Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên phát hiện ra di tích Đình Tràng với tổng cộng 10 lần khai quật và thám sát. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy Đình Tràng là một di tích đặc biệt quan trọng của thời đại kim khí ở lưu vực sông Hồng.
Khai quật lần thứ VI năm 2008
Đến năm 2008, tròn 10 năm sau Bộ môn Khảo cổ trường Đại học KHXH&NV tiếp tục chọn Đình Tràng là địa điểm cho sinh viên thực tập, đợt này mở hai hố với tổng diện tích là 48m2. Đợt khai quật này kết quả cũng giống với những lần khai quật trước đó, số lượng hiện vật thu được không nhiều, đồ nguyên ít, chủ yếu là mảnh gốm vỡ, di tích chưa rõ ràng. Nhìn chung hiện vật thu được mang tính tương đồng với những sưu tập hiện vật trong các đợt khai quật trước đó. Những người khai quật đưa ra kết luận về niên đại của Đình Tràng như sau:
Ở Đình Tràng tồn tại 4 giai đoạn văn hóa nối tiếp nhau với kết quả nghiên cứu niên đại như sau:
+ Lớp Phùng Nguyên muộn của Đình Tràng qua so sánh với Tràng Kênh có niên đại sớm hơn, có thể là 3.500 năm BP (trước CN), tồn tại ở các lớp 7, 6, 5.
+ Giai đoạn Đồng Đậu ở Đình Tràng mở đầu ở hậu Phùng Nguyên khoảng 3400-3000 năm BP, tồn tại ở các lớp 5, 4, 3.
+ Giai đoạn Gò Mun ở Đình Tràng kết thúc vào khoảng 2700 năm BP và là điểm mở đầu giai đoạn Đông Sơn, tồn tại ở các lớp 3, 2, 1.
+ Giai đoạn Đông Sơn với đặc trưng đồ gốm mang phong cách của giai đoạn Đường Cồ ở Đình Tràng kết thúc vào những năm đầu Công nguyên, và cũng là niên điểm kết thúc toàn bộ hơn 1000 năm tồn tại của Đình Tràng, tồn tại ở lớp 1.
Khai quật lần thứ VII đầu năm 2010
Cuộc khai quật có diện tích lớn nhất từ trước đến nay là cuộc khai quật của Viện Khảo cổ kết hợp cùng Bảo tàng Hà Nội nhân dịp 1000 năm Thăng Long.
Cuộc khai quật Đình Tràng đầu năm 2010
Cuộc khai quật đã không làm phụ lòng những ai quan tâm đến di tích này khi kết quả thu được quá mĩ mãn, đã phát hiện ra rất nhiều di tích mà các cuộc khai quật trước đó chưa tìm thấy, như dấu tích lòng sông cổ, hệ thống bếp lò, mộ Phùng Nguyên… Từ đó có thể đưa ra nhiều nhận định rõ ràng và chính xác hơn như Đình Tràng không chỉ là di chỉ cư trú – mộ táng mà còn là di chỉ xưởng, chế tạo công cụ đá và đồng với quy mô lớn. Cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất rất nhiều di vật quý phục vụ cho việc trưng bày và nghiên cứu khoa học.
Khai quật lần thứ VIII tháng 11 năm 2010
Cuộc khai quật gần đây nhất là dự án hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, vì lí do thời gian nên cuộc khai quật chưa thu được kết quả như mong muốn, nhưng với những gì thu được cũng đã giúp các nhà khoa học có cái nhìn giống với các đợt khai quật trước đó.
Cuộc khai quật khảo cổ Đình Tràng có sự hợp tác của Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, tháng 11/2010
Như vậy tổng cộng Đình Tràng đã trải qua 8 cuộc khai quật lớn nhỏ. Những cuộc khai quật này đã đưa lên lòng đất rất nhiều hiện vật có giá trị, đồng thời làm phát lộ những di tích vô cùng quan trọng góp phần khẳng định vị trí của di tích Đình Tràng trong phổ hệ các di tích cùng thời.
