Người Do Thái tại khu vực Đông Âu và đất nước Ba Lan đã có một lịch sử lâu đời với nhiều đóng góp lớn gắn liền với nhiều thăng trầm lịch sử của vùng đất Ba Lan và xứ sở Âu Châu. Do đó, khi công trình bảo tàng Lịch sử Do thái tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) - Museum of the History of Polish Jews (POLIN) được chính thức khánh thành tháng 10/2014, công trình đã được xem là một công trình bảo tàng đặc sắc giới thiệu một cách toàn diện toàn bộ quá trình hơn một 1000 năm lịch sử của người Do Thái tại Ba Lan và khu vực Đông Âu. Với kiến trúc và hệ thống các hiện vật trưng bày độc đáo, bảo tàng cũng vượt ra khỏi tầm vóc bảo tàng cấp quốc gia để trở thành một trong những bảo tàng lớn của châu Âu khi đã vinh dự được trao giải thưởng Bảo tàng Châu Âu của Năm vào tháng 4/2016.
Tổng thể công trình hòa nhập với cảnh quan tổng thể khu đô thị tại TP Warsaw Ba Lan
Mặt đứng phía trước công trình
Mặt bên và mặt đứng phía sau công trình
Chi tiết mặt đứng phía sau công trình
MỘT BẢO TÀNG QUỐC GIA TÔN VINH MỘT NGHÌN NĂM LỊCH SỬ NGƯỜI DO THÁI
Trước Thế chiến II, Ba Lan là nơi sinh sống của 3,3 triệu người Do Thái (một trong những cộng đồng Do Thái lớn nhất thế giới vào thời điểm đó) và một phần ba dân số Warsaw là người Do Thái. Sự tiêu diệt có hệ thống người Do Thái của Đức Quốc xã chiếm đóng đã khiến hơn 90% người Do Thái thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai và nhiều người trong số nhỏ sống sót còn sót lại trong những thập kỷ sau khi cuộc chiến đó kết thúc. Chính vì thế, ngày nay, dù có nhiều đóng góp rất lớn nhưng cộng đồng người Do Thái tại Ba Lan cũng đã bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn là một cộng đồng nhỏ.
Ý tưởng về bảo tàng ban đầu được hình thành vào năm 1993 tại Viện Lịch sử Do Thái nhưng ban đầu gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư. Kế hoạch xây dựng bảo tàng đã có một bước tiến vào năm 1997, khi chính quyền thành phố có quyết định cung cấp miễn phí một khu đất ở quận Muranów của thủ đô Warsaw. Trên cơ sở thỏa thuận ba bên giữa Bộ Văn hóa, Thành phố Warsaw và Hiệp hội Viện Lịch sử Do Thái Ba Lan được ký cho đến năm 2005, cuối cùng tổng số tiền huy động được cho đầu tư xây dựng dự án đã lên tới hơn 130 triệu USD. Khoảng 50 triệu USD đến từ các doanh nhân và công ty nước ngoài và địa phương (bao gồm cả doanh nhân người Ba Lan Jan Kulczyk (1950-2015), người đã quyên góp 20 triệu PLN), 80 triệu USD còn lại được cam kết từ quỹ chính phủ Ba Lan. Kết quả là Bảo tàng Lịch sử Người Do Thái Ba Lan POLIN là bảo tàng/địa điểm văn hóa đắt giá nhất mà Ba Lan từng thấy, có giá cao hơn cả Trung tâm Khoa học Copernicus xa hoa và vô cùng nổi tiếng. Ngay sau khi hoàn thành, bảo tàng là một trong những địa điểm văn hóa không thể bỏ qua khi đến thăm Warsaw, Ba Lan. Đó là minh chứng cho quá khứ đầy biến động phức tạp của thành phố cũng như sự phản ánh tương lai của thành phố được báo trước bởi các công trình kiến trúc hiện đại.
Không gian sân và đài tưởng niệm phía trước bảo tàng
Không gian sân ngoài trời bên hông công trình là nơi tổ chức nhiều sự kiện trưng bày, hoạt động văn hóa ngoài trời cho cộng đồng
Về vị trí xây dựng, công trình bảo tàng được xây dựng tại địa điểm quận Muranów của thủ đô Warsaw (Ba Lan) vì là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng Do Thái trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh và trong Thế chiến thứ hai nơi đây đã trở thành địa điểm của Khu ổ chuột Warsaw. Sau chiến tranh, các khu nhà ở được xây dựng trực tiếp trên đống đổ nát của khu ổ chuột, với vật liệu được tận dụng và sử dụng để xây dựng các khu nhà ở mới trong khu vực.
