Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Chiết Giang (Zhejiang Museum of Natural History) tại thành phố Hàng Châu được biết đến là một trong những viện bảo tàng cấp quốc gia có lịch sử lâu đời nhất tại Trung Quốc. Với gần 100 năm thành lập, bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật rất có giá trị về lịch sử tự nhiên Trung Hoa. Năm 2018, sau một quá trình trùng tu và xây mới, tổ hợp công trình khép kín theo mô típ kiến trúc bản địa do kiến trúc sư David Chipperfield thiết kế đã thể hiện được sự thành công nhờ thủ pháp “Nương vào tự nhiên - dựa vào tự nhiên”.
Góc nhìn tổng thể công trình
Góc nhìn tổng thể không gian sân trong
Mặt đứng chính công trình theo giải pháp tối giản
Nơi kiến trúc công trình có khởi nguồn từ tự nhiên
Được thành lập vào năm 1929, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Chiết Giang (Zhejiang Museum of Natural History) được xây dựng đặt tại thành phố Hàng Châu - thủ phủ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Với quy mô tổng diện tích xây dựng lên tới 58.000 m2, công trình bảo tàng mới xây dựng lại được đặt trên một địa điểm dốc trong một không gian công viên tự nhiên rộng lớn. Thiết kế cảnh quan tổ chức không gian tự nhiên với các khu rừng tre bao quanh và nhìn ra những cánh đồng lúa trong thung lũng bên dưới. Bằng việc quy hoạch không gian cảnh quan tự nhiên chặt chẽ, kiến trúc trúc công trình đã sử dụng cảnh quan thiên nhiên làm điểm tựa, để quần thể khối công trình trung tâm có sự liên kết hữu cơ với thiên nhiên khu vực cận nhiệt đới, “Nương vào tự nhiên - dựa vào tự nhiên”.
Thiết kế cây xanh trên mái các khối công trình
Thiết kế cảnh quan sân trong với cây xanh tự nhiên
Kiến trúc sư David Chipperfield đã khéo léo bố trí hình khối công trình với chiều cao khiêm tốn nhưng dàn trải để bám vào tự nhiên theo cách tổ chức nhóm tám không gian thành phần trên một mặt bằng tầng để hình thanh các bước giật cấp xuống sườn đồi. Cách bố trí theo địa hình tự nhiên này đã giúp giảm thiểu tác động trực quan đến cảnh quan tự nhiên, đồng thời cũng giúp khép kín các hoạt động trưng bày bên trong và tổ chức được một khu vườn cảnh nửa đóng - nửa mở ở trung tâm. Các mái loggia hoặc lối đi có mái che đóng vai trò kết nối về không gian và giao thông của tất cả các không gian thành phần xung quanh không gian. Các tổ chức này cũng giúp tạo nên phần không gian đệm trung gian giữa các khu vực bên ngoài và bên trong của bảo tàng.
Hệ thống hành lang cầu tổ chức theo phương thức dật cấp theo đặc trưng địa hình
Hệ thống loggia và hành lang cầu có mái che kết nối các không gian trưng bày
Sảnh hành lang tầng trên cùng
Ở điểm cuối phía bắc, có vị trí cao nhất của công trình, kiến trúc sư đã chủ ý bố trí lối sảnh vào chính, với lối kiến trúc tối giản như chào đón du khách và có tầm nhìn trực tiếp ra cả khu vườn trung tâm cũng như cảnh quan bên ngoài. Nằm ở hai bên của khu vườn trung tâm, mỗi phòng triển lãm có thể được tiếp cận trực tiếp hoặc theo trình tự theo loggia bước. Ở vị trí thấp nhất phía Nam, lối sảnh phụ cũng được bố trí thiết kế cho phép du khách kết thúc chuyến hành trình tham quan khám phá với khu vực hồ nước và động thực vật tự nhiên.
Vẻ đẹp hiện đại tối giản pha chất truyền thống trong nội thất công trình
Không gian sảnh phụ hướng ra phía hồ nước
Không gian sảnh phụ hành lang bên
Sử dụng chính chất liệu cảnh quan thiên nhiên làm nền tảng, cấu trúc kiến trúc vững chắc khối công trình dường như được hòa vào cảnh quan dày đặc của khu vườn trung tâm và công viên xung quanh. Các thủ pháp trồng cây thành các tuyến và diện lớn trên các mái nhà xanh công trình cũng góp phần tạo nên sự nương tựa và phù hợp công trình với cảnh quan tự nhiên.
Không gian hồ nước xung quanh bảo tàng
Góc nhìn tiểu cảnh từ sân trong công trình
Cây xanh trong khuôn viên bảo tàng
Hệ thống tường vách ngăn chia công trình cả ở nội thất và ngoại thất đều sử dụng cấu trúc và vật liệu tường trình đất sét với mầu nâu đỏ đặc trưng, một mặt đã giúp nhấn mạnh - đề cao yếu tố kiến trúc bản địa, tạo nên ưu thế về tổ chức vi khí hậu cho công trình, đồng thời cũng góp phần hòa nhập về mầu sắc về thổ nhưỡng địa hình đặc trưng khu vực sườn đồi nơi xây dựng công trình.
