Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/08/2008 10:05 3578
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Trong số 20 hiện vật do Cục Phòng chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan Việt Nam bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày 12/7/2006, có 1 sưu tập hiện vật gốm sứ khá đặc sắc, được trục vớt từ con tàu cổ Hòn Dầm tỉnh Kiên Giang.

Trong số 20 hiện vật do Cục Phòng chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan Việt Nam bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày 12/7/2006, có 1 sưu tập hiện vật gốm sứ khá đặc sắc, được trục vớt từ con tàu cổ Hòn Dầm tỉnh Kiên Giang.


Tàu cổ Hòn Dầm, bị đắm tại vùng biển Hòn Dầm, xã An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. Trên tàu mang hàng hoá chủ yếu là gốm sứ Sawankhalok của Thái Lan có niên đại vào khoảng thế kỷ XV.

Theo các chuyên gia khảo cổ học của Việt Nam, thật ra con tàu cổ bị đắm này đã được ngư dân Kiên Giang phát hiện từ trước 1975. Tháng 5-1991, ban chỉ đạo trục vớt tàu cổ này được thành lập và tiến hành khai quật con tàu đắm này. Tổng số hiện vật thu hồi được gồm 10.000 mẫu. Chúng chủ yếu là gốm men màu xanh ngọc và một số ít loại men khác như men màu chì, da lươn, vàng, nâu… Trang trí chủ yếu là kỹ thuật khắc chìm, in vào xương đất và phủ men bên ngoài.

Số hiện vật mà Tổng Cục Hải quan bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là những cổ vật do nhân dân phát hiện và đã được thu hồi khi vận chuyển trái phép, gồm:

1. Đĩa gốm men ngọc: gờ miệng cắt khấc cánh hoa, trong lòng khắc băng sóng nước, thành ngoài tại cánh cúc, đế mộc, đường kinh miệng 28cm, cao 8,5cm, sứt miệng.

2. Đĩa gốm men ngọc: trong lòng trang trí răng cưa, đế mộc, đường kính miệng 23,8cm; cao 6,7cm; sứt miệng.

3. Đĩa gốm men ngọc: miệng cắt khấc cánh hoa. Trong lòng trang trí sóng nước, đường kính miệng 30cm, cao 9cm, nguyên vẹn.


4. Đĩa gốm men ngọc: trong lòng trang trí sóng nước, đường kính miệng 30,3cm; cao 8,3cm, nguyên vẹn.

5. Bát gốm men ngọc: trong lòng trang trí hoa văn sóng nước, thành ngoài khắc cánh cúc, đế mộc, đường kính miệng 22,5cm; cao 8,3cm; nguyên vẹn.

6. Bát gốm men ngọc: trong lòng trang trí sóng nước và hoa sen, thành ngoài trang trí cánh cúc, đáy mộc, men ngọc rạn, đường kính miệng 20,8cm; cao 9,2cm, sứt miệng.

Cùng với tàu cổ Hòn Dầm, hàng trăm nghìn cổ vật được tìm thấy qua 5 cuộc khai quật tàu cổ thời gian qua đã chứng minh tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển Việt Nam trong mối giao thương quốc tế. Đã từng có một con đường gốm sứ trên biển Việt Nam, qua đó, hàng triệu sản phẩm gốm sứ của các nước Trung Quốc, Thái Lan và cả Việt Nam thời kỳ phát triển đỉnh cao đã được đưa ra buôn bán, trao đổi trên thế giới.


Đó là lý do khẳng định, dưới lòng biển nước ta hiện đang chứa đựng nhiều kho cổ vật vô giá. Tiếc rằng, công tác đầu tư cho ngành khảo cổ học dưới nước chưa được quan tâm nhiều, 100% tàu cổ được phát hiện thời gian qua đều là nhờ ngư dân, và các cuộc khai quật cũng chỉ được tiến hành sau khi các ngư dân đã dùng chài lưới cào quét. Vì không có phương tiện và kinh phí, nên các nhà khoa học chưa hề có một cuộc thăm dò sơ bộ, xác định có bao nhiêu con tàu cổ đắm ngoài khơi, đắm ở toạ độ nào để vẽ bản đồ khảo cổ.

Chu Văn Vệ- Thuý Hà

(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam )

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 3011

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

Lễ bàn giao hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Lễ bàn giao hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

  • 20/08/2008 10:03
  • 2892

Ngày 12/7/2006, tại Tổng cục Hải Quan Việt Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng Cục Hải Quan đã tiến hành bàn giao 20 cổ vật đã được thu giữ tại một số cửa khẩu từ năm 1998 cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.