Tượng điêu khắc trang trí ngoài trời trưng bày trong khuôn viên bảo tàng
Bảo tàng nằm giữa một quảng trường rộng lớn, hấp dẫn nhìn ra Đài tưởng niệm các anh hùng Ghetto, kỷ niệm cuộc nổi dậy ở khu ổ chuột Warsaw năm 1943. Đây là công trình đài tưởng niệm rất nổi tiếng ở Ba Lan được thiết kế bởi Leon Suzin và điêu khắc bởi Nathan Rapaport vào năm 1948. Điều thú vị là đá để xây dựng đài tưởng niệm được tận dụng từ nguồn đá thu hồi được của Đức Quốc xã đưa đến Warsaw để phục vụ mục đích quy hoạch cho một Warsaw mới trong thời kỳ thế chiến 2. Gần đó là một tấm bia tưởng niệm trước đó dành cho các Anh hùng Ghetto, cũng của Suzin, được khánh thành vào năm 1946 và bức tượng của Jan Karski - một chiến binh kháng chiến Ba Lan nổi tiếng vì đã thông báo cho quân đồng minh về sự tồn tại của Trại tử thần của Đức Quốc xã và sự tàn phá có hệ thống của Warsaw Ghetto.
Mặt đứng công trình với ánh sáng trang trí trình chiếu ngoạn mục về đêm
Mặt đứng công trình với ánh sáng trang trí về đêm
Mặt sau công trình với ánh sáng trang trí ngoạn mục về đêm
Đài tưởng niệm các anh hùng Warsaw Ghetto đối diện bảo tàng
Ngay từ giai đoạn thiết kế ý tương, thiết kế kiến trúc công trình trung tâm đặt ra một thách thức nữa là nó phải phù hợp với các tòa nhà dân cư xung quanh từ những năm 1950-60. Dự án chiến thắng của các kiến trúc sư Phần Lan Rainer Mahlamäki và Ilmari Lahdelma đã hình dung ra một hình thức hình học, giảm thiểu và không lấn át không gian Đài tưởng niệm các anh hùng Ghetto. Lúc đầu, mặt tiền bằng kính và đồng có vẻ cứng nhắc và kém hấp dẫn, nhưng nếu quan sát kỹ hơn và sẽ khám phá ra những chi tiết thú vị.
Bản thân tòa nhà là một cấu trúc bằng kính và thép mới hiện đại tuyệt đẹp. Cách bố trí tổ chức không gian công năng linh hoạt cho phép công trình vừa hoạt là trung tâm văn hóa Do Thái vừa là một bảo tàng giáo dục văn hóa chuyên ngành cấp quốc gia với trung tâm là các không gian triển lãm thường trực rất ấn tượng. Thiết kế cấu trúc đặc biệt của bức tường cong phù hợp với thiết kế mặt tiền táo bạo, nổi bật với các bộ phận chịu lực làm bằng kính, một yếu tố đặc trưng khác trong thiết kế của bảo tàng. Hiệu ứng hình ảnh ấn tượng đạt được bằng cách đặt các tấm kính nhiều lớp thẳng đứng theo chiều cao. Mở tầm nhìn từ Bảo tàng đến Đài tưởng niệm các Anh hùng Ghetto, nơi tôn vinh các nạn nhân của cuộc nổi dậy năm 1943, mặt tiền bằng kính tạo nên một 'cuộc đối thoại' giữa địa điểm tưởng niệm nổi tiếng này và Bảo tàng. Mặt tiền bằng kính được phản chiếu màu xanh của cây cối trong khuôn viên tạo nên khả năng chiếu sáng tự nhiên xuyên suốt lối vào chính và trung tâm thông tin ở tầng trệt.
