Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/06/2015 00:00 373
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Di tích thành cổ Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là đô thị vào loại sớm và lớn bậc nhất Bắc Việt Nam, với số lượng và loại hình di tích, di vật phong phú và đa dạng nhất so với các khu di tích khác trong giai đoạn Mười thế kỉ đầu Công nguyên. Trong suốt quá trình tồn tại của mình, Luy Lâu không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo, với sự du nhập và phát triển của Phật giáo, hay sự truyền bá chữ Hán và Nho giáo. Với tầm quan trọng như vậy, nên Luy Lâu luôn nổi lên là đối tượng quan trọng hàng đầu đối với việc nghiên cứu giai đoạn lịch sử 10 thế kỉ đầu công nguyên. Nghiên cứu Luy Lâu cũng chính là góp phần làm rõ một giai đoạn lịch sử quan trọng nhưng còn mờ tỏ của dân tộc, giai đoạn vốn không chỉ có những cuộc kháng chiến giành độc lập mà còn có những bước phát triển mới về kinh tế và văn hóa, giai đoạn "chuẩn bị những điều kiện tiền đề cho bước phát triển huy hoàng của văn hóa, văn minh Đại Việt".

Tính đến nay di tích Luy Lâu đã được khai quật 8 lần, trong đó cuộc khai quật lần thứ 7 năm 2014 của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã gây được tiếng vang lớn, với nhiều phát hiện quan trọng. Kết quả của cuộc khai quật này đã được công bố vào tháng 1/2015. Bài viết này xin cung cấp thêm một số thông tin về kết quả khai quật sau khi chỉnh lý khối tư liệu thu được.

Một số loại hình gạch

- Tổng số hiện vật phát hiện được khoảng hơn 1200 tiêu bản, với nhiều loại hình, chất liệu và niên đại khác nhau, như vật liệu kiến trúc, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, làm từ đất nung, đá, kim loại, có niên đại Đông Sơn, Hán, Lục Triều, Tùy Đường cho tới tận thời cận đại.

Một số đầu ngói ống

- Các hiện vật phát hiện được góp phần cho ta biết về tính chất phức hợp của khu di tích này. Những vật liệu kiến trúc như gạch, ngói cho biết ở đây chắc hẳn phải có kiến trúc nhà cửa, dinh thự, thậm chí là những kiến trúc lớn, căn cứ vào kích thước của những viên ngói bản mà chúng tôi tìm được. Qua nghiên cứu sưu tập vật liệu kiến trúc, chúng tôi thấy gạch ngói ở đây có hai loại cơ bản là loại màu đỏ và màu xám, trong đó loại màu xám có niên đại sớm hơn, khoảng Đông Hán đến Lục triều, còn loại màu đỏ có niên đại Tùy Đường hoặc muộn hơn. Hiện tượng này cho thấy rõ ràng ở đây đã diễn ra hai thời kì xây dựng lớn, đó là Đông Hán - Lục triều và Tùy Đường, và nó cũng gần như trùng khớp với hai thời kì đắp thành.

Các kiểu ngói ống

- Các loại đồ dùng sinh hoạt như bát, âu, nồi, vò, nghiên mực,... làm từ gốm men và đất nung cho thấy đây cũng là di chỉ cư trú của cả quan lại, trí thức và tầng lớp bình dân, kéo dài trong nhiều thời kì, trong đó giai đoạn Đông Hán - Lục triều khá đậm nét. Những hiện vật như nồi nấu kim loại hay xỉ quặng phát hiện trong hố đất đen ở hố khai quật T1 cho thấy đây cũng là một công xưởng sản xuất đồ kim loại. Chì lưới và dọi se chỉ cho thấy người dân ở đây còn có nghề đánh cá và dệt vải.

