Kho báu của Thoại Ngọc Hầu còn có cả những vật phẩm nguồn gốc từ châu Âu, trong đó gồm nhiều di vật chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần nhận diện và giải mã nhiều ẩn số lịch sử.
Kho báu của Thoại Ngọc Hầu còn có cả những vật phẩm nguồn gốc từ châu Âu, trong đó gồm nhiều di vật chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần nhận diện và giải mã nhiều ẩn số lịch sử.
Kính mắt châu Âu của Thống chế Thoại Ngọc Hầu.
Thống kê sơ bộ, tổng số di vật có nguồn gốc từ các nước châu Âu tìm thấy trong lăng Thoại Ngọc Hầu tổng cộng là 63 di vật, trong đó có một chiếc kính đeo mắt châu Âu thuộc loại kính lão (viễn thị 2,5 độ), gọng kim loại có thể gấp lại, tròng thủy tinh tròn còn nguyên vẹn, đường kính tròng 4,9 cm. Niên đại của nhóm di vật tìm thấy trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu được xác định muộn nhất là năm 1829 - năm mất của Thoại Ngọc Hầu.
Về loại kính đeo mắt, cho đến nay ở VN, niên đại sớm nhất, khảo cổ mới chỉ ghi nhận được 4 chiếc kính đeo mắt, điều đáng chú ý là cả 4 chiếc này đều được tìm thấy trong khu lăng mộ của các vị quan đại thần thời Nguyễn ở Nam bộ. Ngoài kính của Thoại Ngọc Hầu, còn có kính đeo mắt của Lê Văn Phong (Phó tổng trấn Bắc Thành - em trai Tả quân Lê Văn Duyệt, mất năm 1824), trong lăng mộ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM; một chiếc trong lăng mộ của vị quan văn nhất phẩm triều Nguyễn ở Bình Thới, Q.11, TP.HCM khai quật trước 1975; trong ngôi mộ cổ tại đường Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, khai quật năm 2005.
Kính mắt châu Âu của vị quan văn nhất phẩm triều Nguyễn.
Nam bộ (Gia Định thành) là đất phục hưng của họ Nguyễn trong lịch sử. Sau khi bị chúa Trịnh và phong trào Tây Sơn đánh đuổi (1774 - 1775), chúa Nguyễn Phúc Thuần phải rời khỏi thủ phủ Phú Xuân, Quảng Nam vào Gia Định để hy vọng tồn tại. Nhưng kết cuộc sự nghiệp của chúa Nguyễn hơn 200 năm đã sụp đổ trước phong trào Tây Sơn với các trận chiến oanh liệt của Quang Trung trong các năm 1782, 1785.
Năm 1788, nội bộ triều Tây Sơn đã tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định và xây dựng nơi đây trở thành trung tâm quyền lực của họ Nguyễn trước khi thực hiện đại định thiên hạ, tái lập kinh đô Phú Xuân - Huế (1802). Cũng cần nói thêm rằng, trong cuộc nội chiến với Tây Sơn, nhờ sự góp sức lớn lao của những công thần vùng đất Gia Định mà họ Nguyễn đã lấy lại được giang sơn. Vì vậy, trong giai đoạn đầu triều Nguyễn, phần lớn quan lại đại thần ở kinh thành Huế và trấn giữ các tỉnh, thành, dinh, trấn quan trọng của đất nước, đa số đều có xuất thân từ Gia Định và vùng phụ cận. Thể theo ước vọng truyền đời “cáo chết quay đầu về núi”, triều Nguyễn đã có những quy định mang tính ân điển đối với những công thần ở kinh đô Huế hay trấn giữ ở các tỉnh, thành, dinh trấn khác trong cả nước. Sau khi các bậc công thần qua đời, triều đình đã tổ chức đưa về an táng tại quê hương.
Về sự xuất hiện của những chiếc kính đeo mắt có nguồn gốc từ châu Âu được tìm thấy trong một số lăng mộ các vị quan đại thần thời Nguyễn an táng tại Gia Định xưa, sách Đại Nam thực lục có một ghi chép quan trọng góp phần nhận diện nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lịch sử triều Nguyễn với những biến chuyển lớn: Đó là vào tháng giêng năm Canh Thìn, 1820 (Minh Mạng năm thứ nhất), sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng đã ban kính đeo mắt Tây Dương và lọ dầu đinh hương cho bầy tôi... dụ rằng: “Đạo trị nước chép ở sách vở, không xem rộng xét kỹ không thể biết được”. Ghi chép này cùng với những cổ vật thuộc loại kính đeo mắt tìm thấy trong lăng mộ các vị quan đại thần triều Nguyễn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử đương thời, đó là: nếu vua Gia Long (cha của vua Minh Mạng) trước đó, khi mà hệ thống quan lại đại thần được triều đình chú trọng sử dụng những quan lại phần nhiều mang nghiệp võ, có nhiều công lao giúp Nguyễn Ánh - Gia Long lấy lại sự nghiệp, lập ra vương triều Nguyễn, ít quan tâm đến học vấn để trị nước, thì đến thời Minh Mạng được đánh giá là có đường lối chính trị sử dụng văn trị để củng cố, xây dựng và phát triển vương triều Nguyễn được thịnh trị.
Triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng đã được sử sách ghi chép rất nhiều sự kiện liên quan đến việc đẩy mạnh giao thương với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là việc cử các phái đoàn đi giao thương với các công ty Đông Ấn châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan...). Trong các chuyến đi đó, nhiều chỉ dụ đã cho thấy chủ yếu vua Minh Mạng giao các sứ thần tìm mua các loại hàng hóa của châu Âu về phục vụ triều đình, trong đó có kính đeo mắt của Tây Dương (châu Âu) để ban phát cho các quan lại đại thần, với mục đích giúp quan lại có kính đeo mắt để đọc sách, trau dồi tri thức nhằm phục vụ đất nước trong thời kỳ ổn định, thịnh trị. Và những chiếc kính đeo mắt của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu cùng với một số quan lại đại thần khác tìm thấy ở Nam bộ, cho phép nhận diện nhiều khả năng đây là những vật dụng được vua Minh Mạng ban phát trong những ngày tháng đầu tiên khi vua lên ngôi.
Lương Chánh Tòng