Thứ Năm, 12/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/09/2016 08:43 1863
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 22/9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Đổi mới - Hành trình của những ước mơ” tại số 25 Tông Đản, Hà Nội. Đây là một hoạt động nhân dịp kỷ niệm 30 năm đổi mới đất nước (1986-2016) và 5 năm BTLSQG thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (2011-2016).

Toàn cảnh lễ khai mạc.

Tới dự và cắt băng khai mạc trưng bày có: Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL; ông Hoàng Tuấn Anh - Nguyên Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL; bà Đặng Thị Bích Liên - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; GS. TSKH. Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; ông Trần Chiến Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; ông Phùng Minh Cường – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ VH,TT&DL; ông Nguyễn Văn Cường – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BTLSQG; ngoài ra còn có đại diện các bảo tàng, di tích trong cả nước, các tổ chức quốc tế, cộng tác viên, các vị nguyên là lãnh đạo, cán bộ hưu trí và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động BTLSQG, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, Hà Nội cũng đến dự và đưa tin.

TS. Nguyễn Văn Cường – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BTLSQG phát biểu trong lễ khai mạc: Đường lối Đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12-1986) đã tạo ra bước ngoặt cơ bản, quyết định trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Sau 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn. Trong diện tích 200m2, BTLSQG đã nghiên cứu, trưng bày khoảng 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu nhất thể hiện theo hai nội dung chính: Đổi mới hay là chết và Đổi mới để tiến lên. Trưng bày được thực hiện với phương pháp tiếp cận nhân học, khai thác các câu chuyện từ những chính trị gia, nhà nghiên cứu đến những người dân bình thường.

Ông Nguyễn Văn Cường – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BTLSQG phát biểu trong lễ khai mạc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề.

Tinh thần Đổi mới

Lý giải về tên trưng bày “Đổi mới – hành trình của những ước mơ”, lãnh đạo bảo tàng và nhóm nghiên cứu giải thích: Trưng bày muốn nêu bật tinh thần của công cuộc Đổi mới. Ý tưởng trưng bày lần này là sự đối lập giữa cái cũ và cái mới. BTLSQG đã trưng bày một số những hiện vật của thời bao cấp để gợi nhớ lại giai đoạn khó khăn mà bậc cha chú đã từng trải qua. Còn lại phần lớn trưng bày giới thiệu về những thay đổi trong chính trị, kinh tế, xã hội, nông nghiệp, cũng như đời sống xã hội của người dân.

Phần trưng bày hiện vật thời Bao cấp.

Không gian trưng bày thể hiện một bên là đường lối lãnh đạo và một bên là thực tiễn, đời thường; trong đó có 5 chủ đề chính:

1. Đổi mới hay là chết: Giới thiệu về lý do Đổi mới, nội dung đường lối đổi mới và vai trò, dấu ấn của những chính trị gia - những người đặt nền móng, lãnh đạo, tổ chức thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước.

2. Cơ hội: Đổi mới về kinh tế đã tạo ra cơ hội phát triển cho Việt Nam; Đổi mới đã mở ra và đem lại cơ hội phát triển và thành công cho các doanh nghiệp tư nhân ở ViệtNam.

Nồi cơm điện Huwai của xí nghiệp Cơ khí quận 11, TP HCM được tặng huy chương vàng năm 1990.

3. Vận động - hội nhập: Đổi mới làm xã hội, con người Việt Nam trở nên năng động hơn. Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu và rộng hơn với thế giới; giao lưu, hợp tác, xuất nhập khẩu hàng hóa phát triển.

4. Tăng trưởng: Đổi mới trong nông nghiệp đã đưa Việt nam từ 1 nước thiếu ăn thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo; Sau 30 năm đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước.

5. Sức mạnh: Đổi mới đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân (sức khỏe, giáo dục, văn hóa- tinh thần), mang lại những nét mới mẻ, tươi tắn trong cuộc sống và công việc của mỗi người dân, mỗi gia đình; mang lại sức vóc mới, niềm tin và tiếp thêm sức mạnh để Việt Nam vững bước trên con đường hướng tới phồn vinh, hạnh phúc.

Phần trưng bày chủ đề Sức mạnh.

Những câu chuyện thời Đổi Mới

Điểm đặc biệt trong trưng bày lần này nằm ở cách thức chuyển tải nội dung mới mẻ. Triển lãm được làm theo hướng trưng bày mở, giống như một cây cầu nối giữa Bảo tàng với công chúng.. Trưng bày gồm hơn 200 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, tài liệu..., trong đó có nhiều câu chuyện gắn với những hiện vật được chính người dân chia sẻ liên quan đến giai đoạn Đổi mới.

