Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/01/2018 22:29 3168
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2014, phòng Giáo dục, Công chúng đã tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học tập tại một số bảo tàng trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm cập nhật thông tin, tiếp cận thực tế để trao đổi, học tập kinh nghiệm hướng dẫn khách tham quan và kinh nghiệm, phương pháp xây dựng, tổ chức và thực hiện các chương trình, hoạt động giáo dục, công chúng từ các bảo tàng bạn. Trên cơ sở đó, từng bước nâng cao, hoàn thiện và chuẩn hoá đội ngũ hướng dẫn viên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia kịp thời đáp ứng yêu cầu của công chúng cũng như thu hút khách tham quan bảo tàng.

Tại các bảo tàng, các cán bộ của Phòng Giáo dục, Công chúng đã được Ban Lãnh đạo, các trưởng, phó phòng cùng các cán bộ phòng chuyên môn đón tiếp, giới thiệu qua đó giúp cán bộ nắm được kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ hiểu biết về lịch sử, văn hóa,...đồng thời trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về nghiệp vụ đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, phương pháp xây dựng các chương trình giáo dục, các chương trình dành cho công chúng và cách thức tổ chức các hoạt động đó.

Đến tham quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, các cán bộ phòng Giáo dục, Công chúng đã được hướng dẫn viên của Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh hướng dẫn tham quan toàn bộ hệ thống trưng bày của bảo tàng. Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh nằm trong hệ thống Bảo tàng lực lượng vũ trang, được thành lập ngày 19/05/1999 trên cơ sở Bảo tàng Đường Trường Sơn trong những năm chiến tranh, có khuôn viên rộng trên 20.000 m2 nằm ở phía Tây thủ đô Hà Nội, diện tích trưng bày trong nhà 2.700 m2. Đây là một công trình văn hóa mang tính đặc thù của Bộ đội Trường Sơn, nơi duy nhất ở Việt nam lưu giữ những tài liệu, hiện vật về một con đường ở một bảo tàng riêng: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Với hơn 15.000 hiện vật gốc, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh có một quy mô không nhỏ so với hệ thống các bảo tàng trên toàn quốc.

Hệ thống trưng bày Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh phản ánh một cách sinh động sự trưởng thành, lớn mạnh của bộ đội Trường Sơn trên con đường huyền thoại với ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm, trí thông minh của con người Việt Nam và tình đoàn kết chiến đấu của 3 dân tộc Đông Dương, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn mùa xuân 1975, kết thúc 30 năm chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Cán bộ phòng Giáo dục, Công chúng tham quan hệ thống trưng bày Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

Tại đây, các cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng được trực tiếp nghe, quan sát, tìm hiểu trực tiếp rất nhiều hiện vật đã cùng nhân dân, chiến sỹ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, hiểu rõ hơn tội ác chiến tranh của giặc Mỹ, nêu cao tinh thần yêu nước, nhân đạo của con người Việt Nam. Đó thực sự là những kiến thức bổ ích và sống động, mang lại cảm xúc lịch sử - một yếu tố rất cần thiết đối với người làm hướng dẫn, góp phần thực hiện công tác hướng dẫn ở BTLSQG tốt hơn.

Sau khi tham quan và nghe giới thiệu, hầu hết các cán bộ đều cảm nhận sâu sắc rằng, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, các chiến sỹ đã tự làm ra những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày từ chiến lợi phẩm (vỏ pháo, vỏ đạn mà giặc Mỹ sử dụng để tàn phá đất nước ta). Cùng một đồ vật, nhưng tùy vào con người, mục đích sử dụng của nó lại khác nhau đem lại kết quả không giống nhau. Trong tay giặc Mỹ, đó là những vũ khí sát nhân, trong tay nhân dân Việt Nam, đó lại là những đồ vật hữu ích cho cuộc sống.

Mặc dù nằm ở khá xa trung tâm nhưng hàng năm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đón tiếp hơn một trăm nghìn lượt khách đến tham quan và học tập. Đó không chỉ là những cựu chiến binh, sinh viên các trường quân sự, các trường đại học mà còn là các em học sinh ở các cấp học phổ thông.

Trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

Với diện tích trưng bày trong nhà 2.700 m2, tuy chưa thật đầy đủ, nhưng dường như các cán bộ đã được nhìn tận mắt đường Trường Sơn thu nhỏ và cảm nhận những khó khăn, gian lao, ác liệt trên những đoạn cung đường để từ đó trân trọng những thành tựu và sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp những người con thân yêu một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để bảo vệ độc lập dân tộc.

