Nhận lời mời của Viện Nghiên cứu Văn vật khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam gồm 4 thành viên, do Phó Giám đốc Vũ Quốc Hiền làm trưởng đoàn đã sang thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 16/7 đến 23/7/2006.
Nhận lời mời của Viện Nghiên cứu Văn vật khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam gồm 4 thành viên, do Phó Giám đốc Vũ Quốc Hiền làm trưởng đoàn đã sang thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 16/7 đến 23/7/2006.
Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, đoàn đã tiến hành thảo luận và ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn vật Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên và Viện Nghiên cứu Văn vật Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Đây chính là mục tiêu hợp tác giữa hai quốc gia trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt chú trọng vấn đề khai quật khảo cổ học. Ngoài ra, ba cơ quan sẽ cùng nhau bàn bạc, trao đổi chuyên môn, học thuật, thực hiện các cuộc hội thảo về khai quật khảo cổ học.
Cũng trong thời gian này, đoàn đã tham dự khai mạc Hội thảo kỷ niệm 20 năm phát hiện khu Tế lễ Tam Tinh (huyện Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Tại hội thảo, đoàn đã giới thiệu khái quát những phát hiện mới về khảo cổ học Việt Nam, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản….
Ngoài ra, đoàn còn đi tham quan được một số di tích lịch sử, văn hóa và khảo cổ như: Bảo tàng khu di chỉ Tam Tinh, Trạm Khảo cổ Tam Tinh, Bảo tàng mộ thuyền Thập Phường, Di tích Lạc Sơn Đại Phật, Bảo tàng Tam Tô…Trong số các di tích kể trên, đoàn đã đặc biệt chú ý đến các di tích khảo cổ có liên hệ gần gũi với các di tích khảo cổ học Việt Nam, như: khu di chỉ Tam Tinh có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500 – 3.700 năm; Khu di chỉ Kim Sa có niên đại khoảng 3.000 đến 3500 năm cách ngày nay.
Qua trao đổi và làm việc với Viện Nghiên cứu Văn vật khảo cổ Tứ Xuyên, đoàn có một số nhận xét:
- Hệ thống di tích khảo cổ rất giàu tiềm năng, với đủ mọi loại hình di tích thuộc nhiều thời đại. Hệ thống di tích này đang được khai quật, nghiên cứu một cách có hệ thống và từng bước phát huy giá trị. Đặc biệt, một số loại hình hiện vật được phát hiện tại di tích này như qua, nha chương, vòng trang sức bằng đá, ngọc… có mối quan hệ với những di vật phát hiện trong các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở Việt Nam.
- Hệ thống bảo tàng gắn với di tích được quy hoạch và phát triển theo hướng hiện đại, thu hút được đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Đây chính là vấn đề để các bảo tàng và di tích ở Việt Nam cần nghiên cứu, học tập.
Qua chuyến thăm và làm việc này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận thấy có nhiều khả năng để hợp tác, giao lưu và học tập các bạn về nhiều mặt, đặc biệt về khả năng hợp tác điều tra, khai quật khảo cổ học tại Việt Nam và Tứ Xuyên- Thiểm Tây (Trung Quốc), trên tinh thần trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp điền dã, khai quật, đồng thời tìm hiểu mối quan hệ và giao lưu lịch sử văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trên tinh thần đó, hai bên sẽ tiến hành các thủ tục xin phép tiến hành khai quật tại di tích Nghĩa Lập (Vĩnh Phúc) vào khoảng quý 4 năm 2006.
Nguyễn Văn Đoàn- Thúy Hà