Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/09/2008 00:00 321
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Di tích Giồng Lớn thuộc thôn 3 Rạch Già, xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Đây là một giồng cát nằm trong vùng sinh thái ngập mặn ven biển, kéo dài theo hướng Đông - Tây khoảng 1km, rộng khoảng 100m.

Di tích Giồng Lớn thuộc thôn 3 Rạch Già, xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Đây là một giồng cát nằm trong vùng sinh thái ngập mặn ven biển, kéo dài theo hướng Đông - Tây khoảng 1km, rộng khoảng 100m.

I. Giới thiệu chung:


Toạ độ địa lý của di tích được xác định là 10°27’73’’ vĩ Bắc, 107°04’002’’ kinh Đông, cách Quốc lộ 51 khoảng 4km về phía bắc, cách vịnh Gành Rái khoảng 10km về phía nam và cách thành phố Vũng Tàu khoảng 7km về phía đông nam.


Di tích này được phát hiện vào tháng 8 - 2002 và khai quật lần đầu vào tháng 5 - 2003. Qua đó các nhà khảo cổ đã xác định đây là một khu mộ táng có niên đại khoảng 2000 năm B.P và có vị trí hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu bức tranh lịch sử những thế kỷ trước sau công nguyên ở Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung. Để tìm hiểu sâu kỹ hơn tính chất và nội dung văn hoá của di tích, tháng 6 - 2005, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu tiến hành khai quật di tích Giồng Lớn lần thứ hai. Cuộc khai quật đã có những phát hiện mới, với những thông tin quan trọng.

II. Kết quả khai quật:


1. Di tích:

Di tích mộ táng

Trong đợt này, chúng tôi đã mở 2 hố khai quật và 9 hố thám sát, với tổng diện tích khoảng 300m², trong đó chỉ tìm thấy di tích mộ táng ở hố khai quật, còn không tìm thấy di tích nào của người xưa trong các hố thám sát.


Đợt này đã phát hiện được 26 cụm mộ, với hai loại hình là mộ nồi và mộ đất. Độ sâu xuất lộ các cụm mộ từ khoảng 80cm trở lên.

- Mộ nồi: có 3 mộ (chiếm 11,5%) và đều là loại nồi nhỏ, đường kính thân từ 35 đến 50cm, gồm hai loại. Loại thứ nhất là nồi vai xuôi, đáy tròn, xương gốm đen, mịn, áo trắng, có văn thừng đập bên ngoài. Loại thứ hai là nồi vai gãy, đáy tròn, xương gốm nâu hoặc nâu vàng, thô, áo gốm màu vàng sẫm hoặc xám đen. Các nồi táng đều được chôn ngửa và thường có 1 nồi nhỏ úp lên trên. Cả nồi táng chính và nồi úp đều bị ghè bỏ phần miệng. Đồ tuỳ táng được tìm thấy cả bên ngoài và bên trong nồi, với những loại hình như nồi, bát bồng, bình con tiện. Tuy vậy, đồ tuỳ táng thường rất ít, mỗi mộ chỉ có 1 - 3 hiện vật.

- Mộ đất: là loại hình mộ táng chủ yếu với 23 cụm mộ (88,5%). Mộ thường dài khoảng 2m, rộng 0,5 - 0,8m và không có hướng thống nhất. Trong 20 mộ của hố I thì 8 mộ hướng đông - tây, 7 mộ hướng bắc - nam, 5 mộ hướng đông nam - tây bắc. Đồ tuỳ táng trong mộ rất phong phú và đa dạng. Đồ gốm thường được đặt hai bên sườn hoặc trên đầu và dưới chân, còn những hiện vật như mặt nạ, hạt chuỗi hay khuyên tai được đặt trực tiếp lên cơ thể người chết.


2. Di vật:

Qua hai hố khai quật đã thu được 672 hiện vật với rất nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Bộ sưu tập hiện vật này có những nét đáng chú ý:


2.1. Đồ gốm:

- Loại hình: tổng số đồ gốm nguyên và phục dựng là 84 tiêu bản, với các loại hình như nồi, vò, bình, bát bồng, gốm con tiện…Đáng chú ý là đã tìm thấy một chiếc nồi có chân đế khá cao và một chiếc nồi vai vát cổ lọ có dáng rất gần với đồ đồng.

