Nằm trong số các bảo tàng quốc gia của đất nước Mặt trời mọc – Nhật Bản, Bảo tàng Quốc gia Kyushu (Kyushu National Museum) được đánh giá là một trong những công trình bảo tàng tầm cỡ thế giới với kiến trúc độc đáo. Công trình được xem là một bảo tàng quan trọng mang đến cho công chúng cái nhìn toàn cảnh rõ nét nhất về quá trình hình thành và phát triển lịch sử - văn hóa vùng đảo lớn Kyushu, một trong những hòn đảo lớn của quốc gia Nhật Bản cũng như giới thiệu văn hóa nhật bản trong mối tương tác với châu Á và châu Âu, thông qua giải phát kiến trúc và công nghệ được kết hợp.
ẤN TƯỢNG TỪ CÔNG TRÌNH ĐẾN CẢNH QUAN
Bảo tàng Quốc gia Kyushu được chính thức khai trương lần đầu sau quá trình đầu tư xây dựng vào ngày 16 tháng 10 năm 2005 tại khu vực Dazaifu gần thành phố Fukuoka (Nhật Bản). Đây là công trình bảo tàng quốc gia mới nhất ở Nhật Bản trong hơn 100 năm gần đây được đầu tư xây dựng nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia để trở thành một trong những bảo tàng đầu tiên ở đất nước Mặt trời mọc giới thiệu về lịch sử nghệ thuật và văn hóa bản địa Kyushu, Nhật Bản, cũng như trở thành địa điểm giao lưu tương tác về văn hóa với các khu vực châu Á và châu Âu trên thế giới.
Cảnh quan tổng thể khu vực xây dựng bảo tàng được bảo tồn tối đa nguyên trạng
Cấu trúc cổng chính trong khuôn viên bảo tàng
Bảo tàng được kiến trúc sư Kikutake và hãng kiến trúc Kume Sekkei danh tiếng triển khai thiết kế ý tưởng cũng như các hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công. Công trình chính thức được khởi động vào tháng 9/1999 cho đến tháng 03/2001 thì hoàn tất phương án thiết kế. Lễ động thổ chính thức được tiến hành vào tháng 3/2002, công trình gần như hoàn thành thi công phần kiến trúc trong đúng 01 năm sau đó.
Chi tiết mặt đứng chính công trình
Hình ảnh cấu trúc công trình trung tâm
Với diện tích sàn cực lớn gần 31.000 m2 sàn được xây dựng trên khuôn viên khu đất có tổng diện tích gần 160.000 m2, khối công trình trung tâm Bảo tàng Quốc gia Kyushu được nhận diện đặc trưng bởi cấu trúc cong nhẹ nhàng hòa quyện vào cảnh quan môi trường xung quanh của địa phương với các đặc trưng sinh thái như rừng cây và núi non trùng điệp. Với quy mô cấu trúc gồm 02 tầng hầm và 04 tầng nổi, công trình được thiết kế tổ chức bao gồm các chức năng chính của một bảo tàng hiện đại như các phòng trưng bày cố định lớn, không gian triển lãm bán cố định, không gian hội trường đa năng… Ngoài ra công trình cũng bao gồm rất nhiều các không gian chức năng phụ trợ như phòng nghiên cứu và khu vực lưu trữ được đặt ở mỗi tầng. Cùng với đó là các không gian quán cà phê, cửa hàng đồ lưu niệm tiện nghi để phục vụ du khách.
Không gian bán đồ lưu niệm bên trong bảo tàng
Không gian giải lao cafe bên trong bảo tàng
Nội thất phòng biểu diễn đa năng
Điểm nhấn chính của công trình là cấu trúc mái vòm lớn cao trung bình 35m, và điểm cao nhất là 36,1m. Cấu trúc mái vòm được tổ hợp bằng hệ khung thép, kết cấu khung bê tông kỹ thuật cao cho phần thân và phần không gian ngầm. Do Nhật Bản nằm ở khu vực hay xảy ra động đất mạnh nên tất cả các cấu trúc trên được thử nghiệm và thiết kế bền vững chịu động đất cũng như có khả năng cách ly triệt tiêu địa chấn, đảm bảo an toàn tối đa cho khu vực triển lãm và lưu trữ. Một hệ thống giảm chấn ở các phần kết cấu cột cơ sở được lắp đặt giữa tầng 1 và tầng 2. Giảm thiểu tác động tàn phá của mặt đất rung chuyển trong trường hợp động đất.
Chi tiết kết cấu mái vòm
Mặt đứng cấu trúc mái vòm chính
Thiết bị giảm chấn chống động đất cho kết cấu công trình
Mặt tiền công trình sử dụng giải pháp kính cách nhiệt cho phép truyền tải ý tưởng về một mặt gương lớn phản chiếu các hình ảnh ý niệm tiêu biểu cho các giá trị đặc trưng về cảnh quan. Đồng thời, hệ vách kính cũng là giải pháp tối ưu cho phép tận dụng tối đa chiếu sáng tự nhiên cho các phần không gian chức năng triển lãm và phụ trợ của công trình.
