Hội thảo khoa học quốc tế “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh kỹ nghệ ghè hai mặt ở châu Á” được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức tại thị xã An Khê (Gia Lai) từ ngày 29 đến 30 tháng 3 năm 2019.
Toàn cảnh hội thảo
Từ năm 2014 đến năm 2018, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosobirisk (Liên bang Nga) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã phát hiện 23 địa điểm thuộc sơ kỳ thời địa đá cũ trên địa bàn thị xã An Khê (Gia Lai). Trong đó có 4 địa điểm được khai quật gồm Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 và Gò Đá đã được khai quật, thu được hàng nghìn công cụ đá, hàng trăm mảnh tecktit (thiên thạch) trong địa tầng.
Bản đồ các địa điểm Sơ kỳ Đá cũ ở An Khê(Nguồn: Nguyễn Khắc Sử)
Những công cụ đá ở đây được làm từ đá cuội quartz, quartzite, kích thước lớn, vết ghè thô sơ, tiêu biểu là tổ hợp công cụ ghè 2 mặt – rìu tay, công cụ ghè hết 1 mặt, mũi nhọn/mũi nhọn tam diện, công cụ chặt thô, nạo… phản ánh đặc trưng di tích sơ kỳ Đá cũ. Các nhà khảo cổ học đã phân tích niên đại đối với các mẫu tecktit bằng phương pháp K/Ar cho kết quả 806.000 năm và 782.000 20.000 năm cách ngày nay.
Rìu tay Sơ kỳ đá cũ An Khê(Nguồn: Nguyễn Khắc Sử)
Các mảnh Tecktit
Phát hiện kỹ nghệ An Khê đã cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu mới, làm thay đổi một số nhận thức về lịch sử văn hóa giai đoạn cổ xưa nhất của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đến dự Hội thảo có trên 250 đại biểu là nhà khoa học đến từ các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanma, Nga, Pháp, Ba Lan… và các đại biểu là nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.
Đại biểu tham quan tại địa điểm Rộc Tưng 4
Tham dự hội thảo, các đại biểu được đến tham quan các công trường khai quật di tích sơ kỳ đá cũ và nhà trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo.
Phòng trưng bày Sơ kỳ Đá cũ An Khê tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận xung quanh các vấn đề liên quan đến quá trình phát hiện, khai quật và nghiên cứu các địa điểm sơ kỳ đá cũ tại An Khê đồng thời có sự so sánh với những di tích sơ kỳ đá cũ tại những di tích ở khu vực châu Á. Từ đó, làm rõ được kỹ nghệ ghè 2 mặt đối với các công cụ đá cũ phát hiện tại An Khê. Hội thảo cũng bàn tới việc áp dụng những phương pháp nghiên cứu khảo cổ học hiện đại đối với các di tích sơ kỳ đá cũ An Khê, đồng thời đề xuất những phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích này trong thời gian tới.
Sau hội thảo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức tuần lễ Sơ kỳ đá cũ An Khê. Các nhà khoa học cũng như công chúng quan tâm sẽ được tạo điều kiện đến tham quan có thuyết minh nhà bảo tồn di tích Rộc Tưng và phòng trưng bày đá cũ An Khê tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo. Đây là hoạt động nhằm quảng bá di tích cũng như tuyên truyền cho người dân về về ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích An Khê đối với tiến trình phát triển của loài người.
Chu Mạnh Quyền