Hội thảo quốc tế "Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị" được tổ chức từ ngày 15-17/9/2016, tại Khách sạn Morin, 30 Lê Lợi, thành phố Huế. Hội thảo có khoảng hơn 150 đại biểu tham dự đến từ Việt Nam, Nhật bản, Hàn Quốc, Đức, gồm các chuyên gia đầu nghành về Bảo tồn di tích, các nhà khoa học như: Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam; Hội Di sản văn hóa Việt nam; Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các trường Đại học, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế. Về phía quốc tế có các chuyên gia Hiệp hội KTS và KS toàn Nhật bản; Đại Học Waseda, Tokyo Nhật Bản; Viện nghiên cứu Vùng và Đô thị - Đại học Waseda: Nghệ nhân - Kho báu Văn hóa Phi vật thể Hàn Quốc; Tổ chức GCR, Đức...
Hội thảo do trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức nhằm tổng kết quá trình nghiên cứu, đánh giá về các di sản văn hóa Cung đình thời Nguyễn trên các phương diện: Giá trị di sản, quá trình nghiên cứu, khai thác, bảo tồn, và phát huy giá trị di sản, từ đó xây dựng chiến lược một cách toàn diện về bảo tồn bền vững, phát huy hiệu quả giữa các di sản văn hóa do Triều Nguyễn để lại.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế "Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị"
TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia với bài tham luận trình bày tại hội thảo: “Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia”. Hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ, bảo quản, phát huy bộ sưu tập vô giá của hoàng cung triều Nguyễn gồm khoảng 2.500 hiện vật, vốn do các ngự xưởng chế tác dành riêng cho các vua và hoàng tộc sử dụng, gồm các loại hình:

TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc BTLSQG phát biểu tham luận tại Hội thảo
+ Sưu tập hiện vật biểu trưng quyền lực
+ Sưu tập Kim sách
+ Sưu tập mũ miện, đồ trang sức
+ Sưu tập đồ thờ cúng và nghi lễ
+Sưu tập văn phòng tứ bảo:
+ Sưu tập tiền
+ Sưu tập đồ dùng sinh hoạt…
Công tác quản lý, bảo quản và phát huy giá trị sưu tập được tiến hành một cách đồng bộ: kiểm kê, phân loại, đánh số cho hiện vật, sắp xếp địa hình cho từng loại chất liệu hiện vật. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an ninh an toàn cũng như kiểm soát môi trường nhằm bảo quản lâu dài, liên tục trên cơ sở cải tạo nâng cấp xứng tầm với giá trị đặc trưng của bộ sưu tập. Trong tương lai, Bảo tàng đẩy mạnh công tác quản lý, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, xuất bản … phát huy hiệu quả những giá trị đặc biệt của bộ sưu tập tới công chúng. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để thường xuyên có các đợt triển lãm giới thiệu tới đông đảo công chúng, nhân dân cả nước các bộ sưu tập vô cùng phong phú của các vị vua Triều Nguyễn.
Bên cạnh phiên họp chính của hội thảo, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức nhiều hoạt động liên quan: Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô đất nước qua các thời kỳ lịch sử (từ khởi thủy đến năm 1945) tại Đại Cung Môn, Đại Nội Huế (Phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4); Lễ khánh thành Bảo tồn trùng tu di tích Triệu Tổ Miếu; Triển lãm “Một điểm đến – Năm Di sản” tại Hữu vu Đại Nội Huế; Tham quan và dâng hương tại Lăng Chúa Nguyễn Hoàng (Lăng Trường Cơ) ./
Nguyễn Sỹ Nam