Mái sảnh chính công trình theo mô típ kiến trúc truyền thống
Chi tiết mặt đứng kính của bảo tàng
Hình ảnh công trình với ánh sáng về đêm
Một trong những điểm chính độc đáo trong quy hoạch khuôn viên công trình khiến công trình trở thành một hình mẫu bảo tàng bền vững của Nhật Bản chính là việc các không gian cảnh quan tự nhiên bao gồm đặc trưng về địa hình, hệ thống động thực vật được quy hoạch bảo tồn tối đa, hạn chế ít nhất sự tác động của con người trong quá trình thi công xây dựng. Chính vì thế vào mọi thời điểm trong ngày và các mùa trong năm, du khách có thể tận hưởng các biến thể thiên nhiên vẫn được bảo tồn nguyên vẹn từ đầu. Có cả những khu rừng nhỏ và hồ nước tự nhiên hiện hữu ngay trong khuôn viên công trình, trở thành các không gian tiểu cảnh - nơi thư giãn và khám phá lý thú về tự nhiên cho du khách.
Không gian hồ nước và cây xanh tự nhiên được bảo tồn tối đa trong công trình
Không gian lối vào chính của bảo tàng
Trang trí tiểu cảnh theo phong cách truyền thống bên ngoài công trình
Không giống như hầu hết các bảo tàng ở Nhật Bản chủ yếu sử dụng các đơn vị liên kết bên ngoài, Bảo tàng Quốc gia Kyushu có một phòng thí nghiệm bảo quản và phục chế hiện vật hiện đại tại chỗ không chỉ phục vụ cho nhu cầu bảo quản hiện vật tại chính bảo tàng mà còn là trung tâm hỗ trợ bảo tồn phục chế hiện vật khảo cổ chính cho toàn bộ miền tây Nhật Bản.
BỘ SƯU TẬP HIỆN VẬT VỀ VĂN HÓA NHẬT BẢN TRONG MỐI TƯƠNG TÁC VỚI KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI.
Một trong những tôn chỉ của Bảo tàng khi được đầu tư xây dựng chính là giới thiệu với công chúng về văn hóa Nhật Bản trong mối tương tác với văn hóa quốc tế. Đây cũng là một trong những bảo tàng quốc gia của Nhật Bản làm được điều này.
Không gian sảnh chính với các bộ sưu tập bán cố định
Tượng trang trí kích thước lớn trưng bày tại không gian sảnh chính
Chi tiết tượng trang trí kích thước lớn bên trong bảo tàng
Bảo tàng dành 2 tầng phía dưới là các không gian đệm và phụ trợ như khu vực hành chính, các sảnh lớn để tổ chức các hình thức trưng bày bán cố định, khu vực thư viện và kho lưu trữ phục chế sản phẩm. Các tầng 3 và tầng 4 là tầng triển lãm đặc biệt và triển lãm giao lưu văn hóa. Phòng triển lãm đặc biệt rộng 1500m2 được thiết kế nội thất bằng gỗ làm tăng thêm không khí thư giãn và yếu tố kiến trúc truyền thống trong văn hóa bản địa với nhiều hiện vật độc đáo ở các thời kỳ lịch sử và giai đoạn phát triển, lớp văn hóa khác nhau. Trước hết phải kể đến các hệ thống hiện vật được trưng bày rất độc đáo của bảo tàng đặc biệt là hệ thống các hiện vật đồ gốm, tranh thư pháp, đồ tạo tác bằng gỗ… rất đồ sộ, có liên quan đến lịch sử của vùng Kyushu. Cùng với đó là các bộ sưu tập thể hiện lịch sử của Kyushu từ thời tiền sử đến thời đại Meiji, đặc biệt nhấn mạnh vào lịch sử trao đổi văn hóa phong phú giữa Kyushu và nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiện vật đá quý trưng bày tại bảo tàng
Hiện vật ngai cổ trưng bày tại bảo tàng
Hiện vật gốm trưng bày tại bảo tàng
Bộ sưu tập thời trang truyền thống trưng bày tại bảo tàng
Khu trưng bày giao lưu văn hóa là không gian trưng bày thường trực của Bảo tàng với 3900m2 trưng bày các giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và các quốc gia khác. Các đối tượng được thay đổi định kỳ để mỗi lần khám phá không bao giờ giống nhau. Cũng như nhiều bảo tàng lớn khác trên thế giới, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng đã từng có các đợt phối hợp trưng bày hiện vật về văn hóa Việt Nam trong một số năm gần đây. Tiêu biểu nhất, năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2013), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã tổ chức chuyên đề trưng bày “Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại” tại Bảo tàng Bảo tàng Quốc gia Kyushu để giới thiệu 114 hiện vật đặc sắc nhất đại diện cho những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Hình tượng hạc truyền thống trưng bày tại bảo tàng
Không gian trưng bày kết hợp ánh sáng và truyền thông đa phương tiện hiện đại
Nghệ nhân trình diễn nhạc truyền thống trong không gian trưng bày bảo tàng
Bên cánh đó, do được đầu tư mới đồng bộ nên cùng với hệ thống hiện vật phong phú đặc sắc thì các công nghệ mới về trình chiếu đa phương tiện, hệ thống ánh sáng trưng bày cũng được sử dụng để làm cho các bộ sưu tập của bảo tàng càng trở nên sống động, có dễ dàng thể tiếp cận với công chúng. Ví dụ, hệ thống trình chiếu video độ phân giải cực cao, với phần mềm quản lý màu sắc và xử lý hình ảnh mới nhất, phục vụ cả trong việc ghi hình cũng như trình chiếu các vật thể trong bộ sưu tập của bảo tàng, tải upload lên các trang thông tin điện tử để mở rộng lượng truy cập vượt ra ngoài giới hạn vật chất thuần túy hữu hạn của bảo tàng./.
Nguyễn Thị Hải Vân