- Chất liệu: đồ gốm Giồng Lớn làm từ hai loại chất liệu khác nhau. Thứ nhất là loại gốm thô, xương nâu hoặc nâu vàng, pha cát hạt to, áo vàng sẫm hoặc xám đen – đây là loại chủ đạo. thứ hai, ít hơn, là loại gốm đen, xương mịn do pha nhiều bã thực vật hoặc trộn với than bùn, áo gốm màu trắng.

- Hoa văn: phần lớn đồ gốm đều có trang trí hoa văn, với những đường khắc vạch hay chấm dải được tạo bằng que nhiều răng. Mô típ thường thấy là những băng chấm nghiêng xen kẽ với băng vạch nghiêng/sóng nước trái chiều, còn gọi là hoa văn “sóng biển mưa rào”. Loại hoa văn đậm chất kỷ hà cũng xuất hiện khá phổ biến. Ngoài ra còn có sự hiện diện của văn thừng, văn chải và văn in vỏ sò.


2.2. Đồ trang sức: có vị trí nổi bật, góp phần tạo nên những đặc trưng của Giồng Lớn. Chúng tôi đã thu được 575 hiện vật thuộc nhóm đồ trang sức, với các loại như vòng tay (đá nephrite), khuyên tai (vàng), hạt chuỗi (thuỷ tinh, mã não, gốm)…, trong đó hạt chuỗi thuỷ tinh chiếm số lượng lớn nhất. Đặc biệt, đã tìm thấy một hạt chuỗi lớn bằng mã não màu đỏ, đường kính khoảng 2cm.


2.3. Công cụ, vũ khí: có 7 tiêu bản công cụ, vũ khí bằng sắt, gồm: 3 đục, 3 dao nhỏ, 1 mũi giáo.


2.4. Ngoài những loại hình kể trên, còn tìm thấy những hiện vật rất đáng chú ý như: 1 mặt nạ vàng, 1 mô hình linga bằng vàng, 2 miếng vàng dát mỏng hình chữ nhật, 1 lục lạc đồng.

Mặt nạ bằng vàng

III. Một vài nhận xét:


1. Về di tích: có thể khẳng định đây là một di tích thuần mộ táng, với hai loại hình là mộ táng và mộ nồi. Về táng thức, có lẽ mộ đất dùng cho hung táng còn mộ nồi dùng cho cải táng hoặc chôn trẻ em. Quy mô của khu mộ không lớn lắm, được định vị trên sườn phía nam của giồng, diện tích khoảng 1000m².


2. Về di vật: Nhìn tổng thể, đồ gốm Giồng Lớn là sự phát triển của truyền thống gốm Giồng Cá Vồ nói riêng và Đồng Nai nói chung. ở Giồng Lớn cũng bắt đầu có sự xuất hiện của những loại hình gốm Óc Eo sớm, đó là loại gốm có cổ và miệng hẹp, xương gốm đen, áo trắng. Đồ trang sức Giồng Lớn thuộc các loại chất liệu khác nhau như thuỷ tinh, vàng, đá quý, gốm. qua nghiên cứu bước đầu, chúng tôi nhận thấy nhiều khả năng những hiện vật này được chế tác tại chỗ. Hiện tượng đồ tuỳ táng nhiều ít khác nhau giữa các mộ, đặc biệt là những đồ quý hiếm chỉ có trong một vài cụm mộ đã phần nào phản ánh sự phân hoá xã hội cao của chủ nhân khu mộ táng, ít ra là về mặt kinh tế.


3. Về văn hoá và niên đại: qua nghiên cứu tổng thể di tích, di vật, chúng tôi cho rằng niên đại của khu mộ táng ở vào khoảng 2000 năm B.P. Về văn hoá, chúng tôi xếp Giồng Lớn thuộc văn hoá Óc Eo.

Lê Văn Chiến - Trương Đắc Chiến

(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam )

Chia sẻ:

Bài viết khác

KHAI QUẬT DI CHỈ GÒ CÂY ME

KHAI QUẬT DI CHỈ GÒ CÂY ME

  • 01/09/2008 00:00
  • 340

Địa điểm Gò Cây Me thuộc ấp Phước Hiệp, xã Tân Hoà, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có tọa độ địa lý là 107˚03’657’’ kinh Đông, 10˚30’784’’ vĩ Bắc. Đây là một gò đất dạng bát úp, diện tích khoảng 1000m², cao hơn xung quanh gần 2m, nằm trong hệ thống những gò đất ngập mặn ven biển (cách đó không xa là Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me (xã Phước Hoà), Gò Cây Chôm, Gò Quát Trong, Gò Quát Ngoài, Gò Bảy Mộ…).