Sau 1 tháng tiến hành khai quật tại tháp Núi Bút (bắt đầu từ ngày 17/2/2017), chiều 5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật.
Sau 1 tháng tiến hành khai quật tại tháp Núi Bút (bắt đầu từ ngày 17/2/2017), chiều 5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật.
Rất nhiều viên gạch thời Chămpa được phát hiện tai tháp Núi Bút.(Ảnh: baoquangngai.vn)
Theo đó, đoàn khai quật đã thu được 109 hiện vật di tích tháp Núi Bút (hiện vật được đăng ký số và làm phiếu hiện vật). Số hiện vật bao gồm các loại chất liệu: đất nung, gốm sứ có men, đá. Ngoài ra, còn có gần 2.000 mảnh vỡ hiện vật gồm gạch vỡ xếp gọn gần di tích; mảnh gốm, sành, sứ để tại kho tham khảo của bảo tàng. Chất liệu gốm sứ có men, nhiều mảnh sứ men trắng, gắn chắp được một nửa đĩa sứ men trắng, là đĩa sứ thời Tống (Trung Quốc).
Đoàn khai quật đã phát hiện được hai tượng Kinnari không nguyên vẹn: mất đầu và một phần cánh; hai đầu tượng Nam thần không nguyên vẹn. Đặc biệt, bộ Linga - Yoni có kích thước lớn: Linga có đường kính 40cm, cao 43cm; Yoni dài 168cm, rộng 124,4cm, dày 25,5cm.
Theo đánh giá của các chuyên gia khảo cổ, về niên đại bình đồ của tháp Núi Bút với phần cửa chính phía Đông kéo dài thành một gian tiền sảnh, ba cửa giả ba phía còn lại không rộng và ngắn cho thấy chúng gần giống với tháp chính của tháp Bà Nha Trang (Khánh Hòa), tháp chính của tháp Bánh Ít (Bình Định) và tháp chính nhóm G ở Sơn Mỹ (Mỹ Sơn G1). Các tượng Kinnari của tháp Núi Bút thể hiện rất rõ sự chuyển tiếp từ các Kinnari Chiêu Đàn (phong cách Chuyển tiếp thế kỷ XI) sang Kinnari tháp Mẫn (thế kỷ XII). Các mảnh đá trang trí góc tháp Núi Bút vừa gần gống phong cách chuyển tiếp, vừa gần giống phong cách Bình Định, cho nên niên đại của tháp Núi Bút có thể ở cuối phong cách Chuyển tiếp, đầu phong cách Bình Định.
Qua so sánh sơ bộ bình đồ cũng như hiện vật với những ngôi tháp đã được xác định phong cách và niên dại, có thể đoán định tháp Núi Bút thuộc giai đoạn cuối phong cách Chuyển tiếp từ phong cách Sơn Mỹ A1 (thế kỷ X) sang phong cách Bình Định (thế kỷ XII-XIV), nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XI.
Những hiện vật điêu khắc trang trí đá và đất nung phát hiện được tại tháp Núi Bút là những hiện vật đẹp và hiếm gặp. Qua những hiện vật này có thể nghiên cứu, phân tích so sánh để xác định niên đại và phong cách cho di tích tháp Núi Bút.
Phát hiện một tấm bia nhỏ, kích thước 45cm x 6cm, mặt đá đặt trong khung bê tông. Bia khắc chữ Hán, do mặt bia bị vỡ nên đã bị mất nhiều chữ, chỉ còn đọc được một số chữ. Dịch nghĩa những chữ đọc được: Năm Phật lịch 2507 (tức năm 1953), tỉnh Quảng Ngãi, Giáo hội Phật giáo...ngày tạo bia... Hiện tấm bia này vẫn được để tại chỗ trên hố khai quật.
Dịp này, Ban tổ chức cũng đưa ra một số kiến nghị như: Cần bảo tồn và sớm phục hồi lại nguyên trạng một cách khoa học bình đồ móng tháp Chăm Núi Bút. Bảo vệ và phát huy di tích đã được phục hồi bằng một kiến trúc vừa có chức năng bảo vệ, vừa có hình thức thẩm mỹ tương xứng với giá trị và phù hợp với cảnh quan đặc biệt của Núi Bút. Có thể xây dựng tại Núi Bút một ngôi đền để đặt và bảo vệ Linga - Yoni tháp Núi Bút, cùng một số hiện vật có giá trị mới phát hiện để nhân dân và du khách đến chiêm bái, thờ phụng. Nếu có thể, phục dựng lại tháp Núi Bút bằng kỹ thuật ánh sáng. Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận tháp Núi Bút là di tích khảo cổ, nghệ thuật kiến trúc Chăm cấp quốc gia. Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận bộ Linnga - Yoni, tháp Núi Bút là bảo vật quốc gia./.
Trường Minh