3. Giá trị lịch sử văn hóa của di tích
Cùng nằm trong hệ thống các địa điểm văn hoá khu vực châu thổ Sông Hồng, những địa điểm thuộc Cổ Loa hay xung quanh Cổ Loa, đều có mối liên hệ với Đình Tràng. Lấy thành Cổ Loa làm trung tâm, có thể thấy quá trình tụ cư ở đây đã hình thành 3 khu vực cư trú lớn: phía nam sông Hoàng Giang có Đồng Vông, Bãi Mèn (lớp dưới), Tiên Hội và Cầu Vực; phía bắc là di chỉ cư trú mộ táng Đình Tràng; khu vực trung tâm là Xuân Kiều, Đường Mây, Mả Tre và Xóm Nhồi…
Trong khu vực di tích Cổ Loa, Đình Tràng là một di tích có quá trình phát triển liên tục, niên đại của Đình Tràng ở các lớp tương ứng với các di tích khác như sau:
- Niên đại Phùng Nguyên bao gồm lớp 6 - 8 của Đình Tràng, di chỉ Bãi Mèn, Đồng Vông. Hay nói cách khác người Đình Tràng, Đồng Vông, Bãi Mèn là những cư dân đầu tiên đến khai phá vùng đất màu mỡ ven sông Hoàng Giang, cách ngày nay từ 3.500 đến 4.000 năm.
Mộ Phùng Nguyên khai quật tại Đình Tràng năm 2010
Bát bồng Phùng Nguyên phát hiện tại Đình Tràng trong đợt khai quật năm 2010
- Niên đại Đồng Đậu - Gò Mun bao gồm lớp 3 - 5 của Đình Tràng, di chỉ Xuân Kiều, Tiên Hội. Tức là những người Xuân Kiều, Tiên Hội, Đình Tràng trên cơ sở những làng định cư ổn định của tổ tiên đã tiếp tục mở rộng địa bàn cư trú, khai phá những vùng đất thấp hơn, màu mỡ cạnh các đầm vực.
- Niên đại Đông Sơn bao gồm lớp 1 - 2 của Đình Tràng, di chỉ Đường Mây, di tích Cầu Vực, Mả Tre, Xóm Nhồi…
Lưỡi câu đồng phát hiện tại Đình Tràng trong đợt khai quật năm 2010
Những giá trị văn hoá của Đình Tràng đã được khẳng định: cư dân Đình Tràng thuộc lớp người đầu tiên “Khai sơn phá thạch, mở lối đắp đường” ở châu thổ sông Hồng, biến châu thổ hoang vu, sình lầy mới bồi đắp này thành đồng ruộng phì nhiêu. Đó cũng là những người đã đi tiên phong trong cuộc “cách mạng luyện kim” ở Việt Nam.
Vòng tay bằng đồng và đá phát hiện tại Đình Tràng trong đợt khai quật năm 2010
Hiện vật đá phát hiện tại Đình Tràng trong đợt khai quật năm 2010
Cùng với các cộng đồng cư dân đương đại khác ở khu vực Cổ Loa, cư dân Đình Tràng thực sự đã đóng góp sức người, sức của cho sự ra đời của nhà nước Âu Lạc và thành Cổ Loa.
Như đã nói ở trên, phần phía tây của di tích đã bị san ủi làm sân vận động, trong khi đó nửa phía đông lại thuộc doanh trại quân đội và khu dân cư. Như vậy có thể thấy di tích đang có nguy cơ bị xóa sổ rất cao, làm thay đổi nhiều mặt di tích này.
Đình Tràng và Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) vốn được coi là 2 di tích tiêu biểu cho quá trình phát triển văn hóa khảo cổ vùng châu thổ sông Hồng từ giai đoạn tiền Đông Sơn đến Đông Sơn, nhưng bức tranh hiện tại của 2 di tích này lại hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu như Đồng Đậu đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, được khoanh vùng bảo vệ, có bảo tàng ngoài trời, hội thảo 40 năm phát hiện và nghiên cứu... thì Đình Tràng vẫn chỉ là những cuộc khai quật lẻ tẻ...
Vì thế chúng tôi mong rằng trong thời gian sắp tới, cần có một kế hoạch cụ thể để nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hoá của di tích này đối với Hà Nội nói riêng và cả một thời kỳ lịch sử nói chung đúng với giá trị vốn có của nó.
Lương Thị Hà (Phòng NCST)
Tài liệu tham khảo:
1. Lương Thị Hà 2009. Báo cáo khai quật di tích Đình Tràng lần thứ VI. Khoá luận tốt nghiệp Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Lại Văn Tới & các cộng sự 2011. Kết quả khai quật lần thứ bảy di tích Đình Tràng (Đông Anh - Hà Nội) năm 2010 trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2010, tr 122-124.
3. Lê Văn Chiến, Lương Thị Hà, Chu Mạnh Quyền 2012. Kết quả bước đầu khai quật di tích Đình Tràng lần thứ VIII trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011, tr 126-130.