Từ những câu chuyện của ba nhà lãnh đạo Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt với những trăn trở trên con đường “xé rào” đổi mới tới những câu chuyện hết sức bình dị về những thành quả trong lao động sản xuất cũng như đời sống: Câu chuyện về khởi nghiệp và thành công của Doanh nhân Lê Xuân Phổ- Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Bát Tràng. Nhờ nhạy bén mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, ông đã hoàn thành được các đơn hàng với số lượng lớn. Gốm Bát Tràng đã được xuất khẩu sang Angiêri, Pháp, Nhật Bản, Đan Mạch... Ông Lê Văn Nghĩa, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, cải tiến chiếc bếp than tổ ong dùng kế tiếp 2 viên than, không phải nhóm lại; hay chiếc phích đá mà bà Trần Hải Nhị đã được chồng tặng để đựng cơm đi làm và mua kem cho các con… Tất cả những câu chuyện, những ký ức đó mang một hơi thở rất đời cũng như giúp cho trưng bày thêm sống động, gợi lên được những xúc cảm chân thực cho người xem.

Xe máy DD – Gia đình ông Nguyễn Trọng Chi, Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội đã dùng từ năm 1992.

Tại Trưng bày, những người từng sống trong thời kỳ bao cấp và Đổi mới dễ dàng tìm thấy những đồ vật hết sức quen thuộc, như ti vi JVC vỏ đỏ 14inch, quạt điện, phích đá, đèn ngủ, nồi áp suất, máy khâu, bếp điện... Những món đồ mơ ước của người dân thời kỳ này khi có người ra nước ngoài.

Như câu chuyện về chiếc đèn: “Đổi mới, việc mua đồ từ nước ngoài mang về Việt Nam đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi mua chiếc đèn tuyệt đẹp này ở Trung Quốc từ năm 1995…” – Bà Nguyễn Thị Thường (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ kỷ niệm.

Cô Trần Hải Nhị - người đã đóng góp hiện vật cho trưng bày, xúc động chia sẻ: “Khi tham quan phòng triển lãm, tôi nhìn thấy hiện vật của tôi được trưng bày trang trọng, tôi không khỏi bồi hồi. Nó gợi lại cho tôi về những năm tháng khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy niềm vui và sự tự hào.”

Cô Trần Hải Nhị chia sẻ cảm nhận về trưng bày.

Ngoài ra, trưng bày cũng sẽ dành riêng một không gian cho khách tham quan có thể bày tỏ những ký ức của mình về thời kỳ Đổi mới được gọi là "Bức tường ký ức".

Bức tường ký ức – Nơi khách tham quan chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình về Đổi mới.

Bên cạnh đó, bảo tàng còn đưa thêm các thiết bị trình chiếu media giúp chuyển tải đầy đủ nội dung trưng bày gồm các phim tư liệu về các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, clip phỏng vấn người dân, đưa các ý kiến thuận chiều lẫn trái chiều và tư liệu, hình ảnh về Đổi mới.

Khách tham quan trải nghiệm thiết bị trình chiếu hiện đại.

Đánh giá về trưng bày, chị Nguyễn Minh Trà – Trung tâm nghiên cứu Kinh thành nhận xét: Theo tôi, trưng bày lần này đã đánh trúng được tâm lý của người dân. Sau những khó khăn thời kỳ đầu Đổi mới, đây là dịp để mọi người hồi tưởng lại và thấy rõ hơn được sự phát triển ở thời điểm hiện tại. Sau khi tham quan, tôi cũng thấy BTLSQG đã có sự đầu tư về phương thức trưng bày với hệ thống tủ, máy móc hiện đại. Ngoài ra còn có góc hồi tưởng hướng đến sự tương tác với khách tham quan.

Thông qua trưng bày lần này, BTLSQG mong muốn tiếp tục nhận được những chia sẻ, câu chuyện, tài liệu, hiện vật của công chúng về đổi mới để trưng bày thêm phong phú, và hoàn thiện..

Trưng bày dự kiến sẽ mở cửa phục vụ công chúng đến cuối năm 2016.

Trưng bày thu hút đông đảo khách tham quan.

Lan Phương

baotanglichsu.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 3337

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

BTLSQG đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

BTLSQG đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

  • 26/09/2016 08:29
  • 1676

Ngày 22/9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) tổ chức Lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập (26/09/2011 – 26/09/2016).