Từ đầu tháng 5 đến tháng 7/2007, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái và Sở VH-TT, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai quật thành công di tích khảo cổ học Bến Lăn (Tân Lĩnh, Lục Yên).
Từ đầu tháng 5 đến tháng 7/2007, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái và Sở VH-TT, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai quật thành công di tích khảo cổ học Bến Lăn (Tân Lĩnh, Lục Yên).
Di tích khảo cổ học Hắc Y ( thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) là di tích lịch sử - khảo cổ học được xếp hạng quốc gia, bao gồm 8 địa điểm đều nằm xung quanh chân phía nam núi Thần Áo Đen, trong đó tại khu vực Bến Lăn có tới 4 địa điểm (chùa - tháp, thành, trường đua và ao vua). Đây là lần thứ ba khai quật tại di tích chùa - tháp Bến Lăn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác khai quật.
Sau ba lần khai quật, đã phát hiện ra dấu tích của 12 tòa tháp, 6 kiến trúc thờ, trong đó đáng lưu ý là 1 kiến trúc ở trung tâm. Tại đây đã phát hiện một nền kiến trúc có quy mô 13,8m x 10,8m (149m2), trên nền còn dấu vết của 16 ụ sỏi, trong đó có 4 ụ lớn, bên trong là 4 cột chính của kiến trúc, 12 ụ chạy xung quanh là những cột hiên.
Như vậy, cấu trúc của kiến trúc này là nhà 1 gian có hiên chạy xung quanh. Đằng sau, phía tây bắc của nền kiến trúc là một bậc thềm lát gạch, ngói. Căn cứ dấu tích trên, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây có thể là một ngôi chùa, song cũng có thể là một gác chuông. Ở bậc thềm phía sau công trình đè lên một bậc thềm bằng đá dày, đây hẳn là bậc thềm của một kiến trúc sớm hơn.
Đặc biệt đã phát hiện dấu tích của hai lò nung gốm, 1 cốc thử men, 1 khuôn đúc chim uyên ương cùng nhiều đồ sứ phế phẩm. Điều này chứng tỏ mọi vật liệu xây dựng chùa, tượng thờ, đồ thờ, kể cả đồ sành, sứ... đã được sản xuất tại chỗ. Trong di tích cũng đã phát hiện được một đoạn đường ống dẫn nước bằng đất nung dài hơn 4m.
Bố cục khu chùa tháp rất quy củ, toàn bộ khu rộng hơn 7.000m2 được bao bọc bởi một bức tường đá gần hình thang vuông. Các kiến trúc chùa đều chạy men theo các bức tường đá. Chỉ có một công trình nghi là gác chuông nằm ở chính trục trọng tâm (được gọi là trục thần đạo). Trước mặt của gác chuông (?) là 2 dãy tháp đối xứng 2 bên, giữa là khoảng không thông thẳng ra cửa chính. Cửa chính được bố trí giữa trục thần đạo và cách suối Tân Lĩnh khoảng 50m. Mặt của cửa chính và gác chuông (?) quay theo chính hướng đông nam, nhìn xuyên suốt thung lũng Làng Sâng. Vì vậy, tuy công trình nằm trong vùng rừng núi song tầm nhìn rất thoáng, xa và mở rộng.
Về hiện vật, tại Di tích khảo cổ học Hắc Y đã thu được nhiều loại hình hiện vật phong phú: ngói lợp có các loại mũi tròn, mũi hài, cánh én, mũi nhọn, ngói bò nóc, ngói bò và ngói lợp gắn lá đề; gạch có gạch xây, gạch lát nền (có hoa văn), nhiều chân tảng khắc hoa văn cánh sen to và đẹp, nhiều đinh đỉa dùng đóng mái, cối cửa, ngõng cửa... |
Trang trí có nhiều mảng trang trí ốp bệ thờ (cúc dây, hoa cúc, hoa sen); các phù điêu mang văn “như ý”, văn cúc dây cách điệu, cánh sen, trang trí chim phượng chầu nhau trong lá đề... được khắc tạo tinh tế và rất đẹp. Đặc biệt, có một cố mảnh đài sen đất nung phủ men ngọc (xanh) có hình rồng trong cánh sen, đây là loại rồng có đặc điểm thời Lý.
Tượng có: tượng Phật (Thích ca sơ sinh, Di lặc, A di đà) bằng sứ; tượng chim phượng, rồng, lân, voi, lợn, uyên ương, chim thần Ga-ru-đa bằng đất nung được phủ men. Đồ thờ và vật dụng gồm có: bình, âu, lọ, nậm, đài sen, bát, đĩa, chén thạp bằng sứ; nồi, chõ xôi (?) vại, lon... bằng sành và đất nung.
