Vào cuối tháng 12/2006, một ngôi mộ có kết cấu lạ bằng gạch được gia đình bà Hoàn tình cờ phát hiện trong khi hạ ruộng để trồng lúa vụ Đông – Xuân. Đây là cánh đồng Cửa Đền nằm giữa thôn Dục Tú ở phía bắc và Xóm Vang (xã Cổ Loa) ở phía nam, cách UBND xã Dục Tú khoảng 1.000m.
Vào cuối tháng 12/2006, một ngôi mộ có kết cấu lạ bằng gạch được gia đình bà Hoàn tình cờ phát hiện trong khi hạ ruộng để trồng lúa vụ Đông – Xuân. Đây là cánh đồng Cửa Đền nằm giữa thôn Dục Tú ở phía bắc và Xóm Vang (xã Cổ Loa) ở phía nam, cách UBND xã Dục Tú khoảng 1.000m.
Ngay sau đó các cơ quan chức năng đã vào cuộc, ngày 15/1/07, Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật “chữa cháy” ngôi mộ gạch này. Với diện tích khai quật khoảng 30m2, đã làm xuất lộ hoàn toàn quy mô cấu trúc ngôi mộ, kỹ thuật, cùng những di vật tuỳ táng.
Mộ có mặt bằng hình chữ T lệch trái, hướng đông bắc – tây nam. Thân và tai mộ đều có hình chữ nhật. Thân mộ dài 2,86m, rộng 1,08m, có 2 cửa cuốn vòm ở hai đầu. Tai mộ dài 2,83m, rộng 1,65m, có 1 cửa thẳng với cửa tây bắc của thân mộ (được bịt kín) và 2 cửa đối xứng nhau ở tai trái. Các cửa đầu có trụ xây tường đôi, rộng 0,25m – 0,36m. Kích thước thân mộ đo được: tường mộ (không kể vòm) cao 0,55m; từ mặt nền đến đỉnh trên của vòm cao 0,76m. Tai mộ chỉ còn tường, có kích thước như tường thân mộ.
Trước khi xây mộ, người ta đã tạo mặt bằng khá phẳng, tiếp đó lát nền mộ bằng gạch hình chữ nhật. Lòng tai mộ được lát vuông kiểu lóng đôi, trong lòng mộ lát chéo. Tường mộ được xây trực tiếp trên mặt nền mộ bằng gạch hình chữ nhật. Tường mộ xây đôi, dưới cùng là 1 hàng gạch xếp dọc, trên là hàng xếp ngang, cứ như thế, đến hàng thứ 5 thì tạo cửa sổ. Cửa sổ hình vuông (ở tường trái), hình chữ nhật (ở tường phải), được làm bằng cách xếp 3 hoặc 5 viên gạch ghé. Cửa sổ được chèn bằng các nửa viên gạch và thụt lõm ở cả mặt ngoài và trong so với tường mộ. Tường trái có 12 cửa sổ, tường phải có 13 cửa. Trên cửa sổ là 8 hàng gạch xây đôi được xếp như ở dưới, tiếp đó đến phần vòm cuốn. Vòm được xếp bằng gạch múi bưởi, cũng là vòm cuốn đôi, mỗi hàng có 40 viên. So với các mộ gạch cùng thời đã khai quật ở khu vực Triều Khúc, Cổ Loa (Hà Nội), Gia Bình (Bắc Ninh), Nam Đàn (Nghện An) và Đông Triều (Quảng Ninh) thì mộ Cửa Đền có quy mô khá lớn và còn khá nguyên vẹn.
 |
|
Nghiên cứu hình mộ gạch giai đoạn này cho thấy, chúng thường có cấu trúc cân đối giữa thân và hai tai mộ. Xem xét kỹ cấu trúc, hệ thống cửa vòm, đặc biệt là hệ thống cửa sổ ở 2 bên tường và những cửa sổ tương tự ở tai trái, rất có thể phần tai trái (lệch) này là một ngôi mộ “chờ”. Nếu được sử dụng, hai thân mộ sẽ song song nhau, hai bên tai sẽ cân đối nhau, đặc biệt hệ thống cửa sổ cũng đăng đối nhau ở mỗi mộ cũng như ở cả 2 mộ.
Không tìm được dấu vết của chất kết dính giữa các viên gạch, nên các nhà khảo cổ học giả thiết mộ được xây bằng cách xếp gạch. Đặc điểm của gạch xây mộ Cửa Đền cũng như gạch xây xếp mộ thời kỳ này nói chung là có kích thước nhỏ, mịn, độ nung thấp, màu đỏ tươi và bề mặt nhẵn và phẳng. Điều đó phù hợp với kỹ thuật xếp mộ. Nếu đúng như vậy, thì đây là ngôi mộ khá hiếm hoi, nếu không nói là lần đầu tiên được phát hiện.