Chi tiết cấu trúc mặt đứng công trình
Các tấm kính được in chữ 'Polin' bằng chữ cái Do Thái và tiếng Latin mang ý nghĩa là “Ba Lan” hoặc “ở đây bạn sẽ nghỉ ngơi”. Kiến trúc không gian sảnh chính “cắt” tòa nhà bảo tàng từ dưới lòng đất lên đến mái nhà cũng là một thủ pháp phá cách của kiến trúc sư nhằm truyền tải ý niệm tượng trưng cho vết nứt trong lịch sử của người Do Thái Ba Lan do chính quyền Do Thái gây ra sự thiệt hại. Thiết kế ban đầu đề xuất bức tường được làm hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, tuy nhiên do kích thước đáng kể và hình dạng độc đáo, điều này là không thể thực hiện được. Thay vào đó, khái niệm ba lớp được áp dụng trong đó kết cấu chính sử dụng hệ cấu trúc thép. Lớp tiếp theo là kết cấu đỡ đôi, cũng được làm bằng các bộ phận bằng thép, cho phép các tấm ốp bê tông cốt thép có thể được cố định ổn định trên khung kết cấu chính. Các lớp phủ bê tông phun màu được thi công hoàn thiện cuối cùng đạt được hình dạng uốn cong ngẫu hứng như thiết kế mong muốn. Ở mặt tiền tầng trệt, hình tam giác được cắt từ các tấm kính tạo thành cửa sổ góc đầy ngẫu hứng và thú vị.
Chi tiết không gian cửa vào chính
Không gian sảnh chính của bảo tàng với ánh sáng trang trí về đêm
Khu vực không gian sảnh trung tâm
Tính biểu tượng vẫn tiếp tục bên trong bảo tàng. Bên trong nội thất, không gian sảnh chính tiếp cận được thiết kế mô phỏng cấu trúc hang động với những bức tường phun sơn mịn uốn cong theo hình củ hành từ sàn đến trần nhà. Kiến trúc sư Rainer Mahlamäki cho biết đây là bề mặt cong kép hình học đồng nhất lớn nhất từng được hiện thực hóa đối với một công trình bảo tàng hiện đại. Với gam màu ấm và những bức tường uốn lượn nhấp nhô tạo ảo giác về sự chuyển động. Thiết kế đã truyền tải một sự tương phản giữa bề ngoài góc cạnh và nội thất cong. Hệ vách kính lớn nối hai nửa tòa nhà và kéo dài từ sàn đến trần để lộ cây xanh và một cây mọc bên ngoài. Những yếu tố này tượng trưng cho ánh sáng, cuộc sống và sự tiếp nối của lịch sử.
Dải ánh sáng ấn tượng từ trần hắt xuống bên trong khu sảnh chính của bảo tàng
Những bức tường nhấp nhô của sảnh chính
Không gian quầy lễ tân và thông tin tại khu vực sảnh chính
Nội thất không gian khán phòng đa năng
Với diện tích hơn 4.000 mét vuông, các không gian trưng bày được bố trí chủ yếu ở khu vực tầng trệt theo 08 chủ đề xuyển suốt và được kết nối liên thông với nhau bằng hệ thống hàng lang liên hoàn. Ngoài ra, ở các tầng phía trên còn được bố trí đồng bộ thống các không gian phụ trợ gồm nhà hàng kiểu căng tin, khu bán hàng lưu niệm, quán cà phê và Trung tâm tài nguyên có thư viện chuyên ngành dành riêng cho lịch sử, văn hóa và tôn giáo của người Do Thái Ba Lan, không gian văn phòng và lớp học. Không gian khán phòng đa năng tiện nghi cũng được thiết kế đồng bộ để bảo tàng có thể phát huy các giá trị tích cực cho cộng đồng thông qua các chương trình văn hóa phong phú, bao gồm các triển lãm tạm thời, buổi hòa nhạc, tranh luận, phim, bài giảng và hội thảo, giúp thúc đẩy một cuộc đối thoại tích cực mới về lịch sử và văn hóa ở đất nước Ba Lan.
KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY HẤP DẪN VỚI NHIỀU HIỆN VẬT ĐẶC SẮC
Với hệ thống hiện vật trưng bày đồ sộ gồm: Đồ vật cổ, tranh vẽ, triển lãm hiện vật tương tác, hiện vật tái tạo và video lịch sử hấp dẫn sẽ được bố trí trong các không gian triển lãm cố định chính chủ yếu được bố trí nằm ở tầng hầm và được chia thành 08 chủ đề theo thứ tự thời gian.
