Chiều ngày 29 tháng 3 năm 2019, tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ đã nghiệm thu và đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu bảo quản hiện vật khảo cổ học chất liệu đồng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia” do TS Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia làm chủ nhiệm.
Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ gồm 7 thành viên do TS Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa làm Chủ tịch Hội đồng.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Hội đồng nghe đại diện nhóm thực hiện đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trong 2 năm 2017 -2018. Các ủy viên phản biện và các thành viên Hội đồng sau khi thảo luận đã đánh giá cao những kết quả mà đề tài đã thực hiện được. Đây là một trong số ít những đề tài nghiên cứu KHCN về lĩnh vực bảo quản, có ý nghĩa thực tiễn và ứng dụng cao, đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết tại các bảo tàng trong cả nước.
TS. Nguyễn Văn Đoàn – Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại buổi nghiệm thu
Qua các số liệu nghiên cứu, phân tích theo các phương pháp được thực hiện trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên thực tế nhóm nghiên cứu đã đạt được các mục tiêu nghiên cứu đề ra. Cụ thể như sau:
- Đã tập hợp, đánh giá giá trị, tình trạng bảo quản của sưu tập hiện vật khảo cổ học chất liệu đồng đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Kết quả cho thấy, bộ sưu tập có số lượng rất lớn và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật;
- Đã nghiên cứu thành phần hóa học, cấu trúc của lớp patin và lõi hợp kim. Kết quả cho thấy sự khác biệt lớn giữa lớp patin và lõi hợp kim; thành phần hóa học, cấu trúc bề mặt của lớp patin rất đa dạng, thậm chí, ngay trong một hiện vật cũng có nhiều khác biệt, tùy thuộc vào từng vị trí nghiên cứu, phân tích.
- Kết quả nghiên cứu cho thấy, ăn mòn hiện vật là một quá trình phức tạp, với nhiều tác nhân tham gia, trong đó, clorua là tác nhân gây ăn mòn điển hình cho hiện vật, nhưng không phải mọi sự ăn mòn đều do clorua gây ra; dạng ăn mòn axetat cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra sự hư hại cho hiện vật.
- Đã nhận dạng được những hiện vật bị hư hại và xây dựng qui trình làm sạch hiện vật, loại bỏ tác nhân ăn mòn.
- Xác định được chất ức chế ăn mòn phù hợp đối với hiện vật khảo cổ học chất liệu đồng là BTA với nồng độ tối ưu là 4%- 5%, thời gian ức chế ít nhất là 24 h.
- Thử nghiệm các chỉ tiêu về độ bám dính, độ bền uốn và độ bền va đập của keo B72 đều đạt được các thông số tốt nhất theo thang đo TCVN, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về mặt vật lý của chất tạo màng. Nồng độ B72 tối ưu để bảo vệ hiện vật là 3- 4%.
- Xác định được khả năng bảo vệ chống ăn mòn đồng thời của BTA và B72 luôn tốt hơn khả năng bảo vệ của từng chất đơn lẻ BTA hay B72.
- Xây dựng được qui trình bảo quản hiện vật khảo cổ học chất liệu đồng: bao gồm đầy đủ các công đoạn, bảo quản hiện vật tuân theo đúng các nguyên tắc về bảo tàng học trong bảo quản hiện vật bảo tàng: loại vật tư, hóa chất sử dụng, nồng độ hóa chất và kỹ thuật ứng dụng kèm theo những yêu cầu khuyến nghị trong bảo quản phòng ngừa.
- Đã bảo quản thử nghiệm 31mẫu hiện vật tiêu biểu cho các dạng hư hại thuộc sưu tập hiện vật khảo cổ học chất liệu đồng lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia theo qui trình.
Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số kiến nghị đề xuất:
Để cho công tác bảo quản hiện vật nói chung và hiện vật khảo cổ học chất liệu đồng nói riêng có tính bền vững, các bảo tàng cần hết sức trú trọng đến công tác bảo quản phòng ngừa, tổ chức sắp xếp kho khoa học, hiện vật sau bảo quản phải được lưu giữ trong môi trường trong sạch, ổn định, biên độ giao động của độ ẩm tương đối không quá 5% và độ ẩm không quá 40C trong vòng 24h.
Bên cạnh đó, các bảo tàng cần quan tâm đến công tác đào tạo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ, đặc là các cán bộ có nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp đến hiện vật như nhân viên quản lý kho, trưng bày, bảo quản,.. Việc tập huấn hiệu quả góp phần vào giảm thiểu các nguy hiểm rủi ro đối với hiện vật liên quan đến việc cầm nắm và di chuyển hiện vật, sử dụng hiện vật không đúng cách.
Nghiên cứu khoa học chuyên sâu và khảo sát chuyên môn sâu về hiện vật bảo tàng là mức độ thứ tư (mức độ cao nhất trong công tác bảo quản hiện vật bảo tàng) góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ, tri thức khoa học và hoạt động nghiệp vụ bảo quản ở tầm mức quốc tế. Để nâng cao tiềm năng bảo quản và phát triển những chương trình mới đem lại lợi ích lâu dài cho công tác bảo quản hiện vật bảo tàng nói riêng và di sản văn hóa nói chung, rất mong các cơ quan quản lý nhà nước, các bảo tàng và đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho các chương trình dự án, các đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bảo quản hiện vật với những chất liệu khác nhau như hiện vật khảo cổ học, hiện vật chất liệu giấy, đồ dêt, gỗ, gốm,… đang là những vấn đề cấp bách và thách thức lớn trong công tác bảo tồn tại các bảo tàng và di tích.
Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, trên cơ sử thống nhất những ý kiến của các thành viên Hội đồng, TS. Nguyễn Thế Hùng đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu, đề tài đã cơ bản giải quyết tốt mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, để hoàn thiện đề tài, nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa một số vấn đề như góp ý của các thành viên hội đồng.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại : Xuất sắc ./.
Nguyễn Hương Thơm