Được sự ủy nhiệm của Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), Các Bảo tàng Văn minh Thế giới của Thụy Điển tiến hành xây dựng và thực hiện Chương trình hợp tác về di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững 2006 – 2010 (MuSEA), nhằm thiết lập một mạng lưới bảo tàng ở Đông Nam Á
Được sự ủy nhiệm của Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), Các Bảo tàng Văn minh Thế giới của Thụy Điển tiến hành xây dựng và thực hiện Chương trình hợp tác về di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững 2006 – 2010 (MuSEA), nhằm thiết lập một mạng lưới bảo tàng ở Đông Nam Á, phát triển các cơ chế, công cụ và dự án, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực chuyên môn về các nguồn lực liên quan đến di sản văn hóa.
Dự án đã được phối hợp thực hiện giữa Bảo tàng Văn minh thế giới Thụy Điển với các Cục Di sản và các bảo tàng của các nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Sau hai cuộc họp diễn ra tại Phnompenh (Campuchia) tháng 4 năm 2005, Hội An (Việt Nam) tháng 4 năm 2006 để xây dựng và hoàn thiện dự án trình và đã được SIDA chấp thuận tài trợ. Hội thảo lần này được tổ chức tại Vientian (Lào) từ ngày 4 – 9/9/2006. Đây là một trong những hoạt động đầu tiên của chương trình hợp tác về di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững- Chương trình hợp tác bảo tàng các nước Đông Dương với chủ đề Sự liên kết giữa bảo tàng với cộng đồng.
Đoàn Bảo tàng Lịch sử Việt Nam do TS. Vũ Quốc Hiền- Phó giám đốc dẫn đầu tham gia hội nghị và có bài phát biểu giới thiệu chung về bảo tàng, các hoạt động hướng tới cộng đồng cũng như những thuận lợi và khó khăn của đơn vị mình.
Hội nghị đã thảo luận và xác định những vấn đề khó khăn và những thách thức trong việc phát triển các hoạt động của bảo tàng trong khu vực, từ đó xây dựng được danh mục các mục tiêu có thể phối hợp giải quyết trong Chương trình hợp tác văn hóa Đông Nam Á. Đồng thời cũng đề ra phương phướng tiếp theo của dự án. Từ đó hội nghị đã thống nhất được mục tiêu của Chương trình hợp tác và cụ thể hóa những hoạt động chuyên môn hữu ích, có lợi cho các bên tham gia.
Mục đích cuối cùng của dự án là tạo nên 1 môi trường thuận lợi, tiếp cận với di dản văn hoá giúp tạo nên ý thức cho mỗi người, hạn chế những đố kị, thúc đẩy lòng khoan dung và ổn định xã hội. Thông qua sự hợp tác trong khu vực, chương trình muốn được chia sẻ và phát triển năng lực chuyên môn nghề nghiệp có liên quan đến các lĩnh vực về di sản văn hoá.
Điều thiết yếu để đạt được sự công bằng và tiếp cận chung là làm việc với công chúng thông qua các hoạt động bên ngoài.
Hội thảo tiếp sau dự kiến sẽ diễn ra tại Xiemrệp (Campuchia) vào đầu tháng 1 năm 2007 với chủ đề về giới, bản sắc, sự dập khuôn và vai trò của bảo tàng.
Định Hà