Có điều đáng lưu ý là gần như toàn bộ các loại hình hiện vật đều bị vỡ vụn, chỉ còn sót lại một vài di vật khá lành lặn là lon sành, tượng chim phượng (song cũng bị mất phần mào).
Về niên đại: có thể thấy tại đây đã có những công trình tôn giáo tín ngưỡng được xây dựng suốt từ thời Lý - Trần đến thời Lê, trong đó đậm đặc nhất là dấu ấn niên đại thời Trần. Bậc thềm đá nằm dưới lớp bậc thềm niên đại Trần cùng một số bình, đĩa men ngọc, một số hoa văn rồng, văn “như ý”, cúc dây, mảnh chân tảng có văn cánh sen nhọn đầu... phản ánh niên đại sớm hơn Trần, có đặc điểm của thời Lý.
Phát hiện dấu tích của hai lò nung gốm.
Một số bát, đĩa, mảnh bình tì bà, bình vôi mang đặc trưng của thời Lê. Còn lại, hầu hết các di vật ở đây đều mang đậm dấu ấn của thời Trần. Ở đây cũng phát hiện một số minh văn được ghi trên các tòa tháp, song chưa cho thông tin gì nhiều và ta cũng chưa biết đích xác tên chùa ở đây cũng như niên đại tuyệt đối của khu chùa - tháp này. Khảo cứu những đồng tiền khai quật được có cả tiền Trung Quốc và tiền Việt Nam có từ thời Lý đến Trần, muộn nhất là đồng Nguyên Phong thông bảo; tiền Trung Quốc sớm nhất có tiền Ngũ thù (Đông Hán). Như vậy có thể nói, khu chùa ở đây có khả năng được xây dựng từ thời Lý, sau đó đến thời Trần được xây dựng lại to lớn hơn với các kiến trúc cầu kỳ, tinh xảo hơn.
Từ những tư liệu đã biết, cho chúng ta đi đến một số nhận xét sau đây: Cách đây chừng 800 năm vào khoảng thế kỷ XII, tại Bến Lăn có thể đã có những ngôi chùa đầu tiên được xây dựng với quy mô khá lớn. Đến thời Trần, cách đây trên 700 năm, và khoảng thế kỷ XIII, một hệ thống chùa - tháp đã được xây cất trên nền của khu chùa cũ với quy mô lớn hơn, với hàng chục ngôi chùa và hàng chục tòa tháp, những chùa tháp này được bao bọc bởi một bức tường đá gần hình chữ nhật.
Đến thời Lê, vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII, sau khi các công trình chùa tháp thời Trần sụp đổ, người ta đã dựng nên một ngôi đình, các vật liệu cũ của thời Trần được đập để làm nền (?), chân tảng được lật úp để làm chân cột đình. Rồi sau ngôi đình này cũng bị sụp đổ và đi vào quên lãng. Trong ký ức của nhân dân địa phương chỉ còn tên gọi “Đình Bến Lăn”.
Gần như cùng thời với khu chùa Bến Lăn là chùa đồi Hắc Y và chùa Dõng (các tên chùa này tạm đặt để phục vụ nghiên cứu). Những chùa này đều có phong cách gần giống chùa Bến Lăn, tuy nhiên bên cạnh đó đã có những nét riêng, nhưng ở chùa Hắc Y có tòa tháp lớn với trang trí hoa văn thủy ba rất đặc sắc; ở chùa Dõng với những lá đề không phải trang trí phượng chầu nhau mà là hai sừng tê và ba viên ngọc, xung quanh có diềm lửa, khác với các phù điêu trang trí có chạm khắc hình chim phượng chầu nhau trong lá đề ở đồi Hắc Y và đồi Bến Lăn và khác với hình tượng hoa cúc, hoa sen ở Bến Lăn. Các chân tảng cánh sen ở chùa Dõng cũng khác với chân tảng cánh sen ở chùa Bến Lăn.
Về niên đại, căn cứ vào đặc trưng kiến trúc của chùa tháp, kỹ thuật, các loại hoa văn trang trí và những đồng tiền Việt Nam có niên hiệu Nguyên Phong thông bảo đã củng cố nhận xét trước đây của các nhà nghiên cứu về niên đại thời Trần thế kỷ XIII của khu di tích này. Như vậy, muộn nhất là giữa thế kỷ XIII, khu chùa này vẫn tồn tại. Các vết tích về một số hiện vật như bình, mảnh chân tảng cánh sen... có đặc điểm của thời Lý cho biết, có thể vào thế kỷ XII đã có những ngôi chùa được dựng ở đây.
Hiện nay, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Yên Bái hết sức quan tâm chỉ đạo nhằm sớm có kết luận đánh giá chính thức giá trị khu di tích này, để tiến tới việc quy hoạch, bảo tồn và phục hồi di tích, góp phần phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Văn Quang