Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/11/2018 16:21 2156
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ ngày 2 đến 8/11/2018, tại thủ đô Phnom Penh và Siem Reap (Campuchia) Trung tâm Châu Á Sophia về Nghiên cứu và Phát triển Con người thuộc Đại học Sophia (Nhật Bản) (gọi tắt là Trung tâm Châu Á Sophia) đã phối hợp với Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia tổ chức hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu khoa học và xuất bản phẩm về những hiện vật được phát hiện tại các lăng mộ và di tích khảo cổ học”.

Từ ngày 2 đến 8/11/2018, tại thủ đô Phnom Penh và Siem Reap (Campuchia) Trung tâm Châu Á Sophia về Nghiên cứu và Phát triển Con người thuộc Đại học Sophia (Nhật Bản) (gọi tắt là Trung tâm Châu Á Sophia) đã phối hợp với Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia tổ chức hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu khoa học và xuất bản phẩm về những hiện vật được phát hiện tại các lăng mộ và di tích khảo cổ học”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia -  Bà Phoeurng Sackona phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, Phnom Penh, ngày 3 tháng 11 năm 2018

Đây là hội thảo quốc tế về Bảo tàng và Di sản văn hóa ASEAN lần thứ 2 do Trung tâm Châu Á Sophia đứng ra tổ chức. Có trụ sở tại thành phố Siem Reap (Campuchia), Trung tâm Châu Á Sophia là đơn vị đã tham gia các hoạt động bảo tồn và khôi phục di tích Angkor, phát triển nguồn nhân lực cũng như các hoạt động khác có liên quan từ năm 1996. Tham gia hội thảo lần này có 33 thành viên là giám đốc, lãnh đạo, các chuyên gia, cán bộ làm công tác bảo tàng đến từ 10 nước ASEAN và Nhật Bản. Đoàn Việt Nam có đại diện tham gia là 2 cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Với chủ đề “Nghiên cứu khoa học và xuất bản phẩm về những hiện vật được phát hiện tại các lăng mộ và di tích khảo cổ học”, bao gồm các hoạt động chính: Trình bày các báo cáo của từng quốc gia, thảo luận, trao đổi; khảo sát thực địa một số di tích và bảo tàng tại 2 địa điểm Phnom Penh và Siem Reap,   hội thảo tập trung vào 4 mục tiêu/ vấn đề trọng tâm:

1.Nghiên cứu khoa học về các hiện vật, bao gồm cả các di vật phát hiện tại di tích lăng mộ cũng như di tích mới khai quật và công bố, xuất bản kết quả nghiên cứu đó.

2.Thảo luận về nghiên cứu khoa học và công bố các hiện vật, đưa ra các câu hỏi về nguồn gốc hiện vật, phát hiện ở đâu, niên đại, mục đích tạo ra, chất liệu, loại hình, tính năng đặc biệt, ai là người đầu tiên phát hiện ra và thu thập chúng.

3.Thực hiện cuộc khảo sát, điều tra thực địa tại: Di tích đền Bakan (Preah Khan) thuộc tỉnh Kompong Svay (xây dựng giữa thế kỷ 11) - một di tích lớn gấp 5 lần so với Angkor Wat, với rất nhiều hiện vật hiện vẫn được giữ nguyên vị trí như từ khi phát hiện - (năm 1937); Trung tâm Bảo quản Angkor, Bảo tàng Quốc gia Campuchia và Bảo tàng Preah Norodom Sihanouk- Angkor.

4.Từ kết quả của hội thảo, xây dựng một báo cáo với tiêu đề “Nghiên cứu thực địa về các hiện vật chưa được công bố ở 10 quốc gia ASEAN” bằng tiếng Anh và tiếng Nhật. Báo cáo là lời kêu gọi của 10 nước ASEAN về những vấn đề cấp thiết liên quan đến các hiện vật chưa được công bố của 10 nước ASEAN trình lên Hội nghị Bảo tàng thế giới (ICOM) năm 2019 sẽ được tổ chức tại Kyoto (Nhật Bản).