Mộ sử dụng 2 loại gạch: hình chữ nhật và múi bưởi. Gạch hình chữ nhật dùng để lát nền, xây tường, tạo cửa sổ, còn gạch múi bưởi để tạo vòm cuốn mộ. Việc phát hiện được những chiếc cúc áo, những dấu vết xương rải rác ở lớp đất đào thứ ba và thứ tư trong lòng mộ, chứng tỏ mộ có tử thi chôn cất. Do điều kiện đất đai, nguồn nước và môi trường sinh thái nói chung tác động, nên xương cốt bị mục nát. Với điều kiện như vậy, không đủ điều kiện để xác định táng thức, tuổi hay giới tính của chủ nhân ngôi mộ này. Tuy nhiên, hai chiếc vò úp miệng vào nhau nằm cân đối và ngay ngắn ngay cạnh tường tai mộ, những chiếc vò giống nhau về loại hình, nhưng số lượng quai tỉ lệ thuận với kích thước của từng loại được chôn ở ngoài - ở tai - ở giữa lòng mộ; và bên cạnh những chiếc vò đặt ngay ngắn trên mặt nền gạch lát nền, bên trong được xếp những viên gạch ngay ngắn, trong đó 1 vò có chiếc bát nhỏ, men xanh vàng, đẹp,… cho phép chúng ta dự cảm về một nghi lễ hay táng tục nào đó của cư dân đương thời.
 |
|
Hiện vật tuỳ táng và chôn theo có số lượng khá lớn, loại hình phong phú đã phản ánh chủ nhân ngôi mộ này là người khá giầu có hay ít nhất cũng là người có địa vị cao trong xã hội đương thời. Có như vậy, họ mới đủ điều kiện xây mộ quy mô khá lớn, công phu và với trình độ cao. Đây thật sự là ngôi mộ đẹp, cân đối và hoàn chỉnh. Ngoài ra với những đồ dùng và tư trang (tuỳ táng) được sản xuất ở nội địa, mức độ đào phá mộ không đáng kể,… Điều đó góp phần khẳng định chủ nhân là một quý tộc người Việt. Với những chứng cứ đã nêu ở trên, có thể đoán định niên đại của ngôi mộ Cửa Đền ở khoảng thế kỷ VIII – IX, trong thời kỳ nước ta chịu ách đô hộ 1.000 của phong kiến phương Bắc.
Các nhà khoa học và quản lý nói gì?
Trên cơ sở kết quả của cuộc khai quật, ngày 27/1/2007 tại hội trường xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật ngôi mộ gạch nói trên. Cũng trong Hội nghị này nhiều nhà khoa học đã có những ý kiến đánh giá kết quả và giá trị lịch sử của ngôi mộ này. TS. Phạm Quốc Quân – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận xét: Đây là ngôi mộ thời Đường có quy mô lớn, chủ nhân ngôi mộ có thể là người Việt giàu có và có địa vị trong xã hội. Các hiện vật tuỳ táng trong mộ hầu hết được sản xuất trong nội địa trừ một vài hiện vật du nhập như chiếc bát men không có chân đế. Đây là ngôi mộ quý có giá trị, nó có mối quan hệ mật thiết với khu vực Cổ Loa. Có thể mộ này có quan tài ghép gỗ và phần gạch xếp bên ngoài có chức năng như quách. Về ngôi mộ, kiến nghị cần thiết có kế hoạch bảo quản, di chuyển về trưng bày tại bảo tàng Hà Nội. Các hiện vật kim loại như cúc đồng, dao sắt cần thiết phải có phương án bảo quản ngay.
Theo TS. Đặng Kim Ngọc – Giám đốc Khu Di tích Văn miếu – Quốc tử Giám thì đây là ngôi mộ quý hiếm và thuộc loại mộ thời Đường điển hình. Mộ còn tương đối nguyên vẹn, hiện vật phong phú. Hiện tượng mộ xây chờ song táng ở đây cần được lưu ý và là vấn đề khoa học đáng được quan tâm. Chủ nhân ngôi mộ là người Việt và hiện vật tuỳ táng phần lớn do người Việt sản xuất trên cơ sở tiếp thu các kỹ thuật của Trung Quốc. Đây là một di tích quý hiếm cần thiết gấp rút có phương án bảo quản, di dời về bảo tàng trưng bày phát huy tác dụng. Còn theo ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc Sở Văn hoá thông tin Hà Nội thì bên cạnh việc nên biểu dương UBND xã Dục Tú và nhân dân sở tại đã có ý thức bảo vệ di tích, cần thiết phải hoàn thiện báo cáo sơ bộ để trình UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng phương án bảo vệ di tích này.
Như vậy, số phận ngôi mộ gạch Cửa Đền đã sớm được “định đoạt”. Qua sự việc này cho thấy: việc xử lý thông tin và giải quyết những di tích, di chỉ, di vật được phát hiện ngẫu nhiên ngày càng được ngành văn hoá nói chung, các cơ quan chức năng nói riêng xử lý kịp thời; bên cạnh đó còn phản ánh ý thức của người dân đối với việc bảo vệ di sản văn hoá dân tộc ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, trong khi Bảo tàng Hà Nội đang “khan hiếm” hiện vật trưng bày ở giai đoạn sắp sửa được khai trương, thì việc giữ gìn và bảo tồn các di sản văn hóa cổ càng là nhiệm vụ cần thiết và có ý nghĩa.
Bài, ảnh: Nguyễn Doãn Minh