Đến với Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một không gian với nhiều cây xanh đem đến cho các cán bộ một cảm giác dễ chịu, thoải mái, gần gũi như những hướng dẫn viên ở đây vậy. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tọa lạc trên khuôn viên hơn 54.000 m2, nằm giữa bốn dãy phố, cổng chính ở đường Quốc Tử Giám, phía Bắc giáp đường Nguyễn Thái Học, phía Đông giáp phố Tôn Đức Thắng, phía Tây là phố Văn Miếu và gồm 5 khu, bắt đầu từ cổng chính Văn Miếu đến khu Thái Học.

Khi tham quan đến khu thứ hai, các cán bộ phòng Giáo dục, Công chúng được nghe giới thiệu về Khuê Văn Các. Khuê Văn Các là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ song tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông, bên dưới đỡ tầng gác phía trên, có những kết cấu gỗ đẹp. Tầng trên có 4 cửa hình tròn, hàng lan can con tiện và con sơn đỡ mái bằng gỗ đơn giản, mộc mạc. Gác là một lầu vuông tám mái, bốn bên tường gác là cửa sổ tròn hình mặt trời tỏa tia sáng. Hình tượng Khuê Văn Các mang tất cả những tinh tú của bầu trời tỏa xuống trái đất và trái đất nơi đây được tượng trưng hình vuông của giếng Thiên Quang. Công trình mang vẻ đẹp sao Khuê, ngôi sao sáng tượng trưng cho văn học. Đây thường được dùng làm nơi thưởng thức các sáng tác văn thơ từ cổ xưa cho tới nay.

Hai bên hồ nước Thiên Quang Tỉnh là hai khu nhà bia Tiến sĩ. Bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng Nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng rùa. Hiện còn 82 tấm bia tiến sĩ về các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779, chia đều cho hai khu tả và hữu, trong đó 12 tấm bia đầu tiên được dựng vào thời Lê Sơ, 2 bia được dựng vào triều Mạc, còn 68 bia cuối cùng được dựng vào thời Lê Trung Hưng.

Cuối cùng là khu Thái học, trước kia đây là khu đền khải thánh, thờ bố mẹ Khổng Tử, nhưng đã bị phá hủy. Khu nhà Thái Học mới được xây dựng lại năm 2000. Trải qua bao thăng trầm và những biến cố của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không còn nguyên vẹn như xưa. Những công trình thời Lý, thời Lê hầu như không còn nữa. Song Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn giữ nguyên được những nét tôn nghiêm cổ kính của một trường đại học có từ gần 1.000 năm trước của Hà Nội, xứng đáng là khu di tích văn hóa hàng đầu và mãi là niềm tự hào của người dân Thủ đô. Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội.

 Tham quan Di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hàng năm, di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón từ 1,5 - 1,6 triệu lượt khách; 200 - 300 đoàn học sinh; tổ chức 3 - 4 cuộc triển lãm. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường là nơi tổ chức trao bằng Tiến sĩ, tuyên dương thủ khoa đỗ đại học hằng năm, thủ khoa các trường đại học và các sự kiện văn hóa quan trọng khác. Đây cũng là nơi hàng năm tiếp đón hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Qua trao đổi nghiệp vụ, cán bộ BTLSQG học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị đón tiếp các đoàn nguyên thủ quốc gia hay công tác đào tạo, đào tạo lại, tuyển chọn hướng dẫn viên,... Đối với những đoàn nguyên thủ quốc gia, trước khi đến tham quan di tích, các hướng dẫn viên của di tích đã tìm hiểu thông tin về các nguyên thủ được đón tiếp, về đất nước, lịch sử văn hóa dân tộc và tìm được sự tương đồng giữa hai nền văn hóa. Đến với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các cán bộ phòng Giáo dục, Công chúng đã học được rất nhiều điều. Các hướng dẫn viên làm việc tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều tốt nghiệp các chuyên ngành văn hóa; du Lịch; ngoại ngữ,... và được tuyển chọn rất kỹ càng về hình thức và giọng nói. Một khâu không thể thiếu trong việc đào tạo hướng dẫn đó là việc 6 tháng rà soát lại đội ngũ thuyết minh, cán bộ đi trước sẽ hướng dẫn người đi sau để cùng rút kinh nghiệm và cùng nhau học tập.      

