu tập tư liệu, hiện vật có giá trị về mặt lịch sử đánh dấu một mốc son trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, sưu tập hiện vật này vẫn chưa được thống kê, sắp xếp, xác minh bổ sung thông tin một cách khoa học đã dẫn đến hạn chế khả năng phát huy tác dụng của nhóm tư liệu hiện vật này trong các hoạt động chuyên môn của bảo tàng.
Cử nhân Chu Văn Lộc - trình bày tóm tắt đề tài
Với kết cấu 3 chương, đề tài đã giải quyết được một số nội dung về: Đánh giá thực trạng tài liệu hình ảnh, hiện vật Hội nghị Paris về Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Thẩm định, xác minh bổ sung thông tin cho các tài liệu hình ảnh, hiện vật bước đầu hoàn thiện sưu tập Hội nghị Paris về Việt Nam; Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng gìn giữ và phát huy giá trị của sưu tập trên.
Trong quá trình nghiên cứu thẩm định xác minh bổ sung thông tin cho sưu tập, nhóm tác giả đã gặp gỡ các nhân chứng trực tiếp tham dự Hội nghị Paris như: Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam trong giai đoạn 1968-1973; ông Phạm Ngạc, thư ký kiêm phiên dịch viên cho Đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris giai đoạn 1968-1973 và đã được các nhân chứng trao cho một số hiện vật quí như: Túi xách được bà Nguyễn Thị Bình sử tại Hội nghị Paris giai đoạn 1970 - 1973, hay các tập nhật ký ghi lại các hoạt động của đoàn đàm phán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris giai đoạn 1968 - 1973, một số hình ảnh về Hội nghị Paris mà trong bộ sưu tập ảnh của bảo tàng còn thiếu. Nhưng quan trọng nhất là được hai nhân chứng giúp cho việc bổ sung thông tin trên các hình ảnh Hội nghị Paris về Việt Nam mà bảo tàng còn thiếu, hoặc sơ sài về nội dung như thời gian, địa điểm, nhân vật trong ảnh.
Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình - một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định
Phỏng vấn ông Phạm Ngạc, thư ký kiêm phiên dịch viên cho Đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris giai đoạn 1968-1973
Ngoài ra thông qua việc trao đổi thông tin với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, chúng tôi đã tiếp nhận một số tư liệu hình ảnh, đĩa phim tư liệu, tài liệu văn bản của Hội nghị Paris về Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau như: Cục Lưu trữ Trung ương II, III, Cục Lưu trữ văn phòng TW Đảng, Cục Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ…từ đó chúng ta có cách nhìn nhận sự kiện lịch sử trên với các thông tin đa chiều, khách quan.
Túi xách - Bà Nguyễn Thị Bình sử dụng tại Hội nghị Paris giai đoạn 1970-1973
Một số tài liệu, nhật ký của ông Phạm Ngạc ghi lại các hoạt động của đoàn đàm phán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris giai đoạn 1968-1973
Đây là đề tài khoa học mang tính thực tiễn. Kết quả của đề tài sẽ giúp cho các cán bộ chuyên môn có điều kiện nghiên cứu, đánh giá, thống kê tổng hợp một cách đầy đủ về nguồn tài liệu, hiện vật Hội nghị Paris về Việt Nam, đề xuất hướng sưu tầm bổ sung và kế hoạch bảo quản và khai thác phát huy giá trị. Với việc hiệu đính, xác minh, bổ sung thông tin, hoàn thiện hồ sơ tài liệu, hiện vật Hội nghị Paris về Việt Nam, sẽ phục vụ cho công tác tư liệu hóa, số hóa, nhằm bảo quản lâu dài nguồn tài liệu này, đồng thời phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học và trưng bày của bảo tàng.
Hoàng Ngọc Chính