Tại hội thảo, đoàn Việt Nam đã trình bày bản báo cáo: “Kết quả khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và những giá trị nghiên cứu mới từ di tích Tháp Mẫm”. Đây là một trong những bản báo cáo bám sát chủ đề và nội dung mà hội thảo đưa ra, đã nhận được sự quan tâm, trao đổi, thảo luận tích cực từ các chuyên gia, đại biểu tham dự.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, đại biểu đoàn Việt Nam trình bày báo cáo tại hội thảo Siem Reap, ngày 6 tháng 11 năm 2018

Có thể nói, đây là một cuộc hội thảo quốc tế rất có ý nghĩa, với một tầm nhìn nhằm xây dựng một mạng lưới hợp tác và thúc đẩy mối quan hệ, giao lưu giữa các nhà nghiên cứu, những người làm công tác bảo tàng - chịu trách nhiệm sưu tầm, gìn giữ, phát huy giá trị  những di sản văn hóa được phát hiện ở Đông Nam Á.  Hội thảo đã đem đến cho các thành viên đến từ các quốc gia Đông Nam Á cơ hội, định hướng phát triển các ý tưởng liên quan đến việc bảo tồn và trưng bày, phát huy các di sản văn hóa: Đó là sự cần thiết phải đầu tư thích đáng cho công tác  nghiên cứu khoa học, nghiên cứu di tích, nghiên cứu thực địa, nghiên cứu di vật làm sao để trong trưng bày tại bảo tàng cũng như giới thiệu tại di tích có sự kết nối, có đầy đủ thông tin, câu chuyện, đặt hiện vật trong bối cảnh, ngữ cảnh của nó; Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể như di tích, di vật… cần quan tâm thỏa đáng cho việc nghiên cứu và phát huy giá trị các văn hóa phi vật thể liên quan gắn liền với những di tích, di vật đó.

Các đại biểu khảo sát thực địa di tích Đền Bakan (Preah Khan) thuộc tỉnh Kompong Svay, Campuchia, ngày 4 tháng 11 năm 2018

Các đại biểu tham gia hội thảo tham quan công trường bảo quản tại quần thể  Di sản Văn hóa Thế giới Angkor Wat,  Siem reap, Campuchia, ngày 6 tháng 11 năm 2018

Các đại biểu tham dự hội thảo đến từ 10 quốc gia ASEAN và Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Trung tâm Châu Á Sophia về Nghiên cứu và Phát triển Con người thuộc Đại học Sophia (Nhật Bản)

Việc tham gia hội thảo quốc tế mang tính chuyên đề “Nghiên cứu khoa học và xuất bản phẩm về những hiện vật được phát hiện tại các lăng mộ và di tích khảo cổ học” lần này thật sự là một cơ hội quí giá, bổ ích, là dịp để cán bộ bảo tàng của Việt Nam được học hỏi, mở rộng sự hiểu biết chuyên sâu về di vật, quần thể di tích Angkor, về Vương quốc Khmer trong lịch sử cũng như các di tích, di vật khảo cổ tiêu biểu khác của các nước ASEAN. Đồng thời chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản từ kinh nghiệm của các đồng nghiệp đến từ các bảo tàng khác nhau trong khối ASEAN

Mai Thủy
 Phòng Giáo dục, Công chúng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2842

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

BTLSQG tiếp đón và làm việc với Bảo tàng Quốc gia Gwangju

BTLSQG tiếp đón và làm việc với Bảo tàng Quốc gia Gwangju

  • 14/11/2018 15:43
  • 1673

Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã làm việc với Bảo tàng Quốc gia Gwangju để khảo sát các di chỉ gốm sứ tại xã Thanh Khơi, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương từ ngày 05-14/11/2018.