Đến với Di tích Hỏa Lò, khi các cán bộ bước chân vào cổng di tích thì dường như đó là một cảm xúc chưa bao giờ được trải nghiệm. Một không gian tĩnh lặng, lạnh lẽo và thiếu ánh sáng khác với hẳn với những địa điểm tham quan khác. Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây năm 1896, với mục đích giam giữ những người chống chế độ thực dân. Tên tiếng Pháp của nhà tù này lúc bấy giờ là Maison Centrale nghĩa tiếng Việt là Ngục thất Hà Nội. Nhà tù này được chia làm bốn khu: A, B, C và D.

Khu A và B dành cho phạm nhân đang được cứu xét, phạm nhân quan trọng hoặc những tù nhân vi phạm kỷ luật nhà tù.

Khu C giam giữ phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc.

Khu D là nơi phạm nhân bị tử hình chờ ngày duyệt y hoặc giảm án.

Thiết kế của nhà tù rất kiên cố, đó là những bức tường bằng đá, cao 4m, dày 0,5m, được gia cố thêm dây thép gai được kích hoạt điện. Trong khuôn viên của nhà tù, bốn góc chiếu theo bốn hướng đều có những tháp canh để theo dõi và quan sát. Lúc ban đầu thiết kế xây dựng chỉ cho phép Hỏa Lò giam giữ khoảng 500 tù nhân. Nhưng càng ngày, diện tích Hỏa Lò càng tăng dần, số lượng tù nhân giam giữ càng ngày càng lớn, như từ năm 1950 - 1953, nhà tù chứa gần 2.000 tù binh với chế độ giam giữ, ép cung cực kỳ hà khắc. Cùng với vũ khí man rợ nhất của Thực dân Pháp là cỗ máy chém khổng lồ, nhà tù Hỏa lò được biết đến là một trong 10 nhà tù khét tiếng nhất Thế giới.

Sau ngày thủ đô hoàn toàn giải phóng (10 - 10 - 1954), nhà tù Hỏa Lò đặt dưới sự quản lý của chính quyền Cách mạng. Từ năm 1964 - 1973, nhà tù Hỏa Lò còn được sử dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Năm 1993, trên nền đất của Hỏa Lò cũ, Tháp Hà Nội, một trung tâm thương mại được xây dựng, phần còn lại trở thành di tích lịch sử Cách mạng đặc biệt của Thủ đô, đó là chứng tích tội ác của thực dân Pháp. Nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu, hồ sơ về những tấm gương bất khuất, chiến đấu hy sinh oanh liệt của nhiều thế hệ các chiến sĩ cộng sản bị địch bắt tù đày.

Hàng năm, Di tích Hỏa Lò đón hơn 200.000 nghìn lượt khách tham quan trong đó có tới 20 - 30 đoàn đăng ký hướng dẫn mỗi tháng.

Khu di tích Hỏa Lò hiện còn khá nguyên vẹn với nhiều tư liệu quý, được trưng bày khoa học, là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Thủ đô.

Sau đợt tham quan, học tập, trao đổi nghiệp vụ với các lãnh đạo và đồng nghiệp ở các bảo tàng, di tích ở Hà Nội, đặc biệt, với sự nhiệt tình, đam mê công việc của họ đã giúp cho các cán bộ phòng Giáo dục, Công chúng tiếp cận được thực tế, nâng cao sự hiểu biết, rút ra những kinh nghiệm và dần hình thành những ý tưởng xây dựng các chương trình giáo dục, chương trình dành cho công chúng phù hợp với quy mô của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Qua đây, chúng tôi một lần nữa hiểu được rằng, muốn hoàn thành tốt công việc, trở thành một cán bộ giỏi phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với công việc, thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức, phải có tinh thần làm việc nhiệt tình, năng động, thái độ phục vụ khách tận tình, khiêm tốn.        

Các cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng mong muốn hàng năm được sự quan tâm của Ban lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Phòng Giáo dục, công chúng sẽ tổ chức được nhiều chuyến tham quan, học tập bổ ích hơn nữa.

Nguyễn Thị Thảo (Phòng GDCC)

bảo tàng lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2935

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Cu-ba đến thămBảo tàng Lịch sử quốc gia

Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Cu-ba đến thămBảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 27/01/2018 22:29
  • 2284

Sáng ngày 11/9/2014, Ông Bru-nô Rô-đri-ghết Pa-ri-gia, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hoà Cu-ba đã đến thăm Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 9 năm 2014.