Một số đồ gốm men

- So sánh sưu tập hiện vật này với các cuộc khai quật trước đó, đặc biệt là với hiện vật ở Bãi Đồng Dâu năm 1986, chúng tôi thấy rằng giữa hai sưu tập không có nhiều khác biệt. Điều lý thú là, nếu các tác giả khai quật năm 1986 dựa vào sưu tập hiện vật để đi đến nhận xét rằng, cuộc sống của cư dân Bãi Đồng Dâu là đại diện của phương thức sống Việt, đối lập với cuộc sống của phương thức sống Hán ở bên trong thành, thì qua lần khai quật này, ta thấy rằng dù ở bên trong hay ngoài thành, đời sống không người dân có gì khác biệt lắm. Điều này cho thấy, không phải cứ ở trong thành là phương thức sống kiểu Hán thống trị, mà cư dân bản địa vẫn hiện diện đông đúc và là nguồn lực chính cho sự tồn tại của Luy Lâu.

Một số đồ gốm men và đất nung

- Đây là lần đầu tiên tìm được những mảnh khuôn đúc trống Đông Sơn với số lượng lớn và nằm trong địa tẩng ổn định. Vào tháng 11/1998, nhà khảo cổ người Nhật là Nishimura đã tìm được một mảnh khuôn trống tại khu vực cách hố TP4 của chúng tôi khoảng 20 m về phía Bắc. Tuy nhiên, trong báo cáo khai quật năm 2001 của mình, ông cho biết là mảnh khuôn này được nhặt trên bề mặt thành, do người dân lấy đất đóng gạch làm lộ ra. Do đó, việc phát hiện mảnh khuôn đúc trống lần này lại càng có ý nghĩa.

Một số mảnh khuôn đúc trống

- Qua chỉnh lý, chúng tôi đã thu được 38 mảnh khuôn trống bằng đất nung, gồm cả khuôn ngoài và khuôn trong, thuộc các bộ phận khác nhau như mặt, tang, lưng và chân. Các mảnh khuôn ngoài thường có những vòng hoa văn điển hình của trống Đông Sơn như: vòng tròn tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm, vạch ngắn song song, văn bông lúa,... Mảnh khuôn ngoài thường có màu đỏ hoặc đỏ nhạt, trong khi mảnh khuôn trong thường có màu trắng xám và đặc.

Chì lưới và dọi se sợi

- Không chỉ tìm thấy mảnh khuôn trống, mà lần này chúng tôi còn tìm thấy một số hiện vật liên quan đến quy trình đúc trống, ví dụ như ắc bàn xoay hay phễu rót đồng. Dựa trên những hiện vật này, chúng tôi bước đầu đưa ra giả thuyết về một quy trình đúc trống như sau: 1- Tạo thai (phôi) trên trục bàn xoay; 2- Làm hai mang thân và vẽ hoa văn; 3- Làm mặt và tạo hoa văn; 4- Làm quai; 5- Ráp khuôn và rót đồng (xem sơ đồ).

- Về mặt niên đại, chúng tôi cho rằng có thể những mảnh khuôn đúc trống có niên đại thuộc thế kỉ 4 - 2 BC và nằm trong lớp đất sớm hơn, tuy nhiên sau đó đã bị san lấp và nằm lẫn với các hiện vật thời sau, và lớp phát hiện khuôn trống trong hố TP4 là lớp thời Lục triều. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi cũng xin lưu ý rằng, việc định niên đại muộn cho các mảnh khuôn trống nói trên không phải là không có cơ sở. Ngay từ năm 2001, khi phát hiện mảnh khuôn trống đầu tiên ở Luy Lâu, Ts. Nishimura đã định cho nó niên đại thế kỉ 2 AD. Cùng với đó, những hoa văn trên các mảnh khuôn này đều là hoa văn hình học, chưa tìm thấy mảnh nào có hoa văn hình người, hình chim, hình thuyền như trên các trống HI sớm. Ngoài ra, theo Li Tana, đến thế kỉ thứ 6 trống Đông Sơn vẫn tiếp tục được đúc ở miền Bắc Việt Nam. Hy vọng rằng, trong những lần nghiên cứu sau, khi khu vực khai quật được mở rộng, chúng ta sẽ có câu trả lời rõ ràng hơn cho vấn đề này.

Trương Đắc Chiến (Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: