Trưng bày và thu hút khách tham quan đến bảo tàng là bài toán không dễ đối với hệ thống các bảo tàng ở Việt Nam nói chung và Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) nói riêng, vấn đề đã được đưa ra trong nhiều hội nghị hội thảo, song dường như vẫn chưa có đáp án cụ thể. Trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện với cán bộ chủ chốt của BTLSQG sáng ngày 26/8/2016, vần đề trưng bày và thu hút khách tham quan lại nóng lên một lần nữa.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL (giữa) tham quan hệ thống trưng bày BTLSQG.
BTLSQG được hình thành trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Sau 5 năm kể từ khi sáp nhập, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, nhưng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo bộ và ban lãnh đạo bảo tàng, BTLSQG đã làm tốt công tác hợp nhất và duy trì hoạt động của hai cơ quan, kiện toàn bộ máy nhân sự. Ban lãnh đạo luôn quan tâm đến việc duy trì và hoàn thành tốt các hoạt động chuyên môn cũng như những nhiệm vụ chính trị được giao, đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, song có thể nói những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Trước thực trạng chung của hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trước hết bản thân các bảo tàng cần phải đổi mới, cần phải thay đổi trong tư duy làm việc. Mỗi cán bộ, viên chức và người lao động làm việc tại bảo tàng cần phải có thái độ thân thiện, chuyên nghiệp đó là một trong những yếu tố đầu tiên để thu hút và giữ chân khách tham quan. Đáp ứng được thị hiếu, hiểu được người xem muốn xem những gì? “Bảo tàng cần trưng bày những gì? chứ không phải là trưng bày những gì bảo tàng đang có”. Bên cạnh thị hiếu thì giải pháp mỹ thuật trưng bày cũng là yếu tố quyết định đến sự hấp dẫn của bảo tàng. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa đặc biệt, có chức năng bảo tồn, phát huy, giáo dục, quảng bá hình ảnh, lịch sử văn hóa con người của quốc gia. Chính vì vậy khách tham quan đến với bảo tàng ngoài nhu cầu tìm hiểu còn là hưởng thụ văn hóa, họ cần được hưởng thụ những giá trị văn hóa cũng như những dịch vụ hoản hảo nhất. Tuy nhiên, thực trạng của hầu hết bảo tàng ở Việt Nam và BTLSQG đó là hình thức trưng bày cũ, chưa bắt mắt, hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn… là những yếu tố làm giảm sự hấp dẫn trong trưng bày bảo tàng. Do đó Bộ trưởng chỉ đạo cần tiến hành cải tạo, chỉnh trang bộ mặt khuôn viên bảo tàng, cần phải thực hiện đồng bộ, không chắp vá để đạt được hiệu quả cao nhất, tiến hành nghiên cứu nâng cấp, chỉnh lý hệ thống trưng bày để trở nên hấp dẫn hơn.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện với cán bộ chủ chốt BTLSQG.
Hoạt động truyền thông đóng vai trò quan trọng để đưa bảo tàng đến gần với công chúng, trong những năm qua hoạt động truyền thông đã được BTLSQG đầu tư và xúc tiến một cách tích cực, thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh truyền thông, hình ảnh của bảo tàng đang dần có ảnh hưởng, tuy nhiên những kết quả đó còn khá khiêm tốn. Trước thực trạng đó, Bộ trưởng chỉ đạo để đạt được hiệu quả cao nhất “cả hệ thống bảo tàng phải cùng nhau làm truyền thông và phải cùng tốt lên, xúc tiến hợp tác với các tour du lịch, đã đến lúc chúng ta buộc phải đổi mới, không có con đường nào khác”.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã đồng ý bổ sung lãnh đạo cho BTLSQG hiện đang thiếu và ưu tiên nguồn tại chỗ.
Thay mặt toàn thể cán bộ viên chức người lao động, Giám đốc Nguyễn Văn Cường, đã tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, đồng thời khẳng định tập thể BTLSQG sẽ tiếp tục đoàn kết thực hiện đổi mới hơn nữa từ tư duy đến hành động vì mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Tin, ảnh; Thu Nhuần