Chi tiết tường sử dụng chất liệu đất tự nhiên bên ngoài công trình
Lối hành lang từ sảnh chính công trình
Nơi trưng bày các hiện vật khảo cổ học tự nhiên quý giá của Trung Quốc.
Tỉnh Chiết Giang nằm ở khu vực phía đông nam Trung Quốc được giới khoa học lịch sử - khảo cổ đánh giá là nơi có nhiều khám phá quan trọng về lịch sử tự nhiên của Trung Quốc, một số hiện vật có niên đại từ thời kỳ Kỷ Phấn trắng. Sau khi hoàn thành, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Chiết Giang (Zhejiang Museum of Natural History) là nơi trưng bày bộ sưu tập hiện vật đồ sộ gồm hơn 200.000 mẫu vật bao gồm địa chất, sinh thái và cổ sinh vật học, chủ yếu tập trung vào các cuộc triển lãm, các bộ sưu tập và phân tích trên mẫu của khoa học đời sống và khoa học trái đất.
Khu vực sảnh trung tâm góc nhìn từ tầng trên cao
Khu trưng bày động vật trên cạn tại bảo tàng
Khu trưng bày động vật thời tiền sử dưới nước tại bảo tàng
Hiện tại với diện tích 8.000 mét vuông và chứa 80.000 mẫu vật trưng bày cố định của động vật, thực vật và khoáng sản, được trưng bày trong 08 phòng triển lãm. Tản bộ dọc theo các phòng triển lãm được chiếu sáng tốt, bạn có thể ngạc nhiên trước các mẫu vật và bản sao mô tả khủng long, động vật biển, động vật trên cạn, động vật nguyên sinh, lịch sử địa chất và thực vật.
Không gian trưng bày xương khủng long và voi ma mút hóa thạch
Mẫu vật xương khủng long hóa thạch tỷ lệ thật trưng bày tại bảo tàng
Mẫu vật hóa thạch cá cổ đại trưng bày tại bảo tàng
Việc tổ chức các không gian trưng bày tách biệt, nhưng được kết nối liên hoàn cho phép bảo tàng tổ chức nhiều kích thước các phòng trưng bày khác nhau, tùy thuộc vào từng chủ đề trưng bày và cả kích thước của các hiện vật. Rất nhiều các hiện vật lớn được bố trí trưng bày bên trong bảo tàng như: Hiện vật hóa thạch khủng long với mô hình kích thước thật, Khối trưng bày sơ đồ và tiêu bản động vật hoang dã quy mô lớn... Cùng với các hiện vật cố định, không gian trưng bày cũng được bố trí tích hợp các công nghệ trình chiếu hiện đại của thế kỷ 21 như triển lãm đa phương tiện và công nghệ tương tác thực tế ảo 3VR mới nhất.
Màn hình đa phương tiện kết hợp trình chiếu hoạt cảnh trong bảo tàng
Trình chiếu tương tác tích hợp trong các không gian trưng bày tại bảo tàng
Năm 2012, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Chiết Giang đã được lựa chọn là nơi tổ chức trưng bày triển lãm hơn 100 hóa thạch khủng long, trong đó có 6 bộ xương khủng long kích thước lớn đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ học trong nước và quốc tế khai quật tại khu vực Chiết Giang cũng như một số các vùng khác trên khắp đất nước Trung Quốc.
Trẻ em tham quan mẫu vật xương khủng long trưng bày tại bảo tàng
Bên cạnh đó, bảo tàng cũng trưng bày bộ sưu tập trứng khủng long hóa thạch có niên đại từ Kỷ Phấn trắng, khoảng 145,5 triệu đến 66 triệu năm trước, được nhà khảo cổ học Du Tianming phát hiện năm 2017. Đây cũng là những quả trứng khủng long hóa thạch rất quý giá trên thế giới không chỉ bởi niên đại và mức độ hoàn thiện nguyên bản của mẫu vật mà còn ở số lượng hàng trăm quả được phát hiện và bảo quản từ năm 1993 cho tới nay.
Để mở rộng phạm vi mẫu vật trưng bày, trong nhiều năm qua Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Chiết Giang cũng tích cực triển khai các chương trình trao đổi văn hóa với thế giới để từ đó tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động ngay trong các không gian nội thất và ngoài trời của bảo tàng. Vào năm 2004, bảo tàng cũng đã hợp tác chặt chẽ Bảo tàng Khủng Long tỉnh Fukui ở Nhật Bản và tổ chức triển lãm bảy lần tại Nhật Bản cũng như các quốc gia khác.
Đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bảo tàng quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Chiết Giang được nhiều chuyên gia nghiên cứu đánh giá là luôn đóng một vai trò tích cực trong việc mang lại tinh thần dân tộc và phổ biến nét đẹp văn hóa - tự nhiên của đất nước và con người Trung Quốc.
Nguyễn Hải Vân