Không gian trưng bày thời kỳ Phục hưng
Không gian trưng bày thời kỳ trung đại
Không gian trưng bày giai đoạn thời kỳ Xã hội chủ nghĩa
Mỗi phòng trưng bày đề cập đến một thời đại khác nhau trong lịch sử lâu dài của người Do Thái để tổng thể các chủ đề trưng bày thực sự mang tính khai sáng, cả về lịch sử của người Do Thái ở một đất nước đã phát triển, mở rộng hàng nghìn km về phía đông, lại bị thu hẹp rồi biến mất hoàn toàn trong 123 năm kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Kèm theo đó là các sự kiện biến cố lớn mà dân tộc Do Thái đã phải trải qua như cuộc Diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã trong thế chiến 2.
Không gian trưng bày tái hiện Con phố với các cửa hàng Do Thái, điển hình của các thị trấn trên khắp Cộng hòa Ba Lan thứ hai - ứng dụng công nghệ trình chiếu đa phương tiện
Không gian tái hiện chủ đề Khu phố Do thái
Đầu tiên là không gian trưng bày các dấu vết của khu định cư Do Thái đầu tiên ở Ba Lan thời trung cổ bắt đầu từ những khu rừng ở Ba Lan của Vua Mieszko (960-992), nơi truyền thuyết kể rằng những người Do Thái đầu tiên đã quyết định định cư. Không gian trưng bày ngoài tranh ảnh tư liệu còn kèm theo các hiện vật đạo về cuốn luật hoàng gia thế kỷ 13 đảm bảo cho họ sự an toàn cũng như tự do cá nhân và tôn giáo, cũng như các hiện vật tạo tác đa dạng minh chứng cho “Thời kỳ hoàng kim của văn hóa người Do Thái Ba Lan”.
Không gian trưng bày chủ đề Cổ đại
Không gian trưng bày hiện vật chữ Do Thái cổ
Không gian trưng bày các vương triều cai trị tại Ba Lan
Không gian tiếp theo tiếp tục mô tả sự xuất hiện của các nhà ngoại giao và thương nhân Do Thái đầu tiên qua các thời kỳ mà người Do Thái được hưởng các quyền tự do và sự bảo vệ xã hội và tôn giáo không được ban cho họ ở những nơi khác ở Châu Âu trước các sự kiện tai họa của thế kỷ 20 khiến người Do Thái ở Ba Lan gần như bị xóa sổ. Tại không gian trưng bày này, khu vực trung tâm trưng bày hiện vật tái tạo cấu trúc mái được tái tạo của giáo đường Do Thái bằng gỗ độc đáo từ Gwoździec có từ thế kỷ 17, trong đó mái nhà, trần sơn và mái vòm thiên đường được di chuyển nguyên bản từ một giáo đường Do Thái đã từng hiện hữu và phá hủy ở vùng Gwoździec, miền đông Ba Lan. Các họa tiết và trang trí đặc sắc của cấu trúc cho thấy cách sử dụng các vật liệu và kỹ thuật truyền thống, đồng thời thể hiện các dấu hiệu của các con vật thuộc cung hoàng đạo và đấng cứu thế đặc sắc trong văn hóa và tín ngưỡng của người Do Thái xưa kia.
Tiếp theo, là không gian tái hiện mô phỏng “Con phố Do Thái trước chiến tranh”, nơi nền văn Do Thái hóa hợp nhất sâu rộng với văn hóa bản địa để rồi sau đó trong giai đoạn Thế chiến 2 bị suy tàn trở thành các khu định cư ổ chuột ở TP Warsaw và cuối cùng là những nỗ lực phục sinh thời kỳ hậu chiến.
Không gian thư viện và nghiên cứu bên trong bảo tàng
Khu vực chiếu phim và tra cứu tư liệu
Các hoạt động trải nghiệm khám phá được tổ chức tích hợp trong các không gian trưng bày
Khu công viên ngoài trời phía sau công trình là nơi nghỉ ngơi thư giãn cho người dân và khách tham quan
Bên cạnh đó, tại không gian thư viện tra cứu, các khách tham quan, nhà nghiên cứu, học sinh quan tâm đến lịch sử cũng có thể dễ dàng tiếp cận với những tài liệu, tư liệu độc đáo “có một không hai” như: bộ sưu tập bản đồ lịch sử của Cộng hòa Ba Lan thứ hai, bao gồm cả quy hoạch đường phố, anh và tư liệu về các nhân vật anh hùng của khu kháng chiến Ghetto trong thế chiến 2, cùng nhiều tranh ảnh, phim tư liệu quý giá khác.
